Giáo dục

Vì sao Bộ GD&ĐT yêu cầu địa phương dừng tuyển thẳng lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS?

Bộ GD-ĐT vừa có công văn yêu cầu một số tỉnh, thành phố dừng việc tuyển thẳng vào lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS. Công văn này nhận được nhiều đồng thuận từ giáo viên, phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, cũng gây tranh cãi khi một số tỉnh thành đã ban hành thông báo về tuyển sinh lớp 10 năm 2024-2025.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT.

PV: Thưa ông, vì sao Bộ GDĐT lại vừa yêu cầu các tỉnh, thành phố dừng tuyển thẳng lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ quốc tế?

Ông Nguyễn Xuân Thành: Phải khẳng định rằng quy chế tuyển sinh từ THCS vào THPT của Bộ GDĐT không có quy định này và Bộ GDĐT cũng chưa bao giờ cho phép việc này. Tức là yêu cầu phải thực hiện đúng quy định.

PV: Nhưng thực tế có một số tỉnh, thành phố đã tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên đối với những học sinh có giải học sinh giỏi hay chứng chỉ tiếng anh. Đối với những địa phương như vậy thì Bộ GD&ĐT sẽ phải xử trí ra sao?

Ông Nguyễn Xuân Thành: Vừa rồi Bộ GDĐT nhận thấy một số địa phương đã phê duyệt kế hoạch tuyển sinh, trong đó có bổ sung những nội dung ngoài quy định của Bộ. Vì vậy, Bộ GDĐT yêu cầu các địa phương đó cần điều chỉnh ngay việc này để thực hiện việc tuyển sinh đúng theo quy chế tuyển sinh do Bộ GDĐT ban hành.

Ảnh minh họa

PV: Thực tế thì trong những năm vừa qua một số địa phương vẫn có những ưu tiên nhất định đối với những học sinh có giải hoặc chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT việc làm này có mặt hạn chế hay ưu điểm như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Thành: Trước đây nếu nói về lịch sử thì Thông tư 11 năm 2014 có quy định về chế độ khuyến khích. Chế độ khuyến khích giao cho sở đề xuất và tiến hành. Qua quá trình thực hiện từ năm 2014 cho tới năm 2018, các địa phương cũng đã thực hiện. Tuy nhiên khi thực hiện như thế này, một mặt khuyến khích học sinh, nhưng cũng tính đến chuyện công bằng giữa các cháu ở tỉnh và thành phố. Bởi những vùng thuận lợi như ở thành phố, thị xã chẳng hạn các em có điều kiện và gia đình cũng tạo điều kiện để các em thi lấy chứng chỉ. Trong khi đó, những em ở các vùng khó khăn hơn trong cùng địa bàn tuyển sinh ấy mặc dù các em có năng lực, trí tuệ, tiềm năng nhưng gặp vấn đề về kinh phí, tiền bạc, cuối cùng không thể thi để lấy chứng chỉ được.

Do đó, chúng tôi thấy rằng nếu quy định khuyến khích này giao cho sở thực hiện thì sẽ tạo ra sự không công bằng. Chính vì thế năm 2018, Bộ đã sửa bằng thông tư 05, trong đó đã bãi bỏ Khoản 3 của Điều 7 đó là chế độ khuyến khích.

PV: Đúng là xuất phát từ khuyến khích của Bộ GD&ĐT thì thời gian qua có nhiều địa phương đã ưu tiên, cộng điểm, miễn thi, tuyển thẳng cho những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Điều này đã khiến cho ngày càng có nhiều phụ huynh học sinh tìm hiểu cho con em mình học và thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế từ rất sớm, thậm chí còn có tâm lý coi đó như một thứ trang sức trong học bạ. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng “trẻ hóa” trong cuộc đua lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế?

Ông Nguyễn Xuân Thành: Trước hết, việc học ngoại ngữ là một nhu cầu tự thân của các em học sinh, học để nắm được ngoại ngữ, để dùng nó làm phương tiện học tập và để sau này làm việc chứ không phải học ngoại ngữ với mục đích để thi lấy chứng chỉ, để được tuyển thẳng hay ưu tiên trong tuyển sinh. Như vậy, việc học đó không phải nhu cầu tự thân mà do động lực bên ngoài.

Chúng tôi muốn nhân đây kêu gọi các bậc cha mẹ học sinh hãy nghĩ rằng lợi ích lâu dài trong việc học ngoại ngữ của con mình. Xem ngoại ngữ là phương tiện, công cụ học tập, để làm việc tốt hơn, không nên chạy đua với mục đích nhằm có được sự ưu tiên khi cộng điểm khi tuyển sinh.

PV: Hiện một số tỉnh, thành tiếc nuối vì cho rằng việc ưu tiên thí sinh có IELTS giúp giảm áp lực thi cử, tạo động lực học ngoại ngữ ở địa phương. Vậy, theo ông quyết định này của Bộ GDĐT có ảnh hưởng như thế nào đến các thí sinh tập trung chỉ học ngoại ngữ để có thể được cộng điểm hoặc tuyển thẳng nếu có chứng chỉ quốc tế trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Xuân Thành: Nếu các gia đình đã đầu tư cho con học ngoại ngữ tốt hơn và có thể đăng ký thi để lấy được chứng chỉ thì việc học đó cũng rất đáng để khuyến khích, điều đó giúp ích nhiều cho các cháu sau này. Đây cũng là việc để các em học, rèn luyện các kỹ năng bởi thi chứng chỉ có yêu cầu về các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Do đó, nếu đã đầu tư cho các em học ngoại ngữ và đạt được một năng lực nào đó là rất tốt, không có gì là lãng phí. Bên cạnh đó, nếu học sinh đã được đầu tư học tập như vậy thì khi thi vào lớp 10, ở địa phương nào có môn thi là môn Ngoại ngữ thì bản thân các em sẽ tự tin hơn.

PV: Đối với kỳ tuyển sinh đầu cấp lớp 10 năm nay ông có lời khuyên nào cho học sinh và gia đình các em?

Ông Nguyễn Xuân Thành: Học để chiếm lĩnh kiến thức, phát triển kỹ năng, phát triển năng lực thực sự của bản thân và năng lực thực sự ấy mới quan trọng để sau này các em có định hướng tốt cho học lên, có định hướng tốt hơn cho nghề nghiệp. Trên thực tế, với yêu cầu của thị trường việc làm hiện nay thì người lao động có năng lực đến đâu sẽ có cơ hội việc làm đến đấy chứ không chỉ là câu chuyện học để lấy tấm bằng.

Vì vậy, lời khuyên của tôi là học sinh phải có động lực học và học một cách thực sự nghiêm túc. Học thật và học thật rồi thì bất cứ kỳ thi nào cũng không cần trông chờ vào sự ưu tiên nào cả. Nếu thật sự mình ở đối tượng ấy được ưu tiên, được tuyển thẳng thì chúng ta hưởng nhưng nếu không thì chúng ta học để có năng lực bản thân và cũng không trông chờ vào sự ưu tiên ấy. Trải qua các kỳ thi, chúng ta chứng minh được năng lực thực sự của mình để có kế hoạch học tập tốt hơn, để lựa chọn nghề nghiệp đúng hơn, đáp ứng yêu cầu cho bản thân các em, phát triển bản thân cũng như đóng góp cho gia đình và xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Lê Thu

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP