Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình với tổng chiều dài 126,79km; tổng mức đầu tư trên 24.282 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Bình đã bàn giao 120/126,43km, đạt hơn 95% chiều dài mặt bằng sạch cho các Ban Quản lý dự án để thực hiện xây dựng công trình. Tuy nhiên, gần đây nổi lên vấn đề phức tạp liên quan đến dự án là sự cổ súy, lôi kéo, kích động của một số đối tượng nhằm lôi kéo một số người dân có những hành vi chống đối lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, cản trở hoạt động của doanh nghiệp một cách trái pháp luật. Sự việc trên liên tục tiếp diễn, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ hoàn thành dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Quyết tâm cao nhất để thực hiện công trình trọng điểm
Dự án gồm 3 dự án thành phần là đoạn Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ với tổng diện tích thu hồi đất là 1.273,84ha. Cùng với đó, tỉnh Quảng Bình cũng đã hoàn thành chi trả bồi thường được hơn 1.900 tỷ đồng, đạt hơn 93% kế hoạch phê duyệt đề ra. Để thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm tiến độ tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, tỉnh Quảng Bình đã và đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của tỉnh; tạo sự đồng thuận trong việc giải phóng mặt bằng triển khai dự án; khẩn trương giải quyết dứt điểm các khiếu nại, kiến nghị của người dân liên quan đến dự án.
Trong quá trình thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam, tỉnh Quảng Bình luôn tập trung tháo gỡ nhiều vướng mắc như: Công tác phê duyệt hồ sơ trích đo; công tác phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu; triển khai lập quy hoạch chi tiết, lập dự án khu tái định cư…
Do chưa nắm rõ chủ trương của tỉnh, nên một số người dân tập trung phản đối việc khai thác cát để thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam. |
UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất; rà soát nhu cầu đối với vật liệu, đảm bảo đáp ứng khối lượng thi công các dự án thành phần. Đẩy nhanh công tác thẩm định các dự án đầu tư xây dựng; hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng phần khối lượng phát sinh ngoài phạm vi ranh giới... ; công tác thoả thuận phương án di dời đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tiến độ dự án tiếp tục triển khai hiệu quả. Chính nhờ sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ từ phía nhân dân đối với công trình trọng điểm quốc gia nên khối lượng công việc khổng lồ liên quan đến dự án từng bước được giải quyết.
Để thực hiện dự án, đã có 3.772 hộ gia đình ở tỉnh Quảng Bình bị ảnh hưởng; trong đó, có 551 hộ thuộc diện tái định cư. Có khoảng 4.642 ngôi mộ bị ảnh hưởng, trong đó có gần 4.000 ngôi mộ phải di dời đến vị trí mới. Nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật cũng bị ảnh hưởng và phải di dời. Và đến nay, hơn 95% chiều dài mặt bằng sạch đã được UBND tỉnh Quảng Bình bàn giao cho các Ban Quản lý dự án để thực hiện xây dựng công trình.
Hiện nay, các cấp, ngành, địa phương ở tỉnh Quảng Bình đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn đồng thuận, chấp hành nghiêm túc chính sách bồi thường, hỗ trợ để giải phóng số mặt bằng còn lại cho Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua tỉnh trong thời gian sớm nhất.
Cản trở hoạt động liên quan đến dự án là vi phạm pháp luật
Gần đây, sau khi đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý, một số doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan và tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác cát để thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số đối tượng lấy lý do doanh nghiệp khai thác cát sẽ làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân… nên đã kích động một số người dân cản trở, phá hoại tài sản của doanh nghiệp, vi phạm pháp luật và gây mất an ninh trật tự tại địa bàn.
Điển hình là vào khoảng 10h ngày 11/5, trên sông Son đoạn qua thôn Thanh Bình 1 xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, khi đơn vị thi công tiến hành các hoạt động khai thác cát tại vị trí được cấp phép thì có khoảng 100 người dân kéo đến phản đối hoạt động khai thác cát. Dù đã được lực lượng làm nhiệm vụ tuyên truyền, yêu cầu không có những hành vi cản trở, nhưng có 7 trường hợp đã chèo đò và hơn 20 người dân bơi ra khu vực xà lan hút cát để reo hò, cản trở.
Một số đối tượng quá khích tiếp cận và xâm nhập trái phép lên xà lan dùng các vật liệu sẵn có trên tàu để ném, đe dọa công nhân vận hành. Đồng thời, số người này đã tháo neo và cùng với số người dân đang ở phía bờ sông kéo xà lan về khu vực bãi bồi thôn Thanh Bình 2. Khi lực lượng Công an có mặt để tuyên truyền, yêu cầu người dân chấp hành chấm dứt hành vi chiếm giữ tài sản trái phép, nhưng số người này không chấp hành. Đến 16h cùng ngày, khi Công an huyện Bố Trạch bố trí lực lượng tăng cường để tiếp cận khu vực các đối tượng giữ xà lan khai thác cát của doanh nghiệp và kiểm tra tài sản bị thiệt hại thì một số người tiếp tục ngăn cản, có hành động quá khích, đe dọa tổ công tác. Đến sáng 12/5, khi nước rút một số người cùng nhau cắm cọc, đắp bao cát nhằm mục đích giữ tàu và không cho tàu nổi khi nước lên.
Trước đó, khi đơn vị khai thác vận hành khai thác cát thì người dân kéo ra ngăn cản, phản đối và gây cản trở. Cụ thể, trường hợp bà Nguyễn Thị H. (SN 1995) và ông Nguyễn Văn N. (SN 1968), cùng trú tại thôn Thanh Bình 2, Hưng Trạch đã dùng dao đâm thủng, cắt ống cao su chuyên dùng để hút cát nhằm mục đích không cho các phương tiện khai thác. Sau khi Công an xã Hưng Trạch, Công an huyện Bố Trạch mời 2 trường hợp này về trụ sở để làm rõ về hành vi hủy hoại tài sản và giải thích thì có khoảng 100 người dân tụ tập tại trụ sở UBND xã Hưng Trạch nhằm gây áp lực, ngăn cản lực lượng Công an xử lý 2 trường hợp trên…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đảm bảo nguồn vật liệu đáp ứng nhu cầu thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam, trên cơ sở tính toán khoa học và thực tế tại địa phương, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định cấp mỏ khai thác cát theo cơ chế đặc thù của Chính phủ. Hai địa điểm mà UBND tỉnh Quảng Bình quyết định cấp phép khai thác cát trên tuyến sông Son ở địa bàn xã Cự Nẫm và xã Hưng Trạch huyện Bố Trạch. Trước khi cấp phép, UBND tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành đánh giá tác động môi trường, tính toán công suất, khối lượng, phương pháp khai thác, kế hoạch bảo vệ môi trường... Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu doanh nghiệp khai thác cát phải khai thác ban ngày, cấm mọi hoạt động vào ban đêm, những ngày thời tiết bất lợi, lễ, tết, và chỉ được khai thác vật liệu phục vụ Dự án cao tốc Bắc - Nam.
Đồng thời, cắm đầy đủ các mốc ranh giới mỏ, thực hiện việc khai thác đúng khối lượng, công suất, kế hoạch, phương pháp theo quy định. Thống kê, kiểm kê, tổng hợp đầy đủ khối lượng khoáng sản khai thác thực tế để thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan... Trong quá trình triển khai việc khai thác cát trên tuyến sông Son, UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu đơn vị khai thác nếu quá trình hút cát phát hiện có hiện tượng sạt lở bờ sông Son trong phạm vi mỏ thì phải dừng ngay mọi hoạt động và báo cáo chính quyền địa phương cùng Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra nguyên nhân, mức độ tác động đến bờ, lòng và bãi sông để báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.
Tuy nhiên, có thể do chưa nắm bắt hết được chủ trương, quy định của UBND tỉnh, cộng với sự cổ súy, lôi kéo, kích động của một số đối tượng có mục đích, động cơ không rõ ràng nên một số người dân đã có những hành vi chống đối lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, cản trở hoạt động của doanh nghiệp một cách trái pháp luật. Thiết nghĩ, lợi ích của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đem lại vô cùng to lớn. Do đó, người dân cần thấu hiểu, đồng thuận, ủng hộ chủ trương khai thác vật liệu xây dựng phục vụ dự án hoàn thành đúng tiến độ, nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Chính quyền và các cơ quan liên quan cần tích cực vào cuộc, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như giải đáp kịp thời, thấu đáo những thắc mắc, kiến nghị của người dân, tránh gây ra những phức tạp và hệ lụy về an ninh trật tự, ảnh hưởng chính đến cuộc sống người dân.
Tác giả: Sông Lam-Lam Hồng
Nguồn tin: Báo Công an Nhân dân