Kinh tế

Giá điện tăng gây áp lực chi tiêu

Không chỉ ngành sản xuất sử dụng nhiều điện mà các ngành kinh doanh và cả hàng quán nhỏ, hộ gia đình... cũng bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc tăng giá điện

TIN LIÊN QUAN

Vừa hay tin giá điện tăng 4,8% lên mức hơn 2.100 đồng/KWh kể từ ngày 11-10, anh Trần Minh Đăng (ngụ quận 11, TP HCM) không khỏi ngao ngán khi ước tính tiền điện của gia đình có thể tới trên 1 triệu đồng/tháng.

Áp lực tăng chi phí

"Vợ chồng tôi thuê chung cư, chủ nhà lắp máy lạnh, tủ lạnh đời cũ, ngốn điện khủng khiếp nên chi phí tiền điện cao không kém gì thuê nhà trọ, nhưng cũng không thể chủ động thay thế thiết bị điện như nhà riêng" - anh Đăng than.

Anh Đăng kể thêm chung cư anh ở có chợ dân sinh và khu dân cư phía dưới. Nhiều nhà hát karaoke tối ngày, rất ồn ào nên anh hiếm khi mở cửa sổ để dùng ánh sáng và gió trời, mà bật điện và máy lạnh cả ngày lẫn đêm nên khó tiết kiệm điện.

Anh Võ Văn Duy, sinh viên Trường ĐH Giao thông Vận tải cơ sở 3 (quận 12, TP HCM), lo chủ nhà trọ sẽ tăng giá điện trong thời gian tới, kéo theo số tiền mà gia đình phải chu cấp hằng tháng tăng lên. "Tôi ở trọ chung 2 người bạn, chủ nhà thu tiền điện với giá 3.500 đồng/KWh, mỗi tháng tính ra khoảng 150.000 đồng. Một số khu trọ khác đã tăng giá điện lên 4.000 - 5.000 đồng/KWh, không biết có lan sang khu trọ này không?" - anh Duy lo lắng.

Cùng nỗi lo phát sinh chi phí vì tiền điện tăng, chị Nguyễn Ngọc Hân (quận 8, TP HCM) nói rằng TP HCM đang mùa mưa, thời tiết mát mẻ nên gia đình ít khi phải bật máy lạnh, tiền điện không quá nhiều. Tuy nhiên, đến mùa cao điểm nắng nóng sau Tết, hóa đơn tiền điện sẽ tăng vọt, gánh nặng tiền điện sẽ đè nặng hơn chi tiêu của gia đình. "Lo hơn cả là thời điểm cận Tết, doanh nghiệp (DN) sản xuất, nhà phân phối sẽ lấy lý do giá điện tăng để tăng giá hàng hóa. Đến Tết thì nhiều thứ dù mắc vẫn phải mua, không thể tiết kiệm như ngày thường" - chị Hân nói.

Nhân viên điện lực TP HCM hướng dẫn người dân cách tiết kiệm điện sinh hoạt. Ảnh: THANH NHÂN

Người kinh doanh "cắn răng"

Chị Hoàng Ngọc Em, chủ 2 quán phở ở huyện Bình Chánh (TP HCM), nhẩm tính có thể tốn thêm 600.000 - 700.000 đồng/tháng vì giá điện tăng. Theo chị Ngọc Em, chi phí vận hành 2 quán khoảng 70 triệu đồng/tháng, riêng tiền điện khoảng 11 triệu đồng/tháng. Tháng này, tiền điện tăng gần 5%, giá rau thơm có loại đang tăng gần gấp đôi trong khi lượng khách giảm 10%-15% so với các tháng hè nên thu sẽ giảm, chi sẽ tăng. "Quán tôi sử dụng nồi điện, dù khách giảm thì cũng phải nấu đúng chừng đó thời gian. Cuối tuần đông khách hơn thì có khi phải nấu 2 nồi, phát sinh thêm tiền điện. Nhưng, thời điểm này tăng giá là mất khách nên phải ráng chịu đựng, đợi đến Tết mới điều chỉnh giá được" - chị Ngọc Em phản ánh.

Còn ở quy mô DN, giá điện tăng khiến chi phí vận hành tăng lên nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của DN, nhất là đối với những ngành sử dụng nhiều điện như xi-măng, sắt, thép, thủy hải sản đông lạnh... "DN tăng giá lúc này sẽ mất thị trường nên phải tính toán rất kỹ. Trước mắt phải chấp nhận giảm lãi, sau đó mới tính xem có cách nào khác để giảm tổn thất tài chính không" - giám đốc một DN sản xuất thực phẩm chế biến nói.

Trong lĩnh vực sản xuất hàng công nghiệp, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Da giày TP HCM, lo ngại việc tăng giá điện khiến toàn bộ chi phí sản xuất của các DN tăng lên sẽ là gánh nặng thật sự trong bối cảnh ngành còn nhiều khó khăn, các đơn hàng đã đàm phán xong và trong giai đoạn thực hiện nên không có cơ hội điều chỉnh giá.

Một số DN lo xa rằng giá điện có thể tăng tiếp trong thời gian tới khi EVN tiếp tục báo lỗ và áp dụng quy định điều chỉnh giá điện định kỳ mỗi 3 tháng/lần. Vì vậy, bên cạnh giải pháp tiết kiệm điện, DN đã tính đến phương án đầu tư điện mặt trời mái nhà để vừa tăng yếu tố "xanh" trong hồ sơ DN, vừa giảm áp lực về chi phí trong dài hạn.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê, nếu giá điện tăng 10% thì chỉ số giá tiêu dùng toàn nền kinh tế sẽ tăng 0,33%. Như vậy, giá điện tăng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát năm nay. Nhưng giá điện tăng khiến giá sản xuất của DN tăng lên, lợi nhuậm giảm xuống và chi phí cho tiêu dùng hộ gia đình tăng theo. "DN buộc phải thích nghi và có giải pháp tiết kiệm chi phí, sắp xếp lại cơ cấu sản xuất chứ không thể tăng giá sản phẩm vì sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh" - ông Lâm nhìn nhận.

Đầu tư công nghệ tiết kiệm điện

Ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare (thương hiệu tương ớt lên men Chilica, TP HCM), cho rằng giá điện tăng với DN khác có thể là nỗi lo nhưng với Chilica thì không phải vấn đề lớn. Theo ông Hiền, trước đây, DN sản xuất ở nhà máy cũ, công suất nhỏ nhưng tiền điện lên đến 18-20 triệu đồng/tháng. Vừa qua, DN đã nâng cấp nhà máy, công suất được nâng lên nhiều lần nhưng do đầu tư máy nén nên tiền điện trong tháng gần nhất chưa đến 10 triệu đồng.

"Khi nâng cấp nhà máy, chúng tôi đã ý thức về việc đầu tư công nghệ tiết kiệm điện, giảm sử dụng năng lượng đầu vào và giảm phát thải. Máy móc thì đắt tiền hơn, ví dụ một máy thủy lực mới là 100 triệu đồng trong khi máy cũ chỉ 5-6 triệu đồng với công suất tương đương, nhưng về đường dài thì hiệu quả hơn" - ông Hiền chia sẻ.

Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina cũng đã nâng cấp nhà máy cũ gần 30 năm tuổi trở thành nhà máy thông minh, ứng dụng các công nghệ như IoT, AI, Big Data để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tác giả: Thanh Nhân - Ngọc Ánh

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP