Tin địa phương

“9X” làm giàu trên vùng quê nghèo

Với công việc ổn định, có mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng tại Kon Tum, tuy nhiên, anh Võ Văn Sang, sinh năm 1991 (ở thôn Bắc Thái, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) lại quyết định về quê lập nghiệp bằng mô kinh tế V - A - C - R tổng hợp.

Và kết quả mang lại từ ý chí táo bạo của chàng kỹ sư trẻ là khoản thu nhập trên 600 triệu đồng/năm.

Anh Sang thu hoạch cá chình.

Chặng đường lập nghiệp

Tâm sự với chúng tôi, anh Võ Văn Sang cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở xã miền núi Thái Thủy với gió Lào và đất đồi khô cằn đầy sỏi đá. Trước đây, cuộc sống của gia đình anh cùng những hộ dân nơi đây vô cùng khó khăn, vất vả. Nguồn thu nhập chủ yếu từ nghề bẻ chổi, hái sim, vào rừng khai thác gỗ nên luôn bấp bênh.

Từ khó khăn đó đã nhen nhóm thành động lực để chàng trai trẻ Võ Văn Sang quyết tâm vượt khó vươn lên học tập và nung nấu ý chí làm giàu trên chính mảnh đất được mệnh danh là “chó ăn đá, gà ăn sỏi” quê mình.

Sau khi tốt nghiệp PTTH, Sang thi đỗ vào ngành Lâm sinh, Trường Cao đẳng Công – Nông nghiệp Quảng Bình. Tuy nhiên, sau năm học đầu tiên, thấy ngành học và các môn học ở đây chưa phù hợp, Sang quyết định nghỉ học rồi thi lại và đỗ vào chuyên ngành Trồng trọt, Trường đại học Nông - Lâm Huế. Năm 2014, ra trường với tấm bằng kỹ sư loại khá, gia đình xin cho Sang vào Kon Tum làm tư vấn kĩ thuật chăm sóc, chế biến cây cà phê cho một doanh nghiệp tư nhân với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, quá trình làm việc tại đây, Sang luôn suy nghĩ về dự định nuôi cá chình trên chính mảnh đất quê hương mà anh ấp ủ bấy lâu nay. Kể từ đó, anh bắt đầu mày mò tìm hiểu và lên kế hoạch riêng cho bản thân.

Sang tâm sự: “Sau thời gian tìm hiểu, tôi được biết cá chình là một loại đặc sản, thịt thơm ngon, bổ dưỡng và có giá trị kinh tế cao lại dễ nuôi, ít bệnh; nguồn thức ăn của cá chình thì dễ kiếm và có sẵn ở địa phương như: các loại cá vụn, ngao, ốc, hến, giun đất… nhưng ở quê rất ít người nuôi. Vì vậy, khi về quê ăn Tết Bính Thân 2016, tôi quyết định xin nghỉ việc ở Kon Tum để thực hiện mô hình nuôi cá chình thương phẩm. Tôi tin, mô hình này sẽ cải thiện được kinh tế gia đình cũng như đa dạng hóa vật nuôi thủy sản ở địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều người”.

Để khởi nghiệp, Sang mạnh dạn vay ngân hàng 150 triệu đồng đào 500m2 ao và mua máy xay thức ăn, máy sục khí, thiết bị đo độ PH, lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước…. Sau đó, anh lại khăn gói lặn lội vào Trung tâm giống cá chình ở tỉnh Khánh Hòa để được “mục sở thị” và mua 400 con cá chình giống về nuôi.

Thu nhập 600 triệu đồng/năm

Sau gần 1 năm nuôi thả, kỳ công chăm sóc, cá chình phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 95%, mỗi con có trọng lượng 1-1,2kg. Vào dịp Tết Đinh Dậu 2017, Sang xuất bán lứa cá đầu tiên với mức giá dao động 500-600 ngàn đồng/kg, thu lãi gần 100 triệu đồng.

Từ thành công bước đầu, Sang tiếp tục mở rộng mô hình nuôi cá chình với diện tích và quy mô gấp đôi năm trước. Ngoài ra, anh còn đầu tư nuôi cá rô đầu vuông, trồng chuối và các loài cây ăn quả, nuôi bò, trồng 4 sào lúa, 5ha rừng… Mô hình VACR đã mang lại cho Sang khoản thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm.

Có thể nói, đây là mô hình kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, góp phẩn đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi tại các xã vùng núi, gò đồi nói riêng và huyện Lệ Thủy nói chung.

Tác giả: Nguyễn Trung Hiểu

Nguồn tin: Báo Kinh Tế Nông Thôn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP