Giáo dục

Giáo viên sáng tạo, học sinh hưởng lợi

Môn Văn lâu nay vẫn là nỗi chán chường của học sinh bởi tình trạng cạn từ, hết ý trước những bài kiểm tra liên miên. Cô Phạm Thị Thu Hà, trường THCS Chu Văn An đã tìm ra biện pháp giảm thiểu tâm lý e ngại môn học này bằng việc đổi mới, sáng tạo trong dạy học.

TIN LIÊN QUAN

Sáng kiến xây dựng chương trình “Văn vui vẻ” dành cho học sinh của cô Phạm Thị Thu Hà, trường THCS Chu Văn An; phương pháp học Văn theo nhóm, phát huy tính chủ động và tư duy của học sinh trong môn Văn của cô Văn Thị Tám, trường THCS Phùng Hưng (Sơn Tây) mở ra hy vọng gợi mở đối với tình trạng chán học Văn của học sinh hiện tại.
Cô Hà chia sẻ, nhận thấy chương trình “Văn vui vẻ” của kênh VTV7 Đài truyền hình Việt Nam rất ý nghĩa nên đã nảy ra ý tưởng tự xây dựng chương trình “Văn vui vẻ” phù hợp với học sinh của mình theo format chương trình. Cô thấy hạnh phúc vì học sinh đón nhận rất cởi mở và không còn quá nặng nề khi nghĩ về môn Văn như trước đây.

“Tôi không dám nhận mình là người có công khiến học trò của tôi trở nên yêu thích môn Văn. Tôi chỉ là người kích hoạt niềm đam mê của các em đối với môn Văn, từ đó, các em có nền tảng, tâm thế thoải mái nhất để tiếp nhận kiến thức của môn học này” – cô Hà nói.

Cô Nguyễn Thị Mai đưa đến hứng thú cho học sinh với môn Vật lý bằng hàng loạt các dự án ứng dụng thực tế

Không chỉ với môn khó nhằn như môn Văn, nhiều học sinh cũng không hào hứng với môn Vật lý khô khăn, nhiều lý thuyết. Vậy nhưng hàng loạt học sinh đã trở lại hào hứng với môn học này thông qua những sáng tạo trong phương pháp dạy học của cô Nguyễn Thị Mai, giáo viên Vật lý, trường THCS Cầu Giấy.

Dạy theo trạm, dạy học sinh học theo dự án nhỏ (dự án lắp ròng rọc đưa nước lên tầng 2,3 của trường, dự án vật lý và âm nhạc, dự án tác dụng của dòng điện), phương pháp đóng vai… cùng nhiều sản phẩm trực quan tự chế phục vụ cho môn học như: kính tiềm vọng, lắp đặt ròng rọc, bộ thí nghiệm chưng cất nước…, cô Mai đã cho thấy sự sáng tạo không ngừng nghỉ trong việc nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp cũng như tự chế ra các dụng cụ học tập trực quan nhằm thu hút sự tham gia tích cực của học sinh trong mỗi bài học Vật lý.

Cô Mai đã khơi nguồn sáng tạo cho học sinh, biến mỗi tiết học Vật lý thành cơ hội để học sinh có thể khám phá khả năng bản thân, kích thích sự sáng tạo trong các em.

Đây chỉ là một vài trong số hàng chục sáng kiến được đem đến hội thi Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo đang diễn ra. Các hồ sơ tham gia giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” dành cho khối THCS đang cho thấy sức sáng tạo mạnh mẽ của các nhà giáo.

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Giáo dục Việt Nam đánh giá: “Không chỉ vận dụng phương pháp dạy học hiện đại vào để đổi mới sáng tạo trong dạy học mà các giáo viên THCS còn phát huy thế mạnh của từng môn học, tạo sự lan tỏa, tác động đến chùm các môn học liên quan.

Tôi đánh giá cao sự sáng tạo của các nhà giáo, có những sáng tạo đột phá tới mức chúng tôi cho điểm tối đa bởi họ thực sự tâm huyết, dành cả trái tim và khối óc để cống hiến và sáng tạo”.

Tác giả: Duy Anh

Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô

  Từ khóa: sáng tạo , giáo viên , học sinh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP