Trong nước

Xây dựng đội ngũ thanh tra “liêm chính, bản lĩnh, trung thành”

Theo Thủ tướng, cần đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra, nâng cao trách nhiệm đạo đức, nghề nghiệp.

Chiều 16/1, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố tổng kết ngành thanh tra năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Thanh tra

Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố tổng kết ngành thanh tra năm 2018

Năm qua, toàn ngành đã triển khai hơn 7.000 cuộc thanh tra hành chính và hơn 219.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, phát hiện vi phạm về kinh tế gần 34.000 tỷ đồng. Đồng thời đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với hơn 2.000 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 96 vụ, 151 đối tượng.

Đặc biệt, ngành đã tập trung ban hành kết luận một số cuộc thanh tra, kiểm tra do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobiphone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nghìn Toàn cầu, công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh...

Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt kết quả cao. Thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân gần 3.000 tỷ đồng. Công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo triển khai thực hiện thường xuyên, toàn diện, có sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành như: công tác thanh tra tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn một số cuộc thanh tra còn chậm kết luận; Việc tiếp dân định kỳ tại một số nơi còn chưa đảm bảo đúng quy định; Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp

Thanh tra

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận Hội nghị tổng kết ngành Thanh tra năm 2018

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao trong năm qua thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Thanh tra Chính phủ đóng góp tích cực vào kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, của lãnh đạo Chính phủ. Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã kết luận, kiến nghị xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc trọng điểm, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là cuộc thanh tra AVG, Cảng Quy Nhơn, Gang Thép Thái Nguyên..., đồng thời, thu hồi được về cho nhà nước số tiền lớn.

Thủ tướng cho rằng, điều này góp phần quan trọng trong việc giữ vững kỷ luật, kỷ cương, trật tự an toàn xã hội, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Thủ tướng nêu rõ, với những kết quả nổi bật đạt được, vai trò và uy tín của ngành thanh tra nói riêng và của Chính phủ nói chung ngày càng được củng cố và tăng cường, được Quốc hội và cử tri ghi nhận, đánh giá cao.

Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của ngành thanh tra và của đội ngũ làm công tác thanh tra trong năm qua: người đứng đầu nhiều cơ quan, địa phương chưa thức hiện nghiêm túc việc tiếp công dân; tình trạng khiếu kiện đông người còn nhiều; việc phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương chưa tốt dẫn đến tỷ lệ giải quyết khiếu nại tố cáo còn thấp so với mục tiêu đề ra; Một số địa phương chưa coi trọng công tác thanh tra...

Thủ tướng nhấn mạnh, năm nay là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, công cuộc phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, yêu cầu triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật liên quan đến công tác của ngành mới được Quốc hội thông qua như Luật tố cáo. Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặt ra đối với ngành thanh tra yêu cầu cao hơn đối với hiệu quả hoạt động của ngành Thanh tra.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, ngành thanh tra cần triển khai thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, gắn với thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm để góp ý, chấn chỉnh những yếu kém trong quản lý, trong thực thi pháp luật. Đồng thời kiến nghị sửa đổi những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật.

Đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thanh tra các vụ việc Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao, kịp thời ban hành kết luận thanh tra, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp chấn chỉnh quản lý kinh tế - xã hội và xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm phát hiện qua thanh tra, gắn hoạt động thanh tra với công tác phòng, chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Thủ tướng đề nghị: “Các tỉnh phải rà lại, phải trực tiếp giải quyết có lý có tình và đặc biệt phải dành nhiều thời gian cho việc này. Với số lượng trên 11.000 xã, ông Chủ tịch tỉnh, ông Chủ tịch thành phố có tập trung giải quyết phương án có lý có tình, hệ thống chính trị vào cuộc, cái gì mình sai mình phải sửa, không phải sợ khóa trước khóa sau, mà giải quyết đúng quyền lợi của dân. Tinh thần là tập trung giải quyết các vụ nổi cộm, không để hình thành điểm nóng về các địa phương. Điểm nóng này các tỉnh phải nắm vững nguyên nhân, giải pháp và tập trung biện pháp xử lý. Các bộ, ngành cũng phải dành thời gian nhiều hơn cho công tác tiếp dân, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và lắng nghe ý kiến tham mưu các cấp trong vấn đề giải quyết tiếp dân, giải quyết khiếu nại".

Thủ tướng đề nghị Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra tham mưu Chính phủ ban hành các quy định hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); chú trọng tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng một cách hiệu quả. Đồng thời tập trung phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng chiếm đoạt, với tinh thần: “không khoan nhượng, kiên quyết chống đến cùng” để thực hiện bằng được mục tiêu đẩy lùi tham nhũng mà Nghị quyết của Trung ương đã đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Lãnh đạo ngành Thanh tra cần quan tâm hơn nữa, củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan thanh tra một cách mạnh mẽ hơn, bao gồm cả quy chế đoàn thanh tra, trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra. Cán bộ thanh tra phải làm gương không được tiêu cực, tham nhũng. Chính vì vậy mà các đồng chí cần tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ, xử lý nghiêm công chức vi phạm để làm gương trong ngành thanh tra; xây dựng môi trường lành mạnh, tạo sự đoàn kết trong nội bộ”.

Thủ tướng cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra tiếp tục thực hiện tốt vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trên các lĩnh vực thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, gắn với xây dựng và hoàn thiện thể chế nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của ngành thanh tra. Đồng thời tăng cường phối hợp trong ngành Thanh tra, với các ngành, các cấp liên quan, coi đây là biện pháp quan trọng để tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong kết luận và xác định biện pháp xử lý, giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh. Đồng thời cần đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra; nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp thanh tra, đặc biệt là phải xây dựng đội ngũ thanh tra “liêm chính, bản lĩnh, trung thành”./.

Tác giả: Việt Cường - Trần Dung

Nguồn tin: Báo Thanh tra

  Từ khóa: xây dựng , thanh tra

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP