Phó thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra tiến độ dự án thành phần 4 đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Ảnh: KHẮC TÂM |
Không để các địa phương đi lại nhiều lần
Biểu dương lãnh đạo các bộ, ngành và các địa phương đã phối hợp, tích cực triển khai để tiến độ các dự án cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt kết quả như hiện nay, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết việc kiểm tra tiến độ thi công các dự án cao tốc và làm việc với các tỉnh lần này nhằm tập trung tháo gỡ những vướng mắc, không để các địa phương phải đi lại, kiến nghị tới lui.
Do vậy, những vướng mắc, khó khăn của lãnh đạo các tỉnh trình bày tại buổi làm việc được ông giải quyết, chỉ đạo thực hiện ngay.
Phó thủ tướng cho biết Chính phủ rất "sốt ruột" về tiến độ triển khai thi công cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, trong một tuần sau cuộc họp, Bộ Giao thông vận tải phải cập nhật lại thông tin các địa phương phản ánh để báo cáo Chính phủ.
Đối với dự án áp dụng cơ chế đặc thù, phải tuân thủ quy định pháp luật, quản lý việc khai thác cát làm vật liệu đường cao tốc không ảnh hưởng đến môi trường.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan theo dõi sát tình hình, phối hợp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh, đảm bảo việc khai thác, cung ứng đủ cát cho các dự án cao tốc ở miền Tây.
Đồng thời động viên các bộ, ngành, các địa phương và đơn vị thi công tiếp tục nỗ lực để hoàn thành tiến độ các dự án cao tốc ở miền Tây đúng kế hoạch.
Cung ứng vật liệu còn nhiều vướng mắc
Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc, đến nay có 3 dự án đang thi công.
Trong 3 dự án đang triển khai, 2 dự án hoàn thành trong năm 2025, đó là dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; dự án thành phần 1 Cao Lãnh - An Hữu được tỉnh Đồng Tháp đăng ký rút ngắn tiến độ.
Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; dự án thành phần 2 Cao Lãnh - An Hữu (Tiền Giang) hoàn thành năm 2027. Dự án thành phần 2 Cao Lãnh - An Hữu (Tiền Giang) hoàn thành năm 2027.
Về tình hình cung ứng vật liệu, đến nay đã xác định nguồn cung ứng với tổng trữ lượng khoảng 56,75 triệu m3 cát cho 4 dự án và tổng nhu cầu 5,19 triệu m3 nguồn vật liệu cấp phối đá dăm.
Theo Bộ Giao thông vận tải, việc cung ứng vật liệu cho các dự án vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc, trữ lượng cơ bản đáp ứng nhưng công suất khai thác của các mỏ hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ thi công.
Một số mỏ tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng khi khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng không đáp ứng yêu cầu, phải tìm kiếm các mỏ khác thay thế nên ảnh hưởng đến tiến độ cấp mỏ.
Tác giả: Khắc Tâm
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ