Kinh tế

Xoá hơn 26,5 nghìn tỷ nợ thuế: "Phải kiểm soát chặt, tránh lạm dụng và thông đồng"

Đó là quan điểm của ông Đinh Văn Nhã - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội khi trả lời Dân trí liên quan đến đề xuất xoá hơn 26.500 tỷ đồng của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính mới đây đã đưa ra dự thảo đề nghị xóa nợ thuế với tổng số tiền ước khoảng 26.500 tỷ đồng.


Đối tượng nào được xóa nợ?

Bộ Tài chính vừa có văn bản lấy ý kiến vào Dự thảo về xử lý nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội dự thảo này tại kỳ họp tháng 5/2018.

Với các đề xuất xử lý xóa nợ Bộ Tài chính đưa ra thì tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đề nghị xóa ước khoảng 26.500 tỷ đồng. Bộ cũng đã đưa ra cụ thể các trường hợp được xoá.

Cụ thể, Bộ đề xuất xóa nợ tiền chậm nộp thuế đối với doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan do thực hiện cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn NSNN hoặc có nguồn chi từ NSNN nhưng chưa được thanh toán (bao gồm cả nhà thầu phụ). Theo đó, số tiền chậm nộp đề nghị xóa tính đến 31/12/2015 là 542,525 tỷ đồng.

Thứ hai, xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước năm 2018 của người nộp thuế gặp thiên hai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng. Mức xóa tiền chậm nộp thuế không vượt quá giá trị thiệt hại. Tổng số nợ Bộ Tài chính muốn xóa ước tính khoảng 1.700 tỷ đồng.

Thứ ba, xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể (trừ trường hợp giải thể để chia tách, sáp nhập, chuyển đổi), phá sản hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, thực tế không còn hoạt động trước năm 2017.

Những đối tượng này không còn khả năng nộp ngân sách và đã được cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Số tiền ước tính lên đến hơn 24.302 tỷ đồng (trong đó của người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức khoảng hơn 22.299 tỷ đồng, còn của hộ - cá nhân kinh doanh là hơn 2.003 tỷ đồng).

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, trong những trường hợp nêu trên, mặc dù nhiều người nộp thuế đã tuân thủ pháp luật, nỗ lực nộp thuế, cơ quan thuế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý thu nợ thuế theo quy định nhưng do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan ngoài ý muốn, họ vẫn còn nợ tiền chậm nộp thuế.

"Số nợ tiền chậm nộp này hạch toán vào thu nhập sau thuế TNDN khiến doanh nghiệp chịu lỗ kéo dài, ăn vào vốn dẫn đến giải thể, phá sản, chấm dứt kinh doanh", lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.

Cần kiểm soát chặt, tránh chuyện "bắt tay", chung chi trục lợi

Sau khi dự thảo được công bố, nhiều ý kiến đồng tình việc xóa nợ thuế là cần thiết. Bởi trong nhiều trường hợp, những doanh nghiệp đã phá sản, đã bị thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh thì dù không xóa nợ thì khả năng thu được cũng gần như bằng không.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn đó là làm sao việc xóa nợ thuế này cần được diễn ra một cách công bằng, minh bạch, tránh chuyện thông đồng giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp.

Trao đổi với Dân trí, ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho biết, trong số hơn 26 nghìn khoản nợ thuế của doanh nghiệp nói trên, phần lớn là khoản nợ tồn đọng trong thời gian rất dài, không thể đòi được.

"Khi người nộp thuế thực tế đã giải thể (trừ trường hợp giải thể để chia tách, sáp nhập, chuyển đổi) thì có để kéo dài nữa thì cũng không thể thu được nữa. Nếu có xóa những khoản này đi thì điều đó cũng là thông lệ quốc tế thôi", ông Nhã bình luận.

Thêm vào đó, việc xóa tiền chậm nộp thuế cho những doanh nghiệp bị khó khăn bất khả kháng giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên theo ông Nhã, việc xóa nợ cần được diễn ra hết sức minh bạch, công bằng để đảm bảo vừa doanh nghiệp dứt điểm làm sạch bản cân đối ngân sách tài chính nhưng cũng không tạo thành những tiền lệ xấu.

"Chúng ta phải xác định rõ đây là khoản tiền thuộc phạm vi ngân sách nhà nước, là tiền của dân. Phải làm sao thật trung thực, tránh tuyệt đối mọi sự lạm dụng, so bì, lợi ích nhóm, hiện tượng lót tay chung chi giữa cơ quan quản lý thuế với doanh nghiệp", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhấn mạnh.

Để đảm bảo được điều này, ông Nhã cho rằng, cần thiết đưa ra một số nguyên tắc để rà soát lại cho các doanh nghiệp. Xác định đó là những khoản nợ thực sự không thể đòi được vì nguyên nhân khách quan.

"Và đặc biệt phải giao, phải quy trách nhiệm trực tiếp cho những cán bộ quản lý số liệu nó, đưa ra số liệu đó. Để đảm bảo đó là những số liệu đúng, số liệu thật… Đảm bảo được sự công bằng, công tâm, không thiên vị", ông Nhã nói. Thậm chí phải có một tổ để xác nhận chéo nhau chứ không thể giao một người làm được, ông Nhã cho biết thêm.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, thực tế giải pháp xoá nợ thuế hiện nay chưa bao quát được hết thực trạng kinh doanh, chưa xử lý được tồn tại về nợ thuế không thể thu hồi được phát sinh do những nguyên nhân khách quan cũng như chưa phản ánh hết công tác quản lý nợ thuế mà ngành thuế, hải quan được giao thực hiện theo quy định của Luật quản lý thuế.

Về vấn đề này, ông Đinh Văn Nhã thừa nhận trước đây Quốc hội cũng đã cho xử lý một số nợ thuế nhưng đối tượng, phạm vi còn hẹp. Sau khi rà soát lại, nếu số nợ thật sự không có cách gì thu được nữa thì phải thay đổi, mở rộng phạm vi đối tượng được xoá.

Tuy nhiên theo ông Nhã, con số lần này Bộ Tài chính đưa ra là rất lớn, tới hơn 26 nghìn tỷ đồng. Cho nên một vấn đề khác cũng cần được đặt ra, đó là làm sao tránh được tiền lệ không đáng có khiến doanh nghiệp tìm cách lách luật để được xóa nợ thuế.

"Cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn. Thực tế thời gian vừa rồi vẫn còn tình trạng kiểm soát còn chưa chặt chẽ, lỏng lẻo xuất hiện nhiều tiêu cực, không riêng gì nợ thuế mà còn việc mua bán hóa đơn tràn lan. Qua đây cũng cần phải có những rút kinh nghiệm", ông Nhã chia sẻ.

Vị này nhấn mạnh, muốn Quốc hội đồng ý xóa khoản nợ thuế nói trên thì phải có căn cứ pháp lý rõ ràng, đồng thời khẳng định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước như cơ quan thuế, cơ quản bảo vệ pháp luật.

Cũng theo ông Nhã, cần thiết có việc kiểm tra lại, kiểm tra chéo hay có thêm đơn vị như kiểm toán vào cuộc chẳng hạn. Qua đó xem xét xem khoản nợ này có đúng, có khách quan không. Nói chung bất kỳ vấn đề gì liên quan đến tiền bạc, kinh tế… nếu diễn ra trên phạm vi diện rộng thì lệ xác suất sai lệch hay vi phạm là khó tránh khỏi.

"Đặc biệt, việc xóa nợ thuế sẽ không phải xảy ra 1 hay 2 lần, có thể vài năm lập đi lập lại một lần. Do vậy nhất thiết phải có cơ chế làm sao kiểm soát chặt chẽ, tránh lạm dụng chính sách và thông đồng để trục lợi", ông Nhã nêu quan điểm.

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP