Pháp luật

Bị cáo Đinh La Thăng có được giảm án trong chiều nay?

Chiều nay, tòa phúc thẩm sẽ đưa ra phán quyết với nguyên Chủ tịch PVN trong vụ Tập đoàn Dầu khí mất 800 tỷ đồng.

Chiều nay (26/6), sau 2 ngày nghị án, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra phán quyết đối với ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí) và 6 bị cáo trong vụ PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).

Thủ tướng không có ý kiến nào đồng ý để PVN góp vốn vào Oceanbank

Theo chủ tọa Nguyễn Vinh Quang, HĐXX xét thấy, về tố tụng, kháng cáo của các bị cáo đều hợp lệ.

Với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn xin xem xét lại tư cách tham gia phiên tòa và xin rút kháng cáo về hình phạt và mức bồi thường dân sự. Do Sơn là bị cáo trong cùng một vụ án đã được tòa sơ thẩm xét xử, do đó HĐXX xác định tư cách Nguyễn Xuân Sơn tiếp tục là bị cáo.

Bên trong phòng xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng và các đồng phạm. Ảnh: P.D.

HĐXX xác định, PVN là doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước, hoạt động tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp năm 2003. Chức năng, nhiệm vụ của HĐTV và Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí cũng được quy định theo Luật Doanh nghiệp 2003, Điều lệ tập đoàn và theo quy định cua pháp luật. Theo quy định, mọi hoạt động đầu tư của PVN đều phải trình và được Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương. Sau khi Thủ tướng đồng ý và giao Bộ Tài chính là cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, giám sát và theo dõi, PVN mới được thực hiện việc đầu tư.

Từ lời khai của các bị cáo, người liên quan và qua nghiên cứu hồ sơ, HĐXX xác định Thủ tướng không có ý kiến nào đồng ý để PVN thực hiện việc góp vốn vào Oceanbank sau khi PVN tăng vốn điều lệ. Do đó, các bị cáo cho rằng HĐTV PVN thực hiện việc đầu tư không cần xin ý kiến chấp thuận là không có cơ sở chấp nhận.

HĐXX cũng xác định, việc Đinh La Thăng thay mặt HĐTV ký thỏa thuận 9634 về việc góp vốn với Oceanbank là làm trái với thẩm quyền. Không có quy định nào cho phép Chủ tịch HĐQT thay mặt pháp nhân để ký thỏa thuận tương đương.

HĐXX xác định hành vi ký kết thỏa thuận trên là trái chức năng, vượt thẩm quyền, đã vi phạm Luật Doanh nghiệp và Điều lệ PVN. Việc ký thỏa thuận là tiền đề để các thành viên HĐTV ký ra nghị quyết thực hiện việc góp vốn. Do đó, Đinh La Thăng có phần trách nhiệm cá nhân trong việc này.

Như vậy, có căn cứ xác định các thành viên HĐTV PVN đã thống nhất nghị quyết góp vốn khi chưa được Thủ tướng đồng ý. Việc này đã vi phạm quy chế ban hành nghị quyết của Tập đoàn dầu khí.

VKS đề nghị bác kháng cáo

Trước đó, sau 3 ngày xét hỏi, đại diện VKSND Cấp cao đưa ra quan điểm đối với kháng cáo của ông Đinh La Thăng và 6 bị cáo.

Trong bản luận tội, công tố viên cương quyết giữ nguyên cáo buộc, cho rằng năm 2008, Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Oceanbank) về việc PVN góp vốn vào nhà băng mà chưa thông qua HĐQT PVN. Đây là việc làm trái điều lệ, 6 bị cáo còn lại đã đồng tình với chủ trương góp vốn trên.

VKS quy kết, việc làm của họ đã trái chỉ đạo của Bộ Tài chính và trái quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, cơ quan công tố cho rằng trước khi ông Thăng rời PVN, các bị cáo đã đầu tư trái quy định. Nhà băng mất vốn chỉ là vấn đề thời gian. Do đó, bị cáo Đinh La Thăng vẫn phải chịu trách nhiệm.

7 bị cáo dù có đơn kháng án nhưng khi ra tòa, không ai đưa ra được tình tiết mới để làm căn cứ xem xét. Từ đó, đại diện VKS đề nghị tòa bác toàn bộ kháng cáo của Đinh La Thăng và 6 bị cáo.

Đinh La Thăng và các bị cáo tại tòa phúc thẩm. Ảnh: P.D.

Bị cáo Đinh La Thăng vẫn chối tội

Phản bác lại luận tội của đại diện VKS, bị cáo Đinh La Thăng vẫn một mực khẳng định bản thân không cố ý làm trái. Nguyên Chủ tịch PVN nói việc PVN đầu tư vào Oceanbank là giải pháp tình thế trong hoàn cảnh phải giải quyết hệ lụy sau khi Ngân hàng Hồng Việt bị từ chối thành lập.

Ngoài ra, chủ trương đầu tư vào Oceanbank đúng pháp luật và đạt hiệu quả thực tế. Cụ thể, PVN đã hưởng 244 tỷ đồng cổ tức sau khi góp vốn vào nhà băng.

Tuy nhiên, khi PVN thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đã xin thoái vốn nhưng không được đồng ý cho đến khi Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc Oceanbank với giá 0 đồng.

"Tôi luôn thượng tôn pháp luật, không cố ý làm trái. Tôi xin khẳng định một lần nữa, tôi không có tội", bị cáo Thăng quả quyết khi nói lời sau cùng.

Theo bản án sơ thẩm, TAND Hà Nội tuyên Đinh La Thăng 18 năm tù về tội Cố ý làm trái. 6 bị cáo còn lại lĩnh từ 15 tháng cải tạo không giam giữ đến 23 năm tù. Về dân sự, tòa buộc ông Thăng phải bồi thường cho PVN 600 tỷ đồng.

Trong đơn kháng cáo, Đinh La Thăng kiến nghị tòa phúc thẩm xem xét toàn bộ bản án hình sự và bồi thường dân sự. Các bị cáo khác xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng Nguyễn Xuân Sơn mong tòa buộc Ninh Văn Quỳnh phải trả lại 200 tỷ đồng của Oceanbank.

Sáng 22/6, khi luận tội, đại diện VKSND Cấp cao đề nghị bác toàn bộ kháng cáo của 7 bị cáo.

Tác giả: Hoàng Lam

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP