Giáo dục

Neo tuổi thanh xuân với bản làng

Họ là những thầy cô giáo chấp nhận hy sinh tuổi thanh xuân và cuộc sống riêng để mang con chữ đến với trẻ em huyện biên giới Quan Sơn

Chúng tôi men sông Luồng, từ trung tâm xã Sơn Thủy (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) rồi ngược bản Sa Ná, Son, Ché Lầu (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) để đến với Mùa Xuân - một bản người Mông xa xôi, cách trở nhất huyện biên giới Quan Sơn.

Kiên trì gieo chữ

Sau hàng chục cây số đường rừng, với những khúc cua tay áo lạnh gáy và những đoạn đường đất trơn trượt, ướt sũng sau những cơn mưa rừng, chúng tôi cũng đến được bản Mùa Xuân khi trời đã nhá nhem tối.

Mùa Xuân hiện ra mờ ảo, bình yên như chính tên gọi của bản, với những ngôi nhà gỗ lợp fibro xi-măng đã ngả màu xám đục, ẩn hiện bên sườn núi hay dưới những tán rừng xanh.

Điểm trường mầm non Mùa Xuân



Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bản Mông với trên 120 nóc nhà này đã khác xưa rất nhiều. Đường quanh bản giờ đã được đổ bê-tông; điện, sóng điện thoại cũng đã về bản. Tuy nhiên, do con đường độc đạo từ Ché Lầu lên Mùa Xuân vẫn là đường đất, với những con dốc dựng đứng, nên nơi đây còn đầy rẫy khó khăn, thiếu thốn.

Quan Sơn là một trong những huyện miền núi giáp Lào của tỉnh Thanh Hóa. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và địa phương, việc dạy và học nơi đây đã thay đổi rất nhiều nhưng vẫn còn những bản làng vùng cao cách xa trung tâm hàng chục km, nên các thầy cô vẫn phải "cắm bản" để dạy học.

Điểm trường mầm non bản Mùa Xuân nằm bên sườn núi. Bên dưới là cánh đồng lúa chạy dọc hai bên con suối nhỏ. Trường có 2 khu nhà lớp học được dựng bằng gỗ và một khu nhà xây một gian là nơi ăn, ở của giáo viên cắm bản.

Thời điểm này mới chớm đông nhưng chúng tôi đã cảm nhận được cái lạnh của vùng rẻo cao - nơi được ví như "bản ở trời" khi sương mù buông nhanh, giăng khắp lối.

Là người có 20 năm trong nghề, cô giáo Ngân Thị Vui (SN 1982) đã lăn lộn không biết bao nhiêu bản làng vùng cao để gieo chữ. Đến giờ, bản thân cô cũng không thể nhớ mình đã qua bao nhiêu quả đồi, con suối, không nhớ đã bao nhiêu lần ngã xe khi đi trên những con đường rừng trơn trượt, lúc thì dựng đứng, lúc sâu hun hút, hay bàn chân tứa máu khi phải lội rừng hàng giờ đồng hồ để tới các điểm trường.

Cô giáo Ngân Thị Vui - người có nhiều năm “cắm bản” ở bản Mùa Xuân

"Ngẫm lại, tôi cũng không nghĩ vì sao lúc đó mình có thể vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại để đến với các bản làng nơi đây. Có lẽ đó là tình yêu nghề, yêu những đứa trẻ khát chữ nơi rẻo cao" - cô Vui bắt đầu câu chuyện.

Trong bữa cơm tối đạm bạc giữa mênh mông núi rừng, cô Vui kể cho chúng tôi bao nhiêu chuyện vui buồn của giáo viên cắm bản, chuyện nuôi dạy trẻ, ăn ở, sinh hoạt hằng ngày của giáo viên. Qua những lời tự sự của cô mới thấy được dù vất vả, dù hiểm nguy nhưng các thầy cô nơi đây vẫn bền bỉ, quyết tâm bám bản vì tương lai của con trẻ.

Kiên cường bám bản

Theo cô Vui, năm 2006, sau khi học xong sư phạm mầm non, cô được phân công về nhận nhiệm vụ tại Trường Mầm non Sơn Thủy. Ở trường này, cô Vui đã lặn lội hết các bản nghèo khó, gian nan nhất của Sơn Thủy như: Mùa Xuân, Xía Nọi, Khà, Hiết... Nhưng với cô, Mùa Xuân vẫn là điểm trường gắn bó nhất, vì có nhiều kỷ niệm.

Thầy giáo Hơ Văn Tho trong một giờ lên lớp

"Năm 2009, tôi được phân công về bản Mùa Xuân. Con đường đến bản lúc đó chỉ rộng bằng gang tay, vắt rừng nhiều đến nỗi chúng tôi thường ví von "nhiều như rơm". Để đến được bản, chúng tôi phải lội bộ, trèo qua không biết bao nhiêu quả đồi, con suối, đi từ trưa đến tối mịt. Mùa Xuân lúc đó không đường, không điện, không sóng điện thoại, tất cả thế giới bên ngoài đều bỏ lại sau những tán rừng già" - cô Vui nhớ lại.

Đêm đầu tiên ngủ giữa núi rừng, cả bản chìm trong đêm tối. Chỉ có vài ánh nến, ánh đèn dầu leo lét hắt ra từ khe hở của những ngôi nhà đồng bào Mông. Cô Vui kể vậy mới thấy thấm thía được sự chịu đựng của những lớp giáo viên đi trước đã kiên cường bám bản, gieo chữ nơi đây.

Các cô đón trẻ tới trường


"Tôi sinh ra và lớn lên ở miền núi nên cái khó, cái khổ cũng đã nếm trải. Nhưng đến bản Mùa Xuân, những thứ mà tôi đã trải qua không là gì so với vùng đất rẻo cao này. Chỉ có tình yêu con trẻ, mong muốn những đứa trẻ nơi đây có một tương lai tươi sáng, đó mới là động lực để chúng tôi hy sinh thanh xuân, tuổi trẻ" - cô Vui tâm sự.

Sau một năm cắm bản ở Mùa Xuân, cô Vui được chuyển về trường chính, rồi đi cắm bản ở nhiều nơi, tới năm 2020 thì quay lại bản Mùa Xuân. Vì là điểm trường khó khăn nên hầu hết các giáo viên được nhà trường giao cắm bản một năm. Thế nhưng, lần trở lại bản Mùa Xuân này, sau khi hết nghĩa vụ, cô Vui đã tình nguyện xin ở lại cho đến tận bây giờ.

Hy sinh hạnh phúc riêng

Điểm trường mầm non Mùa Xuân là điểm trường lẻ có đông học sinh nhất xã Sơn Thủy, với 92 em nhỏ.

Để nuôi dạy trẻ, nhà trường phân công 5 giáo viên đứng lớp, trong đó có 4 giáo viên cắm bản, một thầy giáo là người địa phương. Ngoài cô Vui là người có thâm niên, tại điểm trường còn có các thầy cô cùng quê Thanh Hóa là Lê Thị Nhung (quê huyện Triệu Sơn), Lương Thị Lan (quê huyện Quan Sơn), Thao Thị Xua (huyện Mường Lát) và thầy Hơ Văn Tho (bản Mùa Xuân).

Trời lạnh giá, các thầy cô đốt lửa sưởi ấm học sinh


Khác với các cấp học khác, giáo viên mầm non cơ cực hơn nhiều, vì ngoài dạy chữ, các thầy cô còn phải chăm từng miếng ăn, giấc ngủ cho trẻ. Đặc biệt là khi đông về, nhiều hôm trời lạnh, các cô phải đốt lửa sưởi ấm để các em vơi bớt cái lạnh nơi núi rừng.

Do nằm ở nơi xa xôi, cách biệt nên điểm trường mầm non không có bếp ăn bán trú, phụ huynh cũng chẳng có tiền để thuê người nấu ăn cho các cháu. Thương trẻ, các cô đã tình nguyện vào bếp, để đến bữa các em có thức ăn để dùng với cơm, đã được gia đình chuẩn bị sẵn.

Theo cô Nhung, cô Lan, cô Xua, do đồng bào nơi đây còn nghèo nên cái gì cũng thiếu. Việc chăm sóc con cái cũng không được phụ huynh quan tâm như dưới xuôi. Có nhiều gia đình sáng đưa con tới trường, tối mịt chưa về đón, con ăn uống gì họ phó mặc cho trường.

Đường dẫn vào bản Mùa Xuân

"Thương lắm những đứa trẻ nơi đây. Các cháu cũng như con cái mình, nên dù số tiền ăn được Nhà nước trợ cấp mỗi bữa còn thấp nhưng chúng tôi cũng cố gắng khắc phục, rồi kêu gọi phụ huynh góp thêm quả bí, bó rau để các cháu có bữa ăn ngon, bảo đảm dinh dưỡng" - cô Nhung chia sẻ.

Gắn bó với nghề 10 năm nhưng cô Nhung đã có 4 năm liên tục cắm bản ở Mùa Xuân. Còn cô Xua lấy chồng về Mường Lát rồi sau đó ngược về nơi mình sinh ra để dạy học. Cô Lan thì mới lên Mùa Xuân lần đầu, vì con còn nhỏ nên cô phải gửi nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc.

Vì tương lai tươi sáng của trẻ

Mảnh đất và con người nơi đây giờ các cô thuộc nằm lòng, các cô bảo chỉ thương những đứa trẻ nghèo nên luôn coi đây là động lực để vượt qua gian khó, cố gắng nuôi dạy, mong các em lớn lên có tương lai tươi sáng.

"Nhiều lúc cũng muốn về xuôi để được gần gia đình, có điều kiện sống tốt hơn nhưng ai cũng nghĩ như mình thì ai sẽ đến những vùng đất này, những đứa trẻ nơi đây sẽ ra sao" - cô Nhung tâm sự.

Một góc bản Mùa Xuân

Ngoài 4 cô giáo, điểm trường mầm non Mùa Xuân có một giáo viên nam là thầy Hơ Văn Tho (SN 1996). Thầy Tho là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở Mùa Xuân. Ngày nhỏ, Tho cũng được các thầy cô cắm bản dạy chữ. Sau khi học xong cấp 2, Tho theo học bổ túc, vừa học văn hóa vừa học nghề. Ra trường, Tho xin về Mùa Xuân dạy trẻ mầm non. Đến nay, thầy Tho đã có 10 năm theo nghề và cũng là giáo viên nam dạy mầm non đầu tiên của huyện Quan Sơn.

Có trực tiếp tới bản, ăn, ngủ cùng các thầy cô giáo cắm bản nơi đây mới thấy được nghị lực phi thường của họ mà những câu từ viết ra không thể nào tả hết được. Họ thực sự là những bông hoa đẹp giữa núi rừng, ngày ngày âm thầm gieo chữ nơi non cao chỉ với một tâm niệm các em có cái chữ, lớn lên sẽ có một cuộc sống tươi đẹp hơn.

Bà Hà Thị Hiếu, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Sơn, cho biết trên địa bàn huyện vẫn còn 46 điểm trường lẻ, trong đó cấp mầm non có 25 điểm, tiểu học 21 điểm.

"Mùa Xuân hiện là một trong những điểm trường xa và vất vả nhất của Quan Sơn. Bản cũng mới có điện lưới năm 2022, sóng điện thoại đã có nhưng chưa ổn định. Do đường xa, cách trở nên giáo viên vẫn phải cắm bản để dạy học. Biết các thầy cô cắm bản gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn nên chúng tôi thường xuyên quan tâm động viên, tạo điều kiện tốt nhất để các thầy cô yên tâm bám bản, bám trường" - bà Hiếu chia sẻ.

Tác giả: Thanh Tuấn

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: gieo con chữ , 20/11 , thầy cô

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP