Ông Vũ Minh Đức - cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo - trình bày các quy định dự kiến đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo - Ảnh: MINH GIẢNG |
Sáng 19-1 tại TP.HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về xây dựng Luật Nhà giáo. Luật Nhà giáo quy định áp dụng cho giáo viên giảng dạy từ mầm non đến đại học.
Theo ông Vũ Minh Đức - cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các quy định hiện hành về nhà giáo còn thiếu đồng bộ, toàn diện, một số quy định quan trọng chưa được thể hiện ở tầm luật. Đặc trưng lao động sư phạm của nhà giáo đòi hỏi những quy định riêng phù hợp.
Do đó việc ban hành một luật riêng về nhà giáo là cần thiết. Tuy nhiên ông Đức cũng cho biết luật này nhằm tạo môi trường để phát triển nhà giáo cả về số lượng và chất lượng chứ không phải để ràng buộc.
Một trong số những nội dung đáng chú ý dự kiến quy định tại Luật Nhà giáo là tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo. Theo đó nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Giấy chứng nhận này được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thay vì sử dụng đồng thời quy định chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh giáo viên/giảng viên như hiện hành, quy định mới chỉ sử dụng thống nhất quy định về tiêu chuẩn nhà giáo và gọi chung là chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với nhiều tiêu chí.
Người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp. Giấy chứng nhận này thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.
Những trường hợp được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp: người đã hoàn thành chế độ tập sự, người hiện đang là nhà giáo đạt chuẩn nghề nghiệp, nhà giáo đã nghỉ hưu, nhà giáo nước ngoài.
Giấy chứng nhận bị thu hồi khi nhà giáo bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hai năm liên tục, vi phạm kỷ luật ở mức buộc thôi việc, sa thải.
Tiền lương nhà giáo dự kiến được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tiền lương nhà giáo trường ngoài công lập, tự chủ không thấp hơn trường công.
Liên quan chứng nhận nghề nghiệp, ông Nguyễn Hải Ninh - phó hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen - cho rằng chứng nhận nghề nghiệp nên được xây dựng như là một chứng chỉ hành nghề.
"Hiện nội dung dự kiến chưa quy định về thời gian có giá trị của chứng nhận. Tôi cho rằng chứng chỉ nên có thời hạn, định kỳ kiểm tra lại, không nên có giá trị vĩnh viễn trừ trường hợp bị kỷ luật như dự kiến.
Giảng viên đại học lấy nguồn từ thạc sĩ, tiến sĩ, học nghiệp vụ sư phạm. Hiện việc tuyển dụng giảng viên đều có thời gian thử việc. Nếu ứng viên vượt qua kỳ sát hạch đủ về trình độ, tư cách đạo đức để được cấp chứng chỉ hành nghề thì được tuyển dụng.
Ngoài ra cũng nên có quy định trường đại học được quyền đình chỉ giảng dạy, chuyển công việc khác, đề nghị cơ quan thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận nghề nghiệp. Có như vậy trường đại học mới có thể quản lý giảng viên", ông nêu.
Nhà giáo được chuyển giao kết quả nghiên cứu Về quyền của nhà giáo, dự kiến nhà giáo được chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học của cá nhân. Theo ông Vũ Minh Đức, điều này nhằm tránh trường hợp nhà giáo vi phạm liêm chính khoa học khi chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học của mình cho đơn vị khác trong thời gian qua. Ông Đức cho biết sẽ có những quy định cụ thể liên quan đến vấn đề này. Điều này nhằm tận dụng được trí tuệ của các giảng viên đại học. |
Tác giả: MINH GIẢNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ