Trên một số diễn đàn, phái mạnh bàn tán xôn xao trước vấn đề ăn cơm rượu nếp diệt trừ sâu bọ trong ngày Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) liệu trong người có nồng độ cồn hay không? Cảnh sát có chấp nhận lý do vừa ăn 1-2 miếng cơm rượu nếp và "bỏ qua" lỗi vi phạm.
Cơm rượu nếp có chứa cồn thấp
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, cơm rượu nếp chứa lượng cồn thấp. Vì khi làm cơm rượu người chế biến chỉ ủ trong 3 ngày, còn rượu ủ 7-10 ngày. Thời gian ủ càng lâu, lượng đường chuyển hóa thành cồn càng lớn.
Người ăn cơm rượu nếp lượng quá nhiều hoặc ăn vào lúc đói có thể bị say. Đặc biệt, ăn nhiều cơm rượu nếp cũng có thể dẫn tới bị quá nồng độ cồn khi tham gia giao thông, bởi nồng độ cồn trên 0 độ là vi phạm giao thông.
Theo chuyên gia, trường hợp nạp ít cồn vào cơ thể, như ăn một bát nhỏ rượu nếp thì cần tối thiểu 12 giờ để cơ thể đào thải cồn. Còn trường hợp ăn 1/3 bát cơm rượu nếp hoặc ít hơn thì sau vài tiếng đồng hồ bạn hãy tham gia giao thông.
|
Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn thế nào?
Tùy vào phương tiện mà cá nhân điều khiển và nồng độ cồn trong người mà mức xử phạt của mỗi cá nhân sẽ khác nhau.
Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn hiện nay được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) .
Đối với xe máy
Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 l khí thở: Người vi phạm bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. (Điểm đ Khoản 10 Điều 6).
Vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 l khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng (Điểm c Khoản 7 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm e Khoản 10 Điều 6).
Vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 l khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm e Khoản 8 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm g Khoản 10 Điều 6).
Mức phạt nồng độ cồn với ôtô
Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (Điểm e Khoản 11 Điều 5).
Vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 l khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng. (Điểm c Khoản 8 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm g Khoản 11 Điều 5).
Vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 l khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. (Điểm a Khoản 10 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm h Khoản 11 Điều 5).
Ngoài mức phạt tiền trên, người vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông còn phải chịu thêm hình phạt bổ sung, trừ xe đạp.
|
Tác dụng của cơm rượu nếp
Nghiên cứu mới đây cho thấy, cơm rượu nếp phòng được nhiều bệnh tật, trong đó cả bệnh ung thư.
Phòng ngừa tim mạch
Các nhà khoa học đã nghiên cứu trên những người bệnh mắc chứng dị ứng với các loại thuốc hạ huyết áp. Theo đó cơm nếp cẩm có thể làm hạ được nồng độ cholesterol có hại trong máu.
Phòng chống ung thư
Nhóm nghiên cứu từ Đại học bang Louisiana (Mỹ) phân tích mẫu cám lấy từ gạo nếp cẩm trồng ở miền Nam nước này. Họ phát hiện chúng chứa hàm lượng rất cao chất chống oxi hóa anthocyanin - chất có tiềm năng chống lại bệnh ung thư, tim mạch và nhiều bệnh khác. Anthocyanin tạo ra màu đen sẫm cho nhiều loại rau, quả như việt quất, ớt.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, chất chống oxy hóa màu đen giúp bảo vệ thành mạch và ngăn ngừa sự phá hủy ADN - yếu tố dẫn đến ung thư. Theo UPI, gạo nếp cẩm có màu đen sẫm, khi nấu lên sẽ chuyển thành màu tím sẫm. Nó chứa nhiều khoáng chất và một vài loại amino axit.
Kích thích tiêu hóa
Món ăn này không những tác dụng bồi bổ cơ thể mà còn giúp ăn ngon miệng, kích thích tiêu hóa.
Phòng bệnh thiếu sắt
Lượng sắt trong gạo nếp rất cao. Do vậy nếu chúng ta ăn gạo nếp cẩm mỗi ngày sẽ phòng được các bệnh về thiếu sắt.
Nguồn tin: saostar.vn