Cô Thu Hằng đã chia sẻ những trải nghiệm của mình với VnExpress.
Năm 1995, tôi về làm giáo viên trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), ngôi trường mọi người khi đó gọi là "Đinh kinh hoàng". Tôi đã có trải nghiệm khác hoàn toàn với những nơi công tác trước đó, như trung tâm ngoại ngữ, Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Sĩ quan lục quân. Phần đông học sinh THPT Đinh Tiên Hoàng thời đó có học lực, hạnh kiểm yếu kém, có em còn vướng tệ nạn xã hội...
Lớp tôi chủ nhiệm đầu tiên thuộc diện quậy phá nhất trường. Sổ đầu bài của lớp lúc nào cũng chi chít nhận xét của giáo viên về việc học sinh đi muộn, mất trật tự, không làm bài tập... Cứ hôm trước tôi xử lý tạm yên việc nói chuyện trong giờ học thì hôm sau các em quay sang không học bài, thách thức thầy cô giáo...
Cô Trần Thị Thu Hằng (áo xanh) cùng học sinh trong lễ khai giảng năm học 2017-2018. Ảnh: NVCC. |
Là giáo viên trẻ, thiếu kinh nghiệm, tôi đã rất căng thẳng đến mất ăn mất ngủ khi không biết làm thế nào để học trò nghe lời, nghiêm túc học tập. Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (nay là Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) nơi tôi học đại học trước đó chỉ chú trọng đào tạo ngoại ngữ, gần như không trang bị kiến thức nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giáo dục cho sinh viên.
Thời gian đầu tôi dễ nóng giận, quát tháo, yêu cầu học sinh không sai phạm và đưa ra các hình phạt. Nhưng tôi đã thất bại. Tất cả biện pháp dọa, phạt không giúp tôi giải quyết được vấn đề của học sinh, thậm chí còn gây tác dụng ngược.
May mắn ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng Ban giám hiệu không gây áp lực về thành tích lại thường xuyên đào tạo giá trị sống, kỹ năng sống cho giáo viên. Đồng nghiệp cũng hay động viên, chia sẻ kinh nghiệm và cùng tôi tìm giải pháp. Nhờ đó, đến hết kỳ 1 năm tôi lần đầu làm chủ nhiệm, mọi thứ dần ổn định. Tôi nhận ra nhiều điều trong phương pháp giáo dục học trò.
Đầu tiên và quan trọng trong giáo dục các em là tạo lòng tin. Khi giáo viên gần gũi, làm các em hiểu rằng thầy/cô luôn đứng về phía mình, học sinh sẽ tin tưởng chia sẻ nỗi niềm, cảm thông và không quậy nữa. Việc dùng cái uy "thầy cô luôn luôn đúng" để buộc nghe theo sẽ khiến học sinh không tâm phục khẩu phục.
Việc kìm chế cảm xúc của thầy cô trong lớp cũng hết sức quan trọng. Tôi nhận ra và đến giờ vẫn khuyên giáo viên trẻ rằng khi gặp các tình huống khó, gây tâm lý tiêu cực với học sinh, thầy cô nên cho mình một khoảng lắng bằng cách hít thở sâu. Điều này giúp giáo viên đủ bình tĩnh để đưa ra các hướng giải quyết thích hợp. Việc nóng vội, tức giận với học sinh hay có hành động, lời nói nặng nề... không xử lý được vấn đề một cách hiệu quả, thậm chí còn phản tác dụng.
Mùa đông năm chủ nhiệm lớp đầu tiên, tôi được một đồng nghiệp tặng chiếc mũ len màu trắng pha hồng khá trẻ con và đã đội đến lớp. Khi tôi hài hước hỏi học sinh "mũ này có đẹp không", một em đứng lên nói lớn rằng "con điên cạnh nhà em cũng đội chiếc mũ ấy". Lúc đó, tôi chỉ muốn ứa nước mắt, cảm thấy tổn thương vì hiểu học sinh ví cô như con điên. Nhưng tôi không khóc lóc, làm ầm ĩ vì hiểu rằng như thế học sinh có thể bị kiểm điểm nặng nề, bản thân tôi cũng chẳng vui lên được. Lặng đi 5 phút, tôi quay lại dạy học như không có chuyện gì xảy ra. Hết giờ, lên phòng giáo viên, tôi òa khóc.
Buổi chiều hôm đó, học sinh chủ động mời phụ huynh đến xin lỗi vì đã xúc phạm cô. Giờ sinh hoạt cuối tuần, em đứng lên nhận lỗi, chịu mức phạt nặng. Tuy nhiên, tôi chỉ hạ một bậc hạnh kiểm trong tháng và cho học sinh cơ hội sửa sai, nếu tháng sau tiến bộ hạnh kiểm sẽ về mức bình thường.
Một học sinh khác khi mới bị trường cũ đuổi và chuyển đến THPT Đinh Tiên Hoàng, học tiết đầu tiên của tôi em liên tục sử dụng điện thoại. Sau 3 lần cô giáo nhắc nhở, từ mức nhẹ nhàng đến cứng rắn yêu cầu nộp lại di động, học sinh đã thách thức "không đưa". Tuy rất tức giận, nhưng tôi cố hít thở sâu lấy lại bình tĩnh rồi quay lên dạy tiếp.
Hết giờ, tôi gặp học sinh nói chuyện riêng, một cách nhẹ nhàng. Em khiên cưỡng nhận ra rằng có vi phạm trong giờ học, tuy nhiên không nói đã sai như thế nào. Tôi vỗ vai động viên học sinh suy nghĩ tiếp thì bị phản ứng mạnh. Em gằn giọng nói: "Đừng vỗ vai, chỗ đó có vết mới chém nhau ở trường cũ đấy". Xin lỗi học sinh vì không biết chuyện, tôi ra ngoài để em tĩnh tâm. Một lúc sau, học sinh đã chủ động nhận sai vì sử dụng điện thoại trong giờ học, không nghe lời cô. Tôi giải thích nhẹ nhàng rằng, cái sai lớn nhất của em là không tôn trọng cô giáo.
Khi tôi tâm sự rằng không biết làm thế nào để các học sinh khác nghe lời khi chứng kiến việc cô không xử lý được vi phạm trong giờ học, học trò đã đề nghị nhận lỗi trước lớp. Trong buổi học sau đó, em đứng lên xin lỗi cô và từ đó không vi phạm gì ở giờ tôi dạy.
Lớp tôi chủ nhiệm có nhiều vấn đề, nhưng thay vì nóng vội xử lý tất cả như hồi đầu, tôi chọn cách giải quyết từ từ từng thứ một. Tôi gần gũi hơn với học sinh, nắm biết hoàn cảnh, cá tính của từng em và chân thành giúp đỡ. Học sinh sau đó cũng yêu quý, cùng tôi khắc phục các hạn chế của lớp học.
Với các phương pháp đó, dù dạy 8 tiết một ngày, tôi chỉ mệt vì nói nhiều chứ không phải lo giữ trật tự, kỷ cương lớp học nữa. Hơn 23 năm ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng, tôi được nhiều học trò gọi bằng "mẹ", tốt nghiệp ra trường nhưng 20/11, dịp Tết năm nào cũng tụ họp về thăm cô.
Tác giả: Quỳnh Trang
Nguồn tin: Báo VnExpress