Tiếng trống trường rộn rã, hơn 23 triệu học sinh cả nước quần áo chỉnh tề, khăn quàng đỏ bay phấp phới, tay cầm theo lá cờ, bông hoa tung tăng bước chân đến trường. Ngày khai giảng năm học mới 2024-2025 được tổ chức với tinh thần gọn nhẹ, lấy học sinh làm trung tâm, thể hiện sự đồng lòng của Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại các vùng khó khăn, dù còn nhiều thiếu thốn về điều kiện và cơ sở vật chất, giáo viên vẫn tận tâm tổ chức một buổi lễ khai giảng giản dị nhưng đầy ý nghĩa cho các em học sinh.
Học sinh Trường Tiểu học Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội đón năm học mới 2024-2025. |
Trong sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự lễ khai giảng tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự lễ khai giảng tại Trường THPT Phạm Hùng (Vĩnh Long). Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự lễ khai giảng tại Trường THCS Trừ Văn Thố (Tiền Giang). Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự lễ khai giảng tại Trường Mầm non Pác Bó (Cao Bằng). Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự lễ khai giảng tại Trường THCS Nghĩa Phương (Bắc Giang). Phó thủ tướng Lê Thành Long dự lễ khai giảng tại Trường Tiểu học và THCS Tuân Đạo (Hòa Bình).
Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ quan trọng theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, tập trung vào đổi mới giáo dục và đào tạo. Với tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và nâng cao chất lượng, ngành Giáo dục đặt mục tiêu hoàn thành tốt nhất các kế hoạch đề ra. Đặc biệt, ngành sẽ triển khai Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hoàn thành chu trình đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời chuẩn bị cho chương trình giáo dục mầm non mới. Cùng với đó, ngành sẽ thúc đẩy tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ tiên tiến như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Học sinh Trường THCS Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội trong ngày khai giảng. |
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay: “Bộ sẽ sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Bên cạnh đó xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, cố gắng vượt qua những thách thức, hướng tới một năm học có kết quả tốt hơn nữa”.
Học sinh Trường phổ thông liên cấp Phenikaa phấn khởi đến trường. |
Ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2024-2025 là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương” với 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Đó là: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng, an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học. Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục. Thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: Báo Quân đội Nhân dân