Sáng 27-3, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống thiệt hại có thể xảy ra do mưa lũ và sạt lở đất trên địa bàn TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra thực tế công tác phòng chống bão và áp thấp nhiệt đới tại TP Móng Cái |
Trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó với bão số 2 và phòng chống các nguy cơ thiệt hại có thể xảy ra do vùng áp thấp nhiệt đới hình thành sau khi bão số 2 suy yếu tại cảng Mũi Ngọc (phường Bình Ngọc) và hồ Tràng Vinh (xã Hải Tiến), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT biểu dương sự chủ động, tích cực của tỉnh Quảng Ninh và TP Móng Cái trong công tác ứng phó với bão số 2 và áp thấp nhiệt đới sau bão.
Trong đó đặc biệt là việc làm tốt công tác kêu gọi trên 1.200 tàu, bè, mảng hoạt động trên sông, vùng ven biển và tàu thuyền của các tỉnh, thành khác đang hoạt động trên vùng biển Móng Cái về nơi tránh, trú an toàn; tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, gia cố các lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên biển...
Bộ NN-PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu TP Móng Cái tiếp tục tập trung, không chủ quan lơ là, theo dõi sát diễn biến mưa do áp thấp nhiệt đới sau bão gây ra; duy trì chế độ trực và thông tin, báo cáo từ cơ sở để chủ động, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.
Tại Vĩnh Trung, TP Móng Cái có một số cây xanh bị gãy đổ. Hiện đã xử lý đảm bảo an toàn |
|
Đồng thời, tiếp tục triển khai các phương án phòng tránh, di chuyển dân ở những nơi có nguy cơ ngập lụt, sạt lở; chủ động kiểm tra, bố trí lực lượng quản lý vận hành, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa trong trường hợp mưa lớn kéo dài; theo dõi chặt chẽ lưu lượng nước trên sông Ka Long, đặc biệt là trong khoảng thời gian chiều tối 23-7 và những ngày tiếp theo khi nước triều dâng.
Lực lượng chức năng khắc phục sạt lở tại tổ 4, khu 7, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long |
Trước diễn biến tình hình thời tiết còn phức tạp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu TP Móng Cái tiếp tục chủ động các phương án ứng phó theo phương châm "3 trước, 4 tại chỗ", mục tiêu cao nhất đặt ra là đảm bảo an toàn về tính mạng và hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản cho người dân.
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, ngay sau bão số 2, chính quyền, lực lượng vũ trang, đoàn thể các cấp của TP Hạ Long đã nhanh chóng kiểm tra hiện trường, khắc phục hậu quả, dọn cây xanh gãy, đổ, vệ sinh môi trường, ổn định đời sống người dân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Hạ Long, đến 8 giờ sáng 23-7, bão số 2 không gây thiệt hại về người, một số đường bị ngập cục bộ đã rút hết nước ngay sau khi bão tan.
Theo thống kê, TP Hạ Long có 3 điểm sạt lở; lũ tại 3 ngầm tràn; thiệt hại rõ nhất sau bão số 2 là hàng loạt cây xanh bị ngã đổ, bật gốc. Bão cũng gây hư hỏng một số cây trồng, hoa màu; làm bung hàng rào tôn ở một số công trình xây dựng; làm nghiêng, gãy nhiều biển báo giao thông;…
Để khắc phục hậu quả sau mưa bão, các lực lượng chức năng TP Hạ Long, UBND các xã, phường đã huy động lực lượng khơi thông dòng chảy, gia cố các điểm xung yếu và chủ động chuẩn bị các vật tư, phương tiện để xử lý các khu vực bị ảnh hưởng.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, trên địa bàn TP Hạ Long có gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 11 làm nhiều cây xanh, bảng biển quảng cáo gãy, đổ. |
Ban Công ích TP Hạ Long phối hợp với các đơn vị chăm sóc cây xanh và UBND các phường, xã dọn dẹp cây đổ tại các tuyến đường. Tại phường Bãi Cháy, do ảnh hưởng của mưa bão gây sạt lở, sập một công trình phụ của nhà dân tại tổ 4, khu 7; không có thiệt hại về người. Lực lượng chức năng đã di chuyển người dân đến nơi an toàn và đang khắc phục hậu quả xảy ra.
Tại phường Hà Trung, đã thực hiện di dời khẩn cấp 4 hộ dân đến nơi ở an toàn, trong đó: 3 hộ dân do nhà cấp 4 đã xây lâu năm, xuống cấp, nguy cơ xảy ra đổ sập và 1 hộ dân nhà cấp 4 xây dựng trên taluy dương cao, không có bờ kè chắn đất, nguy cơ cao xảy ra sạt lở. UBND phường Hồng Hải cũng triển khai di dời 5 hộ dân tại tổ 2, khu 7A đến nơi ở an toàn.
Thành phố cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng nhanh chóng xử lý các điểm cây đổ, cột điện đổ trên các tuyến đường để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi di chuyển.
Hiện tại, TP Hạ Long đang huy động lực lượng chủ động tăng cường bám, nắm địa bàn và di chuyển người dân đến nơi đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sản.
Trên địa bàn thị xã Quảng Yên vẫn có mưa, tuy nhiên lượng mưa đã giảm đáng kể. Tại tuyến đường phố Quang Trung, tuyến đường 338 nối đường 331 đoạn chạy qua phường Quảng Yên ghi nhận một số cây xanh bị đổ gãy. Hiện tại, địa phương đang yêu cầu các lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục tình trạng cây đổ trên các tuyến đường, tránh làm ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông. Ngoài ra, tại xã Cẩm La, do khu vực cách đồng trũng thoát nước chưa kịp, khả năng bị ngập úng thiệt hại khoảng 30ha lúa mới gieo sạ.
Xã Bình Khê (thị xã Đông Triều) cắt cử người canh gác đường tràn cảnh báo người và phương tiện không lưu thông qua tràn khi lũ về |
Cũng tại thị xã Quảng Yên, qua rà soát tại một số địa phương như: Hồng Thái Đông, Đức Chính, Thủy An, Việt Dân… xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ một số diện tích lúa mới gieo. Hiện, một số đường tràn tại xã An Sinh và xã Bình Khê nước dâng cao qua tràn giao thông. Địa phương đang cắt cử người canh gác cảnh báo người và phương tiện không đi qua đường tràn.
Tại huyện Ba Chẽ, mưa bão đã gây ra 2 điểm sạt lở nhỏ tại Km13-Km14 thuộc đường huyện ĐH.01 (Đường Tân Tiến - Lang Cang - Khe Nà - Xóm Mới). Các tuyến đường xã, cầu tràn thấp trên địa bàn xã Đồn Đạc đã bắt đầu bị ngập. Hiện tại đã ngập 2 ngầm tràn (Khe Pụt, Thành Công); tràn Hát Lốc vào thôn Xóm Mới, xã Lương Mông nước bắt đầu ngập tràn. Tràn cũ thị trấn sang khu 7 đã ngập khoảng 40 cm…
Tác giả: Tr.Đức
Nguồn tin: Báo Người Lao động