Trường CĐ Y tế Quảng Bình |
Theo phản ánh, tại Trường Cao đẳng (CĐ) Y tế Quảng Bình, các viên chức mới tuyển dụng sau khi trúng tuyển vào tháng 1-2022 được yêu cầu viết giấy "tự nguyện cho mượn tiền" với nội dung cho nhà trường mượn một khoản tiền nhất định.
Cụ thể, cuối năm 2021, Trường CĐ Y tế Quảng Bình tổ chức kỳ tuyển dụng viên chức sự nghiệp. Đến tháng 1-2022, những người trúng tuyển chính thức nhận quyết định công tác. Điều đáng chú ý là khi nhận việc, họ được yêu cầu "hỗ trợ" nhà trường một khoản tiền mặt.
Khi dư luận đặt vấn đề tiêu cực, nhà trường đã yêu cầu những người đã nộp tiền viết giấy xác nhận khoản "cho mượn tiền" với số tiền từ 10-20 triệu đồng, thời hạn mà trường hoàn trả lại là 24 tháng. Tuy vậy, đến nay, một số trường hợp dù đã nghỉ việc vẫn không nhận lại được tiền vì chưa đến hạn trả (tháng 1-2024).
"Với những viên chức vẫn công tác tại trường, ông Lê Viết Hùng (quyền hiệu trưởng thời điểm đó, nay là Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng Trường CĐ Y tế Quảng Bình - PV) tuyên bố ai muốn nhận lại tiền sẽ được trả ngay, nếu không sẽ coi như ủng hộ nhà trường. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại bị trù dập nên không dám yêu cầu" - một giảng viên (xin giấu tên) phản ánh.
Ông Lê Viết Hùng thừa nhận việc trường mượn tiền là có thật. Tuy nhiên, ông khẳng định mục đích của nhà trường là "giữ chân" những người mới tuyển dụng, tránh tình trạng nghỉ việc sớm.
Một trong nhiều giấy cho mượn tiền được ông Lê Viết Hùng ký xác nhận và đóng dấu nhà trường |
Ông Hùng giải thích sau khi trường được nâng cấp từ Trung cấp lên Cao đẳng vào tháng 4-2020, nhà trường đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ ổn định nhân sự. Việc "mượn tiền" được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, nhằm ràng buộc nhân viên ở lại làm việc lâu dài và đảm bảo các yêu cầu kiểm tra từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo ông Hùng, khoản tiền mượn dao động từ 2-5 triệu đồng đối với viên chức bình thường và 10-20 triệu đồng đối với giảng viên. Người đồng ý cho mượn sẽ viết giấy, có chữ ký và đóng dấu xác nhận của nhà trường. Số tiền sau đó được nộp vào bộ phận kế toán nhưng "không sử dụng vào bất kỳ mục đích nào".
Khi được hỏi về việc quản lý khoản tiền này, ông Hùng cho biết danh sách những người cho mượn tiền không được lập tổng hợp cụ thể, không rõ là bao nhiêu người cho mượn, ông chỉ nhớ hình như khoảng 18 người. Nhà trường chỉ hoàn trả tiền khi có giấy xác nhận từ người cho mượn.
Vụ việc gây ra nhiều tranh cãi về tính minh bạch và hợp lý của hành động này. Dù nhà trường khẳng định không có ép buộc, việc "mượn tiền" để đảm bảo cam kết làm việc lâu dài khiến nhiều người cho rằng đây là hành vi không phù hợp trong môi trường giáo dục.
Tác giả: Hoàng Phúc
Nguồn tin: Báo Người Lao động