Trong nước

Chính phủ yêu cầu quy trách nhiệm, sai phạm của bộ, ngành ở dự án BOT

Chính phủ vừa ban hành Nghị Quyết về BOT trong đó đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong cấp phép, đầu tư và quản lý các công trình BOT. Đáng chú ý nhất, Chính phủ đã yêu cầu quy trách nhiệm và xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước tại các dự án BOT.

Nghị quyết số 83/NQ-CP nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Chính phủ ban hành Nghị quyết về BOT, yêu cầu truy trách nhiệm cơ quan nhà nước để xảy ra sai phạm ở dự án.

Chính phủ yêu cầu tổng kết việc triển khai thực hiện mô hình đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT nói riêng và đầu tư theo hình thức PPP nói chung từ trước tới hết năm 2017 và cập nhật đến thời điểm báo cáo, nhằm đánh giá những mặt được và những hạn chế, bất cập..

Trong các giải pháp đưa ra, Chính phủ yêu cầu có quy định chặt chẽ về tiêu chí lựa chọn dự án để đầu tư BOT và PPP; bổ sung quy định về tiêu chí để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, nghiên cứu quy định mức vốn chủ sở hữu phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng nhóm dự án, phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực xã hội.

Bên cạnh đó, rà soát quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các công trình theo hợp đồng BOT trong đó tập trung sâu về các dự án giao thông; sửa đổi, rà soát, xây dựng và ban hành định mức, đơn giá và công bố chỉ số giá thị trường phù hợp với điều kiện thực tế, loại bỏ chi phí bất hợp lý của các trạm BOT.

Đặc biệt, lần đầu tiên Chính phủ yêu cầu quy định rõ trách nhiệm, xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước trong thực hiện quy trình đầu tư, khai thác các dự án giao thông đầu tư theo hợp đồng BOT.

Về vị trí đặt trạm thu phí đã và đang gây bức xúc của người dân thời gian qua, Chính phủ yêu cầu rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá tại tất cả các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và quản lý doanh thu chặt chẽ.

"Xây dựng khung tiêu chuẩn chung làm cơ sở thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng, tránh tình trạng độc quyền trong thu phí dịch vụ. Giám sát doanh thu của các trạm và bảo đảm tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí", Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.

Chính phủ nhất trí và yêu cầu từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước.

Tác giả: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP