Giáo dục

Ngôi trường của những 'cụ sinh viên'

Thay vì vui tuổi già với cháu - chắt, nhiều sinh viên ở tuổi 'xưa nay hiếm' vẫn miệt mài học tập để nâng cao kiến thức.

Học viên Nguyễn Thị Oanh (69 tuổi) trong ngày tốt nghiệp lấy bằng Y sỹ Y học cổ truyền. Ảnh: Q.H

Nhiều năm nay, ở mỗi kỳ khai giảng các khóa học Y học cổ truyền tại Trường Trung cấp Tây Sài Gòn (Củ Chi, TPHCM), những cụ ông, cụ bà với mái tóc bạc trắng xuất hiện ở hàng ghế học viên không phải là chuyện hiếm.

Miệt mài với con chữ

Trong buổi lễ tốt nghiệp khóa học Y học cổ truyền mới đây tại Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, “cụ sinh viên” Quan Dược Phi (sinh ngày 29/1/1955) bất ngờ xin lên sân khấu phát biểu. Ở cái tuổi “ngót nghét” 70, ông Quan Dược Phi cho hay, bản thân rất xúc động và tự hào khi vượt qua mọi khó khăn về tuổi tác để có thể theo đuổi hết khóa học và tốt nghiệp. Theo lời ông, trước ngày đất nước giải phóng, ông đỗ đại học ngành Y nhưng không có điều kiện theo học. Bây giờ có kinh tế và thời gian, ông theo đuổi giấc mơ dang dở. Thay vì vui vầy bên con cháu dịp cuối tuần, ông đều bắt xe lên trường để đi học.

Tính đến nay, Trường Trung cấp Tây Sài Gòn đã trao bằng tốt nghiệp ngành Y sĩ Y học cổ truyền cho gần 1.000 học viên có tuổi đời từ 60 trở lên. Đặc biệt, nhà trường cũng tổ chức nấu cơm chay miễn phí, cung cấp chỗ ngủ lại cho học viên ở xa.

“Ở tuổi này tôi đi học cũng chẳng phải vì khoe mẽ hay điều gì. Tôi muốn đi học đơn giản vì nghĩ rằng chỉ có học mới duy trì được trí nhớ, hơn nữa tôi cũng muốn làm gương cho con cháu biết quý trọng kiến thức hơn tiền bạc”, ông Phi chia sẻ.

Trường hợp như “cụ sinh viên” Quan Dược Phi không phải hiếm. Ở mỗi kỳ khai giảng các khóa học Y học cổ truyền tại Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, không thiếu những cụ ông, cụ bà với mái tóc bạc trắng xuất hiện ở hàng ghế học viên. Chẳng hạn, năm 2020, có trường hợp học viên Bùi Văn Mưa (76 tuổi) được trao bằng tốt nghiệp ngành Y sĩ Y học cổ truyền.

Xa hơn, năm 2019, trong buổi lễ tốt nghiệp ngành Y sĩ Y học cổ truyền, ông Nghiêm Trần Tiến (77 tuổi) đã gây xúc động khi có những lời phát biểu chân thành về sự học, những nỗ lực của bản thân khi trong hai năm ròng rã chạy xe máy gần 120 km từ Phú Riềng (Bình Phước) xuống Củ Chi để học tập.

“Đi xa hành xác lắm chứ, con cháu cũng lo lắng nhưng biết tôi quyết tâm thì con cháu cũng hết lòng ủng hộ. Tôi không biết nói gì hơn là cảm ơn thầy cô, bạn bè và gia đình đã hỗ trợ tôi trong quá trình học tại trường”, học viên cao tuổi chia sẻ.

Nhưng gây ấn tượng nhất với các thầy cô Trường Trung cấp Tây Sài Gòn là trường hợp của ông Trương Cự (82 tuổi, lớp Y sĩ Y học cổ truyền). Ông là sinh viên lớn tuổi nhất tính đến thời điểm hiện tại của ngôi trường này. Trong ngày lễ tốt nghiệp, dù với mái tóc bạc trắng và nét mặt thoáng mệt mỏi của tuổi già, cụ vẫn phấn khởi: “Sau 2 năm theo học, vượt qua nhiều thử thách về tuổi tác, tôi đã hoàn thành tâm nguyện của mình. Tấm bằng là phương tiện nhưng những kiến thức được học từ sách vở, thầy cô sẽ giúp tôi rất nhiều trong hành nghề”, ông bộc bạch.

Một trường hợp khác cũng đáng ghi nhận là học viên Nguyễn Thị Tuyết (74 tuổi, tốt nghiệp tháng 4/2023). Bà Tuyết tốt nghiệp tại Trường ĐH Y Dược TPHCM đã gần 50 năm và có gần nửa thế kỷ hành nghề Y nhưng vẫn quyết tâm đi học thêm bằng Đông y.

“Nhớ hồi mới đi học, tôi mất hơn 1 tuần để tìm đường đến trường vì từ trung tâm TPHCM lên tới huyện Củ Chi khá xa, nhiều lúc rất nản. Tuy nhiên, nghĩ đến việc đi học để bổ sung thêm kiến thức mới, lại nhận được sự động viên của các thầy cô, bạn bè nên tôi đã vượt qua những khó khăn để giờ đây vinh dự cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay”, bà Tuyết nói.

Những học viên đã lên chức ông, bà nhưng vẫn theo học tại Trường Trung cấp Tây Sài Gòn. Ảnh: Q.H

Sự học không bao giờ muộn!

Ngày cuối tuần, trong cơn mưa xối xả của mùa mưa ở miền Nam, chúng tôi đến Trường Trung cấp Tây Sài Gòn để tìm kiếm gương mặt các “cụ sinh viên” của khóa Y học cổ truyền khóa mới mở đầu tháng 9. Mặc dù mưa lớn kéo dài, hàng trăm học viên “có tuổi” của khóa học vẫn đến lớp đầy đủ.

ThS Nguyễn Khắc Thương - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, hơn 10 năm đào tạo ngành Y học cổ truyền, thời gian đầu các học viên có độ tuổi từ 60 trở lên chiếm tới 70% - 80%, nhưng hiện nay thì đã trẻ hóa dần. Năm 2020, học viên cao tuổi (từ 60 trở lên) còn khoảng 10% và năm 2023 còn khoảng 5%.

Dù chưa đến tuổi “cụ” nhưng khóa học Y học cổ truyền mới khai giảng vẫn có vài chục học viên đã “lên chức” ông, bà. Học viên Khưu Thanh Bảo Quốc (57 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) cho hay, thời trẻ thích học Y học cổ truyền nhưng không có điều kiện. Giờ đây, kinh tế gia đình khấm khá hơn nên ông quyết định đăng ký học ngành này tại Trường Trung cấp Tây Sài Gòn. “Tôi chỉ tiếc đã đăng ký học quá muộn, những kiến thức được học cái gì cũng mới mẻ và hấp dẫn. Vì vậy mặc dù có khó khăn về đi lại, sức khỏe nhưng tôi chưa bỏ lỡ một buổi học nào”, học viên này chia sẻ.

Đáng ngạc nhiên hơn, để thỏa đam mê học tập ngành Y học cổ truyền, sau khi tìm hiểu thông tin từ bạn bè, mạng xã hội, bà Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1965) rời gia đình từ TP Đà Nẵng vào TPHCM theo học tập tại Trường Trung cấp Tây Sài Gòn. “Trước đây tôi có học ngành Dược ở Trường ĐH Y Dược TPHCM rồi hành nghề hơn 30 năm. Giờ đây khi đã về hưu, tôi chọn học thêm ngành Y học cổ truyền để thỏa đam mê”, bà Hằng kể.

“Cụ sinh viên” Quan Dược Phi (69 tuổi) trong ngày lễ tốt nghiệp. Ảnh: Q.H

Hun đúc tinh thần hiếu học

Hơn 10 năm tham gia giảng dạy ngành Y học cổ truyền tại Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, Lương y Nguyễn Ngữ - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Gia Lai cảm nhận được sự ham học của người Việt Nam lớn như thế nào. “Tôi kính phục những học viên của mình, đó không chỉ là những cụ ông, cụ bà lớn tuổi, mà còn có những người Việt Nam ưu tú bậc nhất, vẫn quyết tâm đi học để nâng cao kiến thức. Từ đó mới thấy sự học lớn lao, quan trọng như thế nào”, Lương y Nguyễn Ngữ chia sẻ.

Kể về những tấm gương học viên ưu tú, Lương y Nguyễn Ngữ cho hay, có một học viên dù nổi tiếng nhưng vẫn khiêm tốn học tập, không từ bỏ buổi học nào. Đó là PGS.TS Trần Ngọc Đăng. Ông từng nhận giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2022 của Trung ương Đoàn.

“PGS.TS Trần Ngọc Đăng theo học tôi lớp ngắn hạn về chẩn mạch, hiện anh mới đăng ký học thêm về châm cứu. Dù là người tài giỏi nhưng anh rất khiêm tốn và ham học hỏi”, Lương y Nguyễn Ngữ chia sẻ và thông tin: “Ngọc Đăng đang có một dự án nhỏ về phát triển máy bắt mạch Y học cổ truyền ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán bệnh viêm teo dạ dày và ung thư dạ dày, một công trình ý nghĩa và rất quan trọng cho y học nước nhà”.

Một học viên khác cũng gây ấn tượng với Lương y Nguyễn Ngữ là ông Nguyễn Phát Quang (72 tuổi). Dù có trình độ TS tại Mỹ nhưng ông rất ham học hỏi, lắng nghe và chưa bỏ một buổi học nào. “Tôi mong những học viên đặc biệt này sẽ đem tinh thần hiếu học tốt đẹp này cho các thế hệ sau và mang những kiến thức bổ ích đã học được giúp ích cho cộng đồng, xã hội, tham gia vào đội ngũ lương y chữa bệnh cứu người trên toàn quốc”, Lương y Nguyễn Ngữ bộc bạch.

Thông thường, tuổi càng cao thì sức khỏe có hạn, việc tiếp nhận kiến thức bài giảng của người ở độ tuổi 60, 70 cũng khó có thể nhanh nhạy như người học ở lứa tuổi đôi mươi. Đấy là chưa kể việc đi lại của học viên cao niên cũng gặp khó khăn, quá trình ngồi học dễ bị đau lưng mỏi cổ... Do vậy, không quá lời khi khẳng định rằng, tinh thần học tập suốt đời của các “cụ sinh viên” kể trên là những tấm gương “tuổi cao chí càng cao” rất đáng để mọi người, nhất là thế hệ trẻ học tập, noi theo.

“Sự học không bao giờ quá muộn”, ThS Nguyễn Khắc Thương - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, đã chia sẻ như thế khi nói về những “cụ sinh viên” của trường. Theo ông Thương, chính sự đam mê, hiếu học của các cụ ông, cụ bà đó đã góp phần hun đúc tinh thần hiếu học cho các thế hệ sau.

“Hãy nhớ rằng số phận sẽ không bao giờ khuất phục được ý chí của con người. Khi một cánh cửa đóng lại, sẽ có những cánh cửa khác mở ra, chỉ là chúng ta cần tỉnh táo tìm một cánh cửa thích hợp với mình. Sự học chưa bao giờ muộn, không hề có giới hạn nào cho hoàn cảnh.

Hãy học khi mình có thể, học mọi lúc, mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh. Chỉ cần có đam mê, dám ước mơ và đủ đầy kiên trì, chúng ta sẽ thành công. Bởi vì, chỉ có học tập suốt đời, con người không chỉ tự giúp bản thân có cơ hội tiến bộ, trưởng thành, mà còn góp phần thúc đẩy phong trào xã hội học tập phát triển sâu rộng khắp nơi”, thầy Hiệu trưởng nói.

Trần Ngọc Đăng là một trong những PGS trẻ nhất ngành Y học Việt Nam 2022 (thông tin từ Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố trước đó). Với bộ sưu tập 56 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế (có tới 39 bài báo thuộc danh mục Q1); 26 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học trong nước (17 bài là tác giả chính); chủ trì 5 chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học; tác giả của 2 sách chuyên khảo…

Tác giả: Quốc Hải

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP