Xã hội

Ý nghĩa Tết cổ truyền của người Việt

Tết Nguyên đán là dịp người Việt tìm về nguồn cội, tưởng nhớ tiên tổ, nhưng đang dần bị thương mại hóa.

Theo tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, Tết Nguyên Đán hay Tết mở đầu năm mới Âm lịch là Tết truyền thống của Việt Nam. Tuy có nguồn gốc từ Trung Hoa, song Tết Nguyên đán đã được Việt hóa, trở thành phong tục của người Việt.

TS sử học Nguyễn Nhã. Ảnh: Nguyễn Đông.

Người Việt thường nói ăn Tết, về quê ăn Tết, nên việc ăn hay mâm cỗ Tết là quan trọng. Món ăn trong ngày Tết trước hết phải là bánh chưng hay bánh tét. Bánh chưng vừa thể hiện văn hóa lúa nước (lúa gạo chứ không phải lúa mì), vừa có hình vuông, tượng trưng cho đất. Cùng với bánh dày hình tròn, tượng trưng cho trời, thể hiện lòng hiếu thảo, được dâng lên cha mẹ, tổ tiên.

"Ngoài bánh chưng, bánh dày mà Trung Hoa không có, còn nhiều món ăn dịp Tết, như giò, nem, mọc và mỗi miền có khác đôi chút. Riêng Hà Nội ngày mùng ba Tết tiễn ông bà ông vải, có món bún thang", tiến sĩ Nhã nói.

Tết là mở đầu vận hội mới cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, trong đó có làng xã, quốc gia, dân tộc, nên người ta chuẩn bị cũng như chúc nhau cái gì cũng mới, vạn sự như ý… Và để đánh dấu ngày Tết người ta thường dựng cây nêu. "Việt Nam dùng cây tre dựng nêu, thể hiện bản sắc cương nhu của người Việt có thể nhu, cúi rạp trước gió bão, song có thể cương cứng, dùng gậy, chông đánh giặc thù", tiến sĩ Nhã nói.

GS Nguyễn Chí Bền (nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam), lý giải, về mặt lịch sử cội nguồn thì vòng đời cây trồng tạo ra một khoảng để người ta nghỉ ngơi, cảm ơn đất đai đã giúp cho một mùa vừa qua, đồng thời cầu xin phần đất đó phù hộ cho vụ mùa sắp tới. Chu kỳ vòng đời cây trồng mở đầu cho một năm mới, trở thành câu chuyện thời gian, và trở thành Tết.

Theo GS Bền, Tết là dịp để con người về với gia đình, về với nguồn cội, tưởng nhớ tổ tiên và tùy từng vùng thì có nét văn hóa riêng. "Như vùng Bắc Ninh tôi ở, người ta không về quê vào dịp Thanh Minh mà tất cả sẽ được tiến hành ngay trong Tết. Các gia đình tổ chức ra nơi những người đã khuất để tảo mộ, thắp hương tưởng nhớ công lao tổ tiên đã phù hộ cho mình trong năm qua, và cầu xin cho năm mới. Đó là ý nghĩa tâm linh", ông nói.

Tết cũng là dịp con cháu quần tụ bên nhau, mọi người làm những món ăn, tạo nên văn hóa ẩm thực. Dịp Tết, văn hóa ẩm thực phát huy đến mức cao nhất, với đầy đủ món ăn như bánh chưng, giò, chả, thịt mỡ, dưa hành... nên có thể coi là dịp "hội tụ về văn hóa ẩm thực".

Tái hiện nghi thức dựng cây nêu ngày Tết tại Hoàng thành Huế. Ảnh: Đắc Đức.

Chuyển động của Tết xưa - Tết nay

Các nhà nghiên cứu nhìn nhận, cuộc sống hiện tại dẫn đến nhiều vấn đề mà một số phong tục xưa không phù hợp nữa. Ví dụ trước đây sau rằm tháng chạp người ta phải làm các ông Táo để thay thế ông Táo trong gia đình, bây giờ có tiền, sử dụng bếp gas, bếp từ nên phong tục này không còn.

Thêm vào đó, siêu thị đã làm sẵn rất nhiều món ăn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nên văn hóa ẩm thực cũng thay đổi theo. Người ta có thể đến siêu thị mua ngay một hũ dưa hành, hay giò, chả về sử dụng cho mâm cơm ngày Tết, thay vì việc cùng nhau chế biến làm ra những thức ăn đó. Bánh chưng trước đây chỉ Tết mới có, còn bây giờ có thể mua hàng ngày.

Bánh chưng giờ được bán quanh năm, đến Tết thì gia đình nào cũng có. Ảnh: Giang Huy

GS Nguyễn Chí Bền nhìn nhận Tết Nguyên đán ngày nay đang dần bị thương mại hóa và vượt quá cái ngưỡng ý nghĩa truyền thống. Nhiều người mượn năm mới, mượn phong tục lì xì để biếu xén. "Không ít người cho rằng Tết là dịp ảnh hướng đến con đường tiến thân, thông qua việc lợi dụng mừng tuổi. Việc nhậu nhẹt, ăn uống linh đình, triền miên khiến ý nghĩa Tết đi quá cái ngưỡng cần thiết và đôi khi lại phản văn hóa", GS Bền nói.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho rằng sự chuyển hóa của phong tục đón Tết của xã hội ngày nay là đương nhiên vì sự phát triển và hội nhập. Tuy nhiên, để giữ gìn được bản sắc văn hóa thì cần có sự giáo dục tuyên truyền thường xuyên và bài bản, nhất là với thế hệ trẻ.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Nhã nói, qua hàng ngàn năm nay, nhất là gần đây trong thời chiến tranh cũng như hội nhập với thế giới, một bộ phận giới trẻ không quan tâm đến giữ gìn bản sắc Việt, làm theo ý mình, thỏa mãn những đòi hỏi của bản thân.

"Có nhiều lý do như lương thấp, năng suất làm việc không cao, tâm lý thích hưởng thụ, hoang phí, ăn chơi nhất là dịp Tết, có người muốn bỏ Tết Nguyên đán để nhập vào Tết Dương lịch. Nếu không tìm hiểu gốc gác của vấn đề và không giáo dục bỏ những cái xấu của người Việt, tôi bảo đảm bỏ Tết Nguyên đán năng suất lao động vẫn không tăng được, vẫn hoang phí", TS Nhã nói.

Tác giả: Nguyễn Đông

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP