Các bạn trẻ trong một buổi chia sẻ kinh nghiệm viết văn do dự án Cái cây nhỏ tổ chức. ẢNH: THÚY HẰNG |
Tuy nhiên trên thực tế, ngữ văn là môn học theo ta suốt cuộc đời, gắn bó với tất cả chúng ta ở một khía cạnh nào đó, cho dù khi ra trường làm bất cứ ngành nghề gì.
Môn học dạy làm người
“Những bài học văn của cô giáo dạy tiểu học đã đổi thay cuộc đời tôi. Từ một học trò ngỗ nghịch, từng chỉ biết gạch đầu dòng cho một bài văn, tôi đã trở thành một người học văn khá nhất nhì lớp và sau này nghề nghiệp của mình gắn liền với những con chữ”, anh Nguyễn Bá Tuấn, cựu nhân viên Công ty TNHH truyền thông Hoa Mặt Trời (TP.HCM) chia sẻ.
Môn văn là môn dạy làm người. Sau này dù có thành bác sĩ, kỹ sư hay bất cứ ngành nghề nào, người ta cũng đều phải dùng môn văn ngày ngày để nói chuyện với bệnh nhân, thuyết phục khách hàng, đối tác Lê Thị Trúc |
Không chỉ với anh Tuấn, nhiều bạn trẻ nay đã trưởng thành, có thể làm nhiều công việc khác nhau, họ đều nhận ra không phải toán, lý, hóa hay tiếng Anh, mà chính văn mới là môn học họ cần nhiều nhất trong cuộc đời.
Một buổi sáng chủ nhật, chúng tôi bắt gặp hai anh em song sinh Nguyễn Phạm Thiên Thanh, Nguyễn Phạm Thiên Phúc, HS lớp 10 Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM đang chăm chú lắng nghe và ghi chép buổi trò chuyện của Thiên Hương, cô gái trẻ có nhiều hoạt động ý nghĩa để bảo vệ hang Sơn Đoòng (Quảng Bình). “Em sẽ viết thư cho chị Hương, đây là một đề tài thầy giáo dạy văn giao cho chúng em, viết thư cho một người em ngưỡng mộ”, hai anh em nói và khoe với chúng tôi một tập sách lưu lại những bức thư em viết cho người thân, bạn bè.
Bà Phạm Thanh Dung, mẹ của Thanh và Phúc, cho hay đây là những hoạt động của dự án Học văn từ cuộc sống đang được nhiều học sinh yêu thích ở Trường THPT Bùi Thị Xuân. “Các con yêu thích môn văn và không bao giờ nghĩ viết văn là áp lực bắt buộc. Mỗi bài văn với các con đều là ghi chép những cảm xúc thật của mình”, bà Dung nói.
Gắn bó với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Q.Tân Phú (TP.HCM) hơn 14 năm, trong những bài giảng văn, cô Lê Thị Trúc, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn, luôn lồng ghép nhiều bài học thực tế cuộc sống để hướng các học trò trở thành người nhân ái, tử tế. Nhiều học trò từng ngỗ nghịch đã đổi thay, các em thành công và không quên ơn cô giáo cũ. Với cô Trúc, đó là một niềm hạnh phúc của nghề.
“Môn văn là môn dạy làm người. Sau này dù có thành bác sĩ, kỹ sư hay bất cứ ngành nghề nào, người ta cũng đều phải dùng môn văn ngày ngày để nói chuyện với bệnh nhân, thuyết phục khách hàng, đối tác”, cô Trúc nói.
Viết đúng trước khi viết hay
Lê Phương Dung, 22 tuổi, sinh viên năm cuối Khoa Văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trước khi nghĩ đến viết hay, hãy viết cho đúng. “Cảm giác khi đọc một bài văn đang mượt mà, gặp một lỗi chính tả thấy “khựng” lại, những cảm xúc chợt tan biến. Nếu được, bạn hãy chuẩn bị cho mình một cuốn từ điển tiếng Việt bên mình để tra ngay khi nghi ngờ”, Phương Dung chia sẻ.
Nguyễn Quỳnh Hương (22 tuổi, cựu HS chuyên văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, người sáng lập dự án Cái cây nhỏ về chuyện học văn), chia sẻ: “Tôi tìm được phương pháp, kinh nghiệm học văn. Môn văn có những quy tắc của nó. Muốn học văn tốt, cũng như người VN học tiếng Anh, tập trung kỹ vào các ngôn ngữ, ngữ pháp, chính tả, quan hệ từ… Cái gốc phải vững, sau đó mới trau dồi những cách diễn đạt hay. Làm sao để học môn văn tốt hơn là trăn trở của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những bạn đang ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, nếu biết tự tạo động lực cho mình thì dù là môn học gì cũng là niềm vui và hữu ích”.
Phạm Thiên Trang, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, cho rằng động lực học văn có thể đơn giản như là để viết những nội dung hấp dẫn trên mạng xã hội, để những bài quảng cáo tiếp cận được nhiều người hơn; hay viết blog hay hơn, ấp ủ dự định viết sách cho riêng mình…
Trong khi đó, Phạm Thúy Quỳnh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay: “Các bạn trẻ có thể trau dồi cách viết văn bằng cách đọc sách, viết nhật ký, chia sẻ những câu chuyện với người khác”.
Ý kiến Phát triển nhân cách và kỹ năng “Tôi từng có thời gian rất ghét môn văn vì thấy nó nhàm chán. Thực tế, trong bối cảnh xã hội hiện tại nhiều người trọng việc học các môn tự nhiên hơn mà quên mất ngữ văn cũng là một môn khoa học. Đặc biệt việc học môn văn có tác động đến sự phát triển nhân cách và cả kỹ năng của con người”. Lê Thị Huyền Nhung (sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) Nhìn nhận vấn đề tốt hơn “Học văn giúp tôi lưu giữ những trải nghiệm của mình. Nhờ học văn, thái độ cũng như cách nhìn nhận sự việc của tôi trở nên khách quan, đa chiều, sâu sắc hơn”. Huỳnh Hải Nhi (học sinh Trường THPT Năng khiếu TP.HCM) Khi đi làm mới thấy giá trị “Hồi nhỏ vì chưa được khơi dậy giá trị và tình yêu với môn văn nên tôi chỉ học cho xong. Bây giờ đi làm, đặc biệt về mảng cần phải viết những câu quảng cáo cho các nhãn hàng, mới thấy giá trị của việc học ngữ pháp, ngôn ngữ. Nếu được quay trở lại, tôi sẽ học môn văn một cách khoa học hơn”. Vũ Thị Minh Thư (nhân viên marketing tại TP.HCM) Nghĩ đến các ứng dụng sẽ thấy thích thú “Nhiều người học văn một cách miễn cưỡng, học vì ai cũng học, nhưng nếu nghĩ về những ứng dụng của nó trong cuộc sống thì sẽ có hứng thú và động lực hơn nhiều”. Lê Phong (chuyên viên dịch thuật tại TP.HCM) |
Tăng cường dạy văn ứng dụng Đinh Thùy Linh, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM, nhận xét: “Tôi thấy việc học môn văn ở nhà trường hiện còn đang xoáy sâu quá nhiều vào việc phân tích tác phẩm mà không tập trung sâu vào ngôn ngữ và ngữ pháp. Ngay cả bản thân tôi học khối D cũng viết, nói sai chính tả vì tính vùng miền khá nhiều. Thêm nữa, nếu môn văn có các tiết học tương tác nhiều hơn giữa thầy và trò, tăng cường dạy văn ứng dụng như viết đơn, thư, viết truyện ngắn, bài phát biểu... sẽ giúp chúng tôi gia tăng tình yêu với môn văn”. |
Tác giả: Thúy Hằng
Nguồn tin: Báo Thanh niên