Tin địa phương

Xót xa hình ảnh những chiếc quan tài kê trên gác mái chờ nước lũ rút

Vì mất trong thời điểm nước lũ dâng cao, người thân buộc phải kê quan tài lên giàn giáo, hoặc đưa lên sát mái nhà chờ nước rút mới an táng.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Quảng Bình, đến trưa 29/10, do ảnh hưởng của bão số 6 (Trami), mưa lớn kéo dài đã khiến nước dâng cao, nhấn chìm hơn 32.885 ngôi nhà ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và Tp.Đồng Hới.

Huyện Lệ Thủy là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất, với hơn 19.762 ngôi nhà bị ngập. Nhiều địa phương thuộc các vùng trũng ven sông Kiến Giang như: thị trấn Kiến Giang, An Thủy, Lộc Thủy, Cam Thủy... bị ngập lụt đến 95%, có nơi ngập sâu hơn 2m.

Mưa lũ đã nhấn chìm 32.885 ngôi nhà của người dân.

Lũ từ thượng nguồn kết hợp với mưa lớn kéo dài đã làm mực nước dâng cao chưa từng thấy, chia cắt các tuyến đường chính và gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa. Nhiều hộ dân phải sơ tán hoặc sống trong điều kiện thiếu thốn.

Tại thị trấn Kiến Giang và xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, hiện còn hàng nghìn ngôi nhà chìm trong biển nước. Tại xã Lộc Thủy có 1.236 hộ dân, nhưng chỉ có khoảng 20 hộ dân chưa bị ngập nước, trong đó có gần 600 hộ bị ngập sâu trên 1m, các hộ còn lại ngập dưới 1m.

Nước lũ dâng cao, người thân phải kê giàn giáo để quan tài ( Ảnh: Dũng Nguyễn Quân).

Ông Dương Công Nhân, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, cho biết, trên địa bàn vừa có một người tử vong, nhưng do nước lũ dâng cao nên chưa thể đưa đi an táng.

Trường hợp thương tâm nói trên là bà D.T.H (trú tại thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy) qua đời vào sáng 28/10. Bà H. mất vì bệnh ung thư nhưng do nước lũ ngập nhà nên chưa thể đưa đi an táng. Để nước không ngập quan tài, hàng xóm đã đến gia đình hỗ trợ lắp giàn giáo, kê quan tài lên cao.

Nỗi đau chồng nỗi đau khi gia đình có người thân mất vào thời điểm mưa lũ (Ảnh: Dũng Nguyễn Quân)

“Bà mất lúc 8h sáng qua, thời điểm nước lũ lớn nên chính quyền, hàng xóm đã đến hỗ trợ đưa quan tài vào tẩm liệm cho gia đình. Sau đó kê giàn giáo đặt tại nhà để phòng tránh nước lũ. Chờ khi nước lũ rút, chính quyền và người dân sẽ cùng gia đình tổ chức lễ mai táng", ông Nhân nói.

Nguyên đêm 28/10, gia đình bà H. chia nhau trực để canh nước lũ dâng lên. Tâm trạng ai cũng lo lắng bất an khi chỉ còn chừng 30cm nữa sẽ đạt đỉnh lũ lịch sử năm 2020. Nếu diễn biến xấu hơn, gia đình sẽ phải níu quan tài quanh trụ nhà, sau đó di tản.

Đến sáng 29/10, nước bắt đầu hạ dần, gia đình chỉ mong muốn nước rút để an táng bà H. theo phong tục địa phương.

Người vợ ngồi thất thần chờ nước rút để an táng chồng (Ảnh: Dũng Nguyễn Quân).

Ông Trần Công Thoán, Chủ tịch UBND thị trấn Kiến Giang, cho biết, mưa lớn khiến trên 2.000 ngôi nhà bị ngập nước, trong đó có hơn 1.000 hộ dân bị ngập sâu. Nước lũ ngập mênh mông, giao thông bị chia cắt, toàn xã phải cắt điện lưới để đảm bảo an toàn.

"Tại địa phương, có ông Đặng Đại L. (SN 1960) do ốm đau lâu ngày đã mất vào thời điểm mưa lũ lớn. Do nước ngập sâu nên người vợ phải lắp giàn giáo để kê quan tài của chồng lên cao. Phía chính quyền cũng đã hỗ trợ các gia đình ở khu vực nước sâu sơ tán đến vị trí an toàn", ông Thoán cho biết.

Tác giả: Ngô Thị Huyền

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP