Kinh tế

Thủ tục hành chính vẫn đang gây khó cho doanh nghiệp

Vài năm gần đây, Việt Nam đã rất nỗ lực trong quá trình cải cách thể chế, đẩy nhanh quá trình cải cách thủ tục hành chính, giảm các loại giấy phép con để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, các giải pháp này có nhưng chưa thực sự rõ nét.

Việt Nam có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Việt Nam có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng trong 9 tháng đầu năm đã có hơn 183.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Các doanh nghiệp đang hoạt động chính là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TCTC)

Tuy nhiên, đặc trưng của lực lượng doanh nghiệp Việt Nam đó là quy mô vẫn ở mức nhỏ và siêu nhỏ, cả quy mô lao động và nguồn vốn cũng rất nhỏ.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), quy mô lao động bình quân của doanh nghiệp Việt Nam chỉ khiêm tốn dừng lại ở mức 13 lao động/doanh nghiệp và nguồn vốn bình quân là 50 tỷ đồng/doanh nghiệp. Con số này chỉ bằng bằng 1% đến 2% quy mô bình quân của một doanh nghiệp nhà nước và bằng từ 6% đến 9% quy mô bình quân của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, năng suất lao động chậm cải thiện, trình độ công nghệ còn lạc hậu, trình độ quản trị doanh nghiệp còn yếu, thiếu hụt lao động có kỹ năng đáp ứng được sự phát triển của thời đại… dẫn tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tư nhân còn thấp.

So với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân có tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi thấp nhất và tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ cao nhất. Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh như tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA), tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) cũng đạt mức thấp nhất.

Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp tư nhân chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ (chiếm gần 70% số doanh nghiệp tư nhân) và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia sâu rộng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Vướng mắc vẫn nằm ở thủ tục hành chính

Có thể thấy rằng, vài năm gần đây, Việt Nam đã rất nỗ lực trong quá trình cải cách thể chế, đẩy nhanh quá trình cải cách thủ tục hành chính, giảm các loại giấy phép con để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá cho rằng, các giải pháp này có nhưng chưa thực sự rõ nét.

Theo báo cáo của GSO, 15,2% doanh nghiệp hiện nay đang gặp khó khăn do thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, quy trình đấu thầu còn phức tạp, chồng chéo làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào năm 2023 cũng cho thấy, có khoảng 38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp quy mô lớn và hoạt động lâu năm đều phản ánh việc tìm hiểu thủ tục hành chính còn nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: ST)

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết: Một số doanh nghiệp hiện nay phản ánh họ lo ngại về sự thiếu nhất quán và minh bạch trong quá trình thực hiện các chính sách, quy định mới.

Cộng đồng doanh nghiệp hiện nay mong muốn Chính phủ không chỉ rà soát pháp luật mà còn đảm bảo tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh tình trạng thay đổi quá nhanh dẫn đến khó khăn cho thích nghi và thực thi tại các cấp địa phương.

Ngoài ra, một số lo ngại về các quy định mới cũng như tăng thêm những chi phí tiêu thụ. Điều này gây ra nhiều áp lực với doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh cho hay: Hiện nay, còn tồn tại sự chồng chéo, thiếu nhất quán giữa các văn bản quy định pháp luật. Điều này gây trở ngại cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ và thực thi do không biết nên tuân thủ quy định nào trước.

Bên cạnh đó, quy trình phê duyệt còn phức tạp và kéo dài. Nhiều thủ tục hành chính liên quan đến việc xin giấy phép phê duyệt dự án hay cấp phép hoạt động còn mất nhiều thời gian, công sức làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và quá trình phát triển của các doanh nghiệp.

Một số văn bản pháp luật bị thay đổi một cách đột ngột khiến các doanh nghiệp khó khăn trong điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn đã không đủ tiềm lực.

Ngoài ra, một khó khăn nữa được các doanh nghiệp chia sẻ là các quy định mới, đặc biệt là chi phí tuân thủ tương đối cao. Ví dụ: chi phí về môi trường, an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, thuế…đã tạo ra gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp.

“Chúng tôi mong muốn ban chỉ đạo vẫn tiếp tục đề xuất rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt những thủ tục rườm rà, không cần thiết tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc đăng ký cấp phép và triển khai các hoạt động kinh doanh”, ông Mạc Quốc Anh nói.

Cùng với đó, cần tăng cường sự tham vấn từ các doanh nghiệp, để đảm bảo tính nhất quán và minh bạch trong quy định pháp luật, xây dựng khung pháp lý nhất quán giúp doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ và dự đoán được những thay đổi.

Tác giả: Định Trần

Nguồn tin: congluan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP