Giới trẻ

“Bội thu” nhờ tranh thủ làm thêm ngày Tết

Nhiều bạn trẻ chủ động về quê muộn hơn để tranh thủ làm thêm những ngày cuối năm, vừa để tận dụng thời gian rảnh, đặc thù công việc, cũng là cơ hội để có thu nhập gấp nhiều ngày thường.

Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đang cận kề, nhiều bạn trẻ, sinh viên sau khi hoàn thành việc học ở trường chỉ mong chuẩn bị đồ đạc thật nhanh để về quê ăn Tết. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít người nán lại để làm thêm.

Những ngày này, nhu cầu việc làm tăng mạnh, nhiều việc làm hấp dẫn với mức lương cao thu hút các bạn trẻ. Ngày thường, có những nơi chỉ tuyển nhân viên làm việc cả ngày nhưng dịp cuối năm đã chủ động tìm người làm theo ca vì thiếu người, nhiều việc. Vì vậy đây là dịp để những bạn trẻ, sinh viên có cơ hội tìm được việc làm thời vụ với mức lương cao.

Vân Anh chủ động về Tết muộn để làm thêm

Banquet (bộ phận trực thuộc khách sạn, đảm nhận nhiệm vụ tổ chức các buổi hội nghị, tiệc… cho khách hàng - PV) là một công việc khá vất vả nhưng được nhiều bạn sinh viên lựa chọn làm thêm, đặc biệt là dịp Tết vì thời điểm cuối năm nhiều sự kiện tổ chức.

Được nghỉ học khá sớm, quãng đường về quê chỉ khoảng 60km nên Vân Anh, hiện đang là sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội thay vì về quê sớm đã quyết định nán lại thêm vài ngày.

“Mỗi khách sạn lại có một quy định khác nhau, có nơi chốt lương trước Tết có chỗ sau Tết mới trả. Bình thường mình làm thêm tính theo giờ, 16.000 đồng/giờ cộng thêm 5.000 đồng gửi xe thì một ca cũng được khoảng 133.000 đồng.

Trước khi nghỉ Tết còn bận học và khi đó nhiều người làm được nên rất khó đăng ký, phải nhanh tay với được một suất nhưng cuối năm rồi mọi người về hết dễ đăng ký hơn. Những ngày tới, mình lại được nghỉ học nữa nên sẽ làm liên tục và tăng ca”, Vân Anh chia sẻ.

Hải Yến cho biết dịp cuối năm ngoài tiền lương cao hơn, cô bạn còn nhận được thưởng Tết

Dịp cuối năm, nhu cầu làm đẹp lại bản thân của chị em phụ nữ để đón năm mới càng thêm nhộn nhịp nên những ngày này nghề sơn sửa, vẽ móng tay đúng độ vào mùa. Hải Yến hiện đang là học viên của lớp học vẽ móng ở Hà Nội cho biết do đặc thù công việc nên Yến sẽ làm đến 29 Tết mới về quê.

“Bình thường, mình đến làm ca sáng lúc 8 giờ, ở lại trưa, có hôm đông khách bữa trưa chuyển thành bữa chiều và tối mình thường về khá muộn vì làm thêm giờ. Tuy vất vả nhưng vì công việc cũng quen rồi nên mình thấy không mấy khó khăn.

Ngoài lương cứng bọn mình còn có thêm tiền trách nhiệm, thưởng cuối năm và thưởng doanh số. Cuối năm đông khách nên doanh số chắc chắn sẽ cao hơn rồi. Tăng ca được thêm 10.000 đồng/tiếng vì vậy những ngày sát Tết thu nhập thường cao hơn. Mấy ngày cuối mình còn chuyển đến ở cửa hàng cả tối để làm”, Yến nói.

Cũng như công việc của Yến, năm nay Võ Linh tiếp tục về quê ăn Tết muộn vì đặc thù công việc chạy xe không được nghỉ sớm. Với những bạn trẻ làm nghề phụ xe như Linh thì ngày Tết được gọi là những ngày cao điểm, thậm chí còn tăng cường chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.

Đây là năm thứ 3 Linh gắn bó với công việc này, anh cho biết: “Những đồng nghiệp nhà ở xa dịp Tết sẽ được ưu tiên nghỉ sớm 1, 2 ngày còn phần lớn đều chỉ được nghỉ tết 2 ngày là Giao thừa và ngày Mùng 1”.

“Mình phụ xe tuyến Đà Lạt – Hà Nội, với tuyến đường dài nên tiền lương của bọn mình sẽ khoán theo chuyến chứ không theo hành khách. Cuối năm, khách đông nên có những lần mình về nửa đường lại được xếp xe khác để quay đầu ra đón khách. Thu nhập cũng tăng lên theo số chuyến mà mình theo được”, Linh chia sẻ.

Tuy vất vả nhưng phần lớn các bạn trẻ đều cho biết bản thân khá chủ động trong công việc. Việc làm thêm ngày Tết không tránh khỏi những khó khăn vì lượng khách đông, công việc áp lực nhưng bù lại thu nhập cho những ngày Tết cũng bù đắp xứng đáng lại công sức họ đã bỏ ra.

Tác giả: Kim Bảo Ngân

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP