Cách đây 65 năm, vào ngày 19/5/1959, thực hiện Nghị quyết 15 của Đảng về nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”- Đoàn 559 có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn đã được thành lập. Theo văn bản lịch sử chính thức của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ ghi lại, quân đội Mỹ coi đường Trường Sơn là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20”. Sự hình thành và phát triển của thành tựu vĩ đại này gắn kết chặt chẽ với tên tuổi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong một lần đến thăm bộ đội Trường Sơn. Nguồn: Tư liệu |
Sự lựa chọn của lịch sử - cả đời gắn với Trường Sơn
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sinh ra, lớn lên tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Mặc dù trải qua nhiều cương vị khác nhau, nhưng phần nhiều là lãnh đạo, chỉ huy quân sự tại Quảng Bình. Vùng đất này có vị trí, vai trò chiến lược trong hệ thống đường Trường Sơn, là mạch máu giao thông vô cùng quan trọng chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Xuất thân từ một gia đình trung lưu, có truyền thống yêu nước, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng dưới sự dẫn dắt của cán bộ Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 12 tuổi. Đến năm 15 tuổi, ông chính thức gia nhập và trở thành đảng viên trẻ tuổi nhất của Đảng.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Đồng Sỹ Nguyên được bầu làm Chủ nhiệm Việt Minh, kiêm Chỉ huy trưởng bộ đội Quảng Bình. Đến năm 1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đã kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo, chỉ huy quân sự tại Quảng Bình; đáng chú ý là làm biệt phái viên của Tổng cục Chính trị tham gia Bộ tư lệnh cánh phối hợp Trung - Hạ Lào trong chiến dịch Đông Xuân năm 1953 - 1954.
Trong kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1964, ông Đồng Sỹ Nguyên từng đảm nhiệm các cương vị Tổng tham mưu phó, Chính ủy và sau là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung - Hạ Lào… Như vậy, trước khi trở thành vị Tư lệnh huyền thoại của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn và đảm nhiệm cương vị này trong thời gian lâu nhất (gần 10 năm), hầu như cả tuổi trẻ và sự nghiệp chiến đấu của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn với vùng đất Quảng Bình và rộng lớn hơn chính là đường Trường Sơn.
Với kinh nghiệm chiến đấu phong phú, am hiểu về địa bàn và đặc biệt là đã được rèn luyện, thử thách trên nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy quân sự tại Quảng Bình, từ năm 1967 đến tháng 5/1976, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được Lãnh đạo Đảng, Nhà Nước và quân đội tin tưởng giao đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn 559 kiêm Tư lệnh Bộ đội tình nguyện ở Trung Hạ Lào. Đặc biệt, ông được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974.
Tên tuổi như “khắc tạc” vào đá núi Trường Sơn
Đương thời, nhận xét về tướng Đồng Sỹ Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ghi nhận: “Đồng chí đã có công lao lớn trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt, đồng chí có công lớn đối với con đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh”.
Theo đó, thời gian đảm nhiệm cương vị là Tư lệnh Đoàn 559 là dấu mốc chói lọi nhất trong sự nghiệp cách mạng của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1923 - 2019). Trong giai đoạn lịch sử này, Bộ đội Trường Sơn phải đối mặt với với những thủ đoạn tàn bạo nhất, với các loại khí tài quân sự tối tân nhất mà Mỹ, ngụy sử dụng.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với những sáng kiến táo bạo, kịp thời và sát hợp với thực tiễn chiến đấu của ông, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn đã từ những con đường đơn lẻ phát triển trở thành một hệ thống giao thông vận tải quy mô lớn, hết sức phức tạp, linh hoạt với hàng trăm ngả đường, được ví như “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”.
Qua đó, hình thành nên tuyến đường huyết mạch, chiến lược để vận chuyển cán bộ chiến sĩ, quân lương, khí tài quân sự từ hậu phương miền Bắc chi viện cho các mặt trận phía Nam một cách hiệu quả, kịp thời. Sự hình thành, phát triển của tuyến giao thông chiến lược này đã góp phần quan trọng giúp quân đội ta đẩy lùi các cuộc tấn công của quân đội Mỹ và chư hầu.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên kiểm tra việc xây dựng cầu Chương Dương năm 1985. Nguồn: TTXVN. |
Bên cạnh đó, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng có có những đóng góp quan trọng đối với nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sỹ. Năm 1973, chiến tranh chưa kết thúc, ông đã nghĩ ngay đến việc xây dựng nghĩa trang để đưa đồng đội về đoàn tụ bên nhau. Các đơn vị trên khắp chiến trường Trường Sơn đều tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ mang về đất mẹ. Đến năm 1977, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn chính thức được hoàn thành, làm nơi an nghỉ của hơn một vạn Anh hùng liệt sĩ đường Trường Sơn huyền thoại. Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa trang trọng, thể hiện lòng thương nhớ những người đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp thống nhất non sông.
Sau ngày đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tiếp tục kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo như: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng… và có nhiều đóng góp quan trọng đối với công cuộc xây dựng xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, dấu ấn lớn nhất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vào thời bình lại chính là "ra trận" lần nữa ở Trường Sơn khi đứng trong hàng ngũ cố vấn quá trình xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh ngày nay. Ông từng viết trong hồi ký: "Là một trong những người trực tiếp tổ chức xây dựng hệ thống đường - cầu Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ, khi kết thúc chiến tranh, trong tôi luôn nung nấu ước vọng thiết tha đường Trường Sơn được hiện đại hóa để phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa, củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước".
Chính vì lẽ đó, dù đã ở độ tuổi hưu trí, nhưng khi đường Trường Sơn được Chính phủ phê duyệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm đặc phái viên của Chính phủ, mang hết sức mình đôn đốc thực hiện việc mở đường. Ông cũng là người đầu tiên đề xuất đổi tên công trình Xa lộ Bắc - Nam thành đường Hồ Chí Minh. Đến năm 1999, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đồng ý với đề xuất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và một số cán bộ lão thành cách mạng. Kể từ đó, công trình Xa lộ Bắc - Nam chính thức lấy tên gọi mới là đường Hồ Chí Minh.
Tác giả: Quốc Hùng
Nguồn tin: Báo VOV