Trong nước

Ban Bí thư chỉ lỗi vô cảm, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ người tiêu dùng

Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Chỉ thị chỉ rõ những yếu kém hiện tại chủ yếu do chủ quan, yêu cầu khắc phục tình trạng thiếu trách nhiệm, vô cảm của cơ quan được phân công phụ trách lĩnh vực…

Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân quan tâm hơn và đạt được một số kết quả bước đầu, song vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng, đe doạ đến sức khoẻ, an toàn và tính mạng của người tiêu dùng.

Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, mà còn suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Ban Bí thư

Theo Ban Bí thư, các lực lượng đảm trách việc bảo vệ người tiêu dùng còn thiếu trách nhiệm, vô cảm, chưa quyết liệt (ảnh minh họa)

Ban Bí thư chỉ rõ, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do chủ quan. Cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ và lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát, quyết liệt. Năng lực thực thi pháp luật, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa có giải pháp căn cơ, hữu hiệu để ngăn chặn vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng nâng cao khả năng tự bảo vệ.

Tại chỉ thị, Ban Bí thư yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng; phát huy vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Khắc phục triệt để tình trạng thiếu trách nhiệm, vô cảm, thiếu quyết liệt của từng ngành, địa phương, đơn vị được phân công phụ trách; có cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức và địa phương, trong đó có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với từng cấp, từng ngành trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chỉ thị nêu rõ.

Ban Bí thư cũng yêu cầu xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, coi đây là một trong những nội dung đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của cá nhân và tổ chức, người đứng đầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan quản lý nhà nước.

Chỉ thị cũng đặt ra yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và khả năng thực thi hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng thống nhất, đồng bộ và phù hợp với tập quán tiêu dùng của người dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học, công nghệ và xu hướng phát triển các giao dịch thương mại điện tử.

Công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến tiêu chuẩn và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hoá. Hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước và các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổng kết thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (2010), trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung Luật cho phù hợp với yêu cầu quản lý của đất nước và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Ban Bí thư cũng yêu cầu có giải pháp căn cơ, hiệu quả phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền lợi, sức khoẻ, gây thiệt hại hoặc đe doạ đến tính mạng, an toàn của người tiêu dùng, đồng thời tạo điều kiện để người tiêu dùng nâng cao khả năng tự bảo vệ. Hoàn thiện các chế tài đủ răn đe đối với những hành vi sai phạm ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khoẻ, tính mạng..., nhất là đối với các hàng hoá, dịch vụ thiết yếu và các đối tượng người tiêu dùng yếu thế. Xây dựng cơ chế phù hợp để có kinh phí cho các hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP