Thế giới

Israel giải cứu 4 con tin, làm 274 người chết: Câu hỏi trách nhiệm pháp lý

Cuộc đột kích của quân đội Israel vào trại tị nạn Nuseirat giải thoát 4 con tin nhưng khiến ít nhất 274 người Palestine thiệt mạng, đã đặt ra câu hỏi về trách nhiệm pháp lý của nước này.

Nhà và phương tiện bị phá hủy sau cuộc tấn công của Israel vào trại tị nạn Nuseirat ở Dải Gaza, ngày 8/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Cơ quan Y tế Gaza, cuộc đột kích ban ngày của quân đội Israel vào trại tị nạn Nuseirat đã giải thoát 4 con tin Israel và làm chết ít nhất 274 người Palestine.

Tờ Washington Post cho rằng, số người thiệt mạng quá lớn trong vụ giải cứu con tin ngày 8/6 này một lần nữa dấy lên mạnh mẽ câu hỏi về việc liệu Israel có thể hiện đủ trách nhiệm bảo vệ dân thường trong cuộc chiến chống lại Hamas ở Gaza hay không.

Nguyên tắc cân xứng

Cơ quan Y tế Gaza cho biết không rõ có bao nhiêu người thiệt mạng là chiến binh hoặc bao nhiêu người bị hỏa lực của Israel giết chết, nhưng trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em, cũng như các thường dân gần đây phải sơ tán đến do cuộc tấn công quân sự của Israel ở thành phố Rafah ở miền nam Gaza.

Các nhân chứng cho biết họ bị sốc trước quy mô và cường độ cuộc tấn công của Israel, ngay cả khi chiến tranh đã kéo dài 8 tháng, với quá nhiều máu đổ và sự hủy diệt.

Các con tin Israel bị Hamas giam cầm dưới sự canh gác có vũ trang ngay trong trại tị nạn đông dân cư Nuseirat, nơi đã trở thành nhà của các gia đình. Điều này phù hợp với lời khai từ các con tin trước đây được thả trong thời gian ngừng bắn ngắn ngủi vào tháng 11 năm ngoái. Trong vụ đột kích này cũng như trong suốt cuộc chiến, Israel luôn tuyên bố rằng các chiến binh Palestine phải chịu trách nhiệm về cái chết của những người vô tội, hậu quả của việc che giấu con tin và cơ sở hạ tầng quân sự trong các khu vực dân sự.

Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Peter Lerner nói với đài ABC ngày 9/6: “Tất cả thường dân thiệt mạng trong cuộc chiến này là hậu quả của cách Hamas hoạt động”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về luật quốc tế, chiến thuật hoạt động ẩn núp trong dân thường của Hamas cũng không loại trừ Israel khỏi trách nhiệm pháp lý, vốn yêu cầu quân đội phải thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa có thể để ngăn chặn tổn hại dân sự. Nguyên tắc cân xứng cấm quân đội gây thương vong cho dân thường quá mức so với lợi thế quân sự trực tiếp được dự đoán tại thời điểm tấn công.

Adil Haque, giáo sư luật tại Trường Luật Rutgers (Mỹ), cho biết: “Việc đối thủ của bạn vi phạm luật nhân đạo quốc tế không làm thay đổi nghĩa vụ của bạn. Tổn hại có thể dự báo trước đối với dân thường là không tương xứng với mục đích chính đáng là giải cứu bốn con tin”.

IDF đã không trả lời các câu hỏi của tờ Washington Post về các biện pháp được thực hiện để ngăn ngừa tổn hại cho dân thường trong quá trình họ tiến hành cuộc đột kích giải cứu con tin. Trước đó, một phát ngôn viên của Cảnh sát Israel, lực lượng đã triển khai đơn vị chống khủng bố đóng vai trò quan trọng trong cuộc đột kích ngày 8/6, đã đề xuất phóng viên Washington Post hỏi IDF về vấn đề này.

Cuộc tấn công bất ngờ

Cảnh tượng tàn phá ở Nuseirat vẫn đang hiện rõ khi các nhân chứng người Palestine chia sẻ thêm chi tiết về sự hỗn loạn ngày hôm đó.

Omar Mutwawa, 22 tuổi, đang ở trong nhà vào ngày 8/6 thì nghe thấy những âm thanh từ cuộc tấn công đầu tiên. Theo lời kể của anh trai anh là Nasrallah, thì Omar đã lao ra giúp đỡ những người bị thương.

Ban đầu xe tăng, máy bay phản lực và thiết bị bay không người lái quần thảo của Israel trong cái gọi là “bức tường lửa”, nhằm tạo vỏ bọc cho các đơn vị binh sĩ đang đột kích vào trại. IDF cho biết trong một tuyên bố: “Máy bay đã tấn công hàng chục mục tiêu quân sự để mang lại thành công cho chiến dịch”.

Khoảng một giờ sau, khi tình hình tạm lắng, Nasrallah cho biết anh đã đi tìm em trai, nhưng chỉ thấy đôi dép tông của người em. Thi thể Omar đã bị nổ tung thành nhiều phần cách nhà anh gần 300 mét.

Abdel Hamid Ghorab, một nhân viên y tế 33 tuổi, đang làm ca ngày thứ bảy tại al-Awda, một phòng khám phụ sản mà các nhân viên đã chuyển đổi thành bệnh viện tạm thời, nơi chăm sóc cả bệnh nhân và gia đình phải sơ tán. Ông mô tả “các vụ đánh bom ở khu vực quanh bệnh viện diễn ra với cường độ chưa từng có”.

Ghorab cũng cho biết ông đã giúp di chuyển hơn 100 bệnh nhân bị thương nặng - bao gồm cả trẻ em bị mất và bị tổn thương chân tay - đến Bệnh viện Liệt sĩ al-Aqs, nơi có thể tiến hành phẫu thuật cắt chi. “Tất cả những gì họ quan tâm là thực hiện chiến dịch, ngay cả khi nó phải trả giá bằng tất cả những sinh mạng này”, ông nói.

Trong khi đó, các quan chức IDF giải thích rằng họ chỉ sử dụng hỏa lực cực mạnh khi một trong các đội cứu hộ bị Hamas bắn và sau khi một sĩ quan Israel bị thương trong cuộc đấu súng với phiến quân. Sau đó anh ta chết vì vết thương.

Pnina Sharvit Baruch, cựu cố vấn của quân đội Israel về các vấn đề luật pháp quốc tế, cho biết: “Trong mọi cuộc chiến, bạn đều gặp trường hợp các lực lượng sẽ rơi vào tình thế bị mắc kẹt. Việc thoát khỏi tình huống như vậy không phải là tội ác chiến tranh.”

Nhưng Giáo sư Adil Haque nói, rõ ràng là các chỉ huy IDF đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. “Rõ ràng, họ đã lên kế hoạch cho tình huống bất ngờ này, họ có lực lượng hỗ trợ trên không sẵn sàng hoạt động, họ có lực lượng hỗ trợ mặt đất sẵn sàng hoạt động. Điều này không nằm ngoài dự đoán".

Khói bốc lên sau cuộc tấn công của Israel vào trại tị nạn Nuseirat ở Dải Gaza ngày 8/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Câu hỏi pháp lý khó có lời đáp

Các quan chức cho biết IDF đã chọn thực hiện cuộc đột kích vào ban ngày để tối đa hóa yếu tố bất ngờ. Điều đó cũng có nghĩa là những con đường hẹp ở trại Nuseirat chật cứng dân thường.

Khi Israel tiến hành cuộc tấn công quân sự ở phía nam Dải Gaza, hàng ngàn gia đình đã chạy trốn đến vùng trung tâm Gaza, bao gồm cả trại Nuseirat, với hy vọng tìm được nơi an toàn.

Michael Sfard, luật sư Israel chuyên về luật nhân đạo quốc tế, cho biết: “Con số thương vong đủ để đặt ra câu hỏi liệu việc sử dụng hỏa lực có bừa bãi hay không. Chúng ta cần biết chính xác chuyện gì đã xảy ra.”

Đó là một câu hỏi khó có thể được trả lời cho đến sau chiến tranh, nếu có, khi các nhà điều tra tiếp cận được Gaza. Nhưng Israel hiện đang chịu áp lực pháp lý ngày càng tăng về hành vi của mình ở Gaza. Tháng trước, trưởng công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế tuyên bố ông đang xin lệnh bắt giữ Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vì tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Ông Netanyahu gọi quyết định này là “sự phản bội công lý”, tuyên bố điều đó sẽ không ngăn cản Israel “tiến hành cuộc chiến chính nghĩa chống lại Hamas”.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP