Trong các ngày 13-15/1, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) quốc gia THPT cho hơn 4.500 HS trên cả nước, ở 12 môn thi.
Sau cuộc thi, giới chuyên môn đã dấy lên nhiều cuộc bàn tán về đề thi các môn học, mà phần lớn chưa hài lòng về chất lượng đề thi. Trong đó đề thi môn Toán, Văn nhận nhiều ý kiến tranh cãi nhất.
Thẳng thắn bày tỏ với PV Dân trí ngay sau khi cuộc thi kết thúc, cô Lê Trần Diệu Thu, giáo viên Ngữ Văn Trường THPT Trần Quang Khải, Hà Nội cho rằng, đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Văn năm 2019 chưa thực sự hay.
Đặc biệt ở câu 2, bàn về cỗ máy biết viết văn, làm thơ, cô Thu cho rằng, ý kiến đưa ra trong đề thi để học sinh giỏi luận bàn là ở thì tương lai nên không thực tế trong thời điểm hiện tại.
“Học sinh phải lập luận, minh chứng những điều không tưởng. Trong khi, hiện nay đất nước ta có hàng trăm, hàng nghìn vấn đề đáng quan tâm luận bàn, thực tế lại không được đưa vào đề thi”, cô Thu nói.
Đề thi môn Ngữ Văn, kỳ thi HS giỏi quốc gia năm 2019. |
Về đề thi Toán, một số chuyên gia cũng cho rằng, đề thi HS giỏi quốc gia nhưng sao chép quá nhiều. Đáng ra phải có những bài toán hay, thì đề thi lợi thế cho học sinh giải bài nhiều và tạo ra cuộc đua “giải bài càng nhiều càng tốt”.
Ngày 19/1, Bộ GD&ĐT đã có câu trả lời báo chí về vấn đề này. Theo đó, Bộ cho biết, đã giao Cục Quản lý chất lượng- đơn vị được giao chủ trì tổ chức Kỳ thi, tiến hành kiểm tra, rà soát các nội dung được phản ánh.
Quan điểm mà Bộ GD&ĐT đưa ra, thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi; góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục; đồng thời phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước.
Về công tác đề thi, đơn vị này cho rằng, kỳ thi đáp ứng mục đích tổ chức thi nêu trên, được thực hiện với quy trình chặt chẽ, nghiêm ngặt với nhiều yêu cầu cao.
Đề thi có nội dung nằm trong chương trình giáo dục phổ thông và nội dung dạy học các môn chuyên của trường trung học phổ thông chuyên do Bộ GD&ĐT ban hành,hướng dẫn.
Theo đó, đề phải đảm bảo tính chính xác khoa học, bao quát được nội dung dạy học; có độ tin cậy, độ giá trị, được diễn đạt rõ ràng, mạch lạc; đánh giá đúng năng lực học sinh giỏi và phân loại được thí sinh.
Theo Bộ GD&ĐT, đánh giá chất lượng kỳ thi HS giỏi quốc gia thế nào, sau khi có kết quả chấm thi mới kết luận được. (Ảnh minh họa: Mỹ Hà). |
Bộ GD&ĐT ghi nhận những đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo về đề thi. Song, để đánh giá chính xác chất lượng đề thi, đại diện Cục Quản lý chất lượng cho rằng, phải dựa vào phân tích thống kê kết quả thi sau khi chấm thi.
Được biết, Bộ GD&ĐT đang triển khai các công đoạn của quy trình chấm thi theo quy định của Quy chế. Bộ sẽ mời các chuyên gia, nhà giáo giỏi có kinh nghiệm và trách nhiệm tham gia chấm thi để đảm bảo công bằng, khách quan.
Đồng thời, Bộ đang triển khai nghiên cứu, xem xét toàn diện các khía cạnh của công tác thi chọn học sinh giỏi để tiếp tục đổi mới công tác thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế từ sau năm 2020 theo hướng tăng cường phân cấp và phát huy tự chủ của các cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí