Kinh tế

Chính phủ chỉ đạo sắm xe công phải "triệt để tiết kiệm"

Chính phủ yêu cầu việc mua sắm mới xe ôtô và trang thiết bị đắt tiền của các bộ, ngành trung ương và địa phương theo tinh thần triệt để tiết kiệm.

Việc mua sắm mới xe ôtô công phải theo tinh thần triệt để tiết kiệm.

Tại báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2017 gửi đến Quốc hội, Chính phủ cho biết, một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công là khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị áp dụng cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô hoặc thuê xe ô tô để phục vụ công tác.

"Việc mua sắm mới xe ô tô và trang thiết bị đắt tiền của các bộ, ngành trung ương và địa phương theo tinh thần triệt để, tiết kiệm", Chính phủ khẳng định.

Theo báo cáo của Chính phủ, Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô và Nghị định quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp lại xe ô tô hiện có của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý;

Đồng thời, chuyển đổi công năng sử dụng xe ô tô, điều chuyển xe ô tô từ nơi thừa sang nơi thiếu so với tiêu chuẩn, định mức, bảo đảm hiệu quả sử dụng tài sản công theo quy định.

Trường hợp còn thiếu xe ô tô theo tiêu chuẩn, định mức mà không có xe ô tô phù hợp để điều chuyển thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, cơ quan, người có thẩm quyền theo phân cấp của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc mua xe ô tô trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng theo quy định của pháp luật.

"Không sử dụng vốn vay nước ngoài trong khuôn khổ các chương trình dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vay thương mại để mua xe ô tô công", báo cáo nêu rõ.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2017, số xe ô tô công tăng do mua mới, tiếp nhận là 2.604 chiếc với tổng nguyên giá 2.265,17 tỷ đồng. Trong đó: khối Trung ương tăng 1.118 chiếc với tổng nguyên giá 1.175,53 tỷ đồng; khối Địa phương tăng 1.486 chiếc với tổng nguyên giá 1.089,64 tỷ đồng.

Trong tổng số 2.604 xe ô tô công tăng của năm 2017 thì có 1.523 xe tăng do tiếp nhận, điều chuyển giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng nguyên giá là 1.234,32 tỷ đồng; mua mới là 1.081 xe với tổng nguyên giá là 1.030,85 tỷ đồng (trong đó: xe phục vụ chức danh 22 xe; xe phục vụ công tác chung 366 xe; xe chuyên dùng 693 xe).

Tổng số xe ô tô công hiện có 39.425 chiếc với tổng nguyên giá 25.554,21 tỷ đồng chiếm 2,21% tổng giá trị tài sản nhà nước, tổng giá trị còn lại 8.613,91 tỷ đồng.

Báo cáo Chính phủ cũng cho biết, trong thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương rà soát và xử lý các xe ô tô dôi dư đang quản lý; tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp xe ô tô phục vụ công tác chung theo đúng định mức, tiêu chuẩn (từ 01 - 02 xe/đơn vị). Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo đấu giá xe ô tô thanh lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình tiếp nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện xử lý và yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng xe ô tô biếu, tặng không đúng quy định.

Tiếp đó, trong năm 2017, chính sách khoán xe công đã được nhân rộng và được triển khai thí điểm tại một số Bộ, ngành, địa phương bước đầu có kết quả như: Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lai Châu, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên, Lâm Đồng....

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP