Trong nước

21 lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư được lấy phiếu tín nhiệm

Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh và hai thành viên Ban bí thư chưa đủ điều kiện lấy phiếu tín nhiệm lần này.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 9, khoá XII sáng 25/12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, nội dung và thời gian của Hội nghị Trung ương lần này không nhiều, nhưng những vấn đề được bàn và quyết định rất hệ trọng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VGP

Cụ thể, Trung ương sẽ cho ý kiến về việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021-2026; lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018; xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ theo quy định của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị các Uỷ viên Trung ương và đại biểu tham dự Hội nghị phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để xem xét, quyết định việc ra Nghị quyết vào cuối kỳ họp.

Ba trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm

Hiện nay, tổng số Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư có 24 người. Tuy nhiên, tại Hội nghị Trung ương lần này, chỉ 21 lãnh đạo cấp cao gồm 16 uỷ viên Bộ Chính trị và 5 thành viên Ban Bí thư được lấy phiếu tín nhiệm. Có ba trường hợp không đủ điều kiện lấy phiếu tín nhiệm gồm Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh (do đang nghỉ chữa bệnh dài ngày) và hai thành viên Ban Bí thư gồm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn (do mới được trung ương bầu bổ sung vào Ban Bí thư ngày 9/5, chưa đủ thời gian để lấy phiếu tín nhiệm).

Các Uỷ viên Trung ương sẽ căn cứ vào hai nhóm nội dung để đánh giá mức tín nhiệm gồm phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực thực tiễn. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống gồm có: Lập trường, quan điểm, tư tưởng chính trị trong thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng; việc chấp hành nguyên tắc, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tinh thần trách nhiệm trong công việc; thái độ phục vụ nhân dân; chấp hành sự phân công của tổ chức; Việc chống tham nhũng, trục lợi cá nhân; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con về đạo đức, lối sống và chấp hành chính sách, pháp luật...

Năng lực thực tiễn thì thể hiện qua kết quả lãnh đạo cụ thể hóa đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào lĩnh vực được phân công; Tính năng động, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, điều hành; năng lực dự báo, xử lý tình huống khó, phức tạp; Kết quả, chất lượng tham mưu, đề xuất về lĩnh vực được phân công phụ trách; năng lực phát hiện, đào tạo, sử dụng người có đức, có tài trong công việc...

Ban Tổ chức Trung ương sẽ chuẩn bị phiếu tín nhiệm; trên phiếu có danh sách Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; tiêu chí lấy tín nhiệm và có đóng dấu treo của Ban Chấp hành Trung ương; đề xuất thành phần nhân sự Ban kiểm phiếu.

Việc lấy phiếu tín nhiệm do Bộ Chính trị chủ trì. Sau khi các Ủy viên Trung ương ghi phiếu, bỏ phiếu, Ban kiểm phiếu sẽ làm việc và báo cáo kết quả với Ban Chấp hành Trung ương.

Kết quả tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Theo quy định, những người có trên 50% phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn. Còn những người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Tác giả: Hoàng Thùy

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP