Giáo dục

Xâm hại tình dục trẻ em: Hãy để các bé được lên tiếng

Liên quan đến nạn xâm hại tình dục ở trẻ em, việc cho các em tham gia góp ý đối thoại chính sách để nói lên tiếng nói của mình là điều cần thiết.

Ngày 16/3, trong khuôn khổ dự án hợp tác truyền thông góp phần cải thiện chính sách kinh tế do bộ Các vấn đề toàn cầu của Chính phủ Canada (GAC), trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED), phối hợp cùng trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) thực hiện chương trình Đối thoại chính sách, sự tham gia của trẻ em trong môi trường xây dựng và hoạch định chính sách liên quan đến trẻ em.
Toàn cảnh buổi hội thảo.

Nói đến các vụ xâm hại tình dục trẻ em đang gây bức xúc dư luận thời gian qua, bà Nguyễn Phương Linh – Giám đốc trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) nêu quan điểm: "Việc cho trẻ em tham gia góp ý đối thoại chính sách để các em nói lên tiếng nói của mình là điều cần thiết".

Bà Linh cho hay, nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng nhiều các vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em đã được các diễn đàn bóc tách. Nhưng có thể thấy nguyên nhân sâu xa xuất phát từ một lỗ hổng rất lớn từ phía gia đình, nhà trường.

"Như đã chia sẻ, hầu như các vụ xâm hại trẻ em đều được phát hiện rất muộn, khi mà sự việc đã được lặp đi lặp lại, ở mức độ nghiêm trọng hơn thì lúc đó cơ quan công an, báo chí mới vào cuộc. Vì vậy mà ngay trong gia đình, trường học, hàng xóm cần thiết tạo lập cho các em một môi trường an toàn, thân thiện, để có thể lên tiếng.

Hầu như đối với nạn nhân là trẻ em thì đều có chung một nỗi sợ rất lớn, không chỉ về thể xác mà cả tinh thần. Người lớn cần dành nhiều thời gian hơn nữa để lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với con em mình, tạo môi trường an toàn để các em có thể chia sẻ hết mọi tâm tư tình cảm", bà Linh nói.

Cũng theo quan điểm của bà Nguyễn Phương Linh thì hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn thường trọng chứng cứ hơn mô tả. Trong khi đó, luật pháp quốc tế lại trọng về mô tả hơn. Bởi những vụ xâm hại tình dục trẻ em hết sức phức tạp, không chỉ là liên quan đến những dấu vết trên cơ thể mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần rất nhiều.

"Những chính sách pháp luật cũng cần thiết phải được điều chỉnh để trẻ em có thể nói lên được tiếng nói của mình. Từ đó, đòi hỏi các cơ quan điều tra cũng phải biết cách nói chuyện với trẻ em, tạo cho các em môi trường an toàn để lên tiếng", bà Linh cho biết.

Vị Giám đốc cũng nói thêm: "Để trẻ em lên tiếng không có nghĩa là yêu cầu các em bằng lời nói mà có thể mô tả, đóng kịch, vẽ tranh hay bằng hình thức nào đó để các em có thể biểu đạt được suy nghĩ, mong muốn của mình. Ngược lại, khi người lớn đọc được những thông điệp phản hồi từ trẻ em thì cũng có những định hướng, cách xử lý, phản hồi sao cho phù hợp".

Bà Nguyễn Phương Linh – Giám đốc trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD).

Liên quan đến việc đề xuất biện pháp “thiến hóa học” đối với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, theo quan điểm của bà Linh, một người hoạt động công tác xã hội nhưng cũng là một người mẹ thì cũng có thể coi đây là một giải pháp răn đe đối với những tội ấu dâm gần đây, ít nhất là khi mà truyền thông đang lên tiếng.

Ngoài ra các cơ quan chức năng cũng cần thiết nghiên cứu thêm các biện pháp khác nhằm răn đe loại tội phạm này. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề nhân quyền thì "thiến hóa học" cũng cần thiết phải được cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng vấn đề này khi áp dụng vào thực tiễn.

Cũng đưa ra ý kiến trong buổi hội thảo, bà Đinh Thị Nhung – chuyên gia nghiên cứu về trẻ em lại đề cập đến đối tượng bị xâm hại tình dục là trẻ em nam, đối tượng ít được mọi người lưu tâm.

Theo bà Nhung, đối tượng bị xâm hại ở đây có thể khác nhưng bản chất thì lại giống nhau.

"Nếu như đối với trẻ em nữ bị xâm hại, khi nghe phản ánh lại nếu có chuyện đó thì phản ứng đầu tiên của phụ huynh là đưa con em tới kiểm tra màng trinh… Vậy thì đối với trẻ em nam thì có chứng cứ nào thể hiện việc các em bị hại?", bà Nhung đặt câu hỏi.

Bà Nhung trăn trở nói: "Thực tế, hình thức trẻ em nam bị xâm hại như bị sờ mó, bắt phải nhìn hay bắt trẻ em kích thích... Nếu chỉ quan tâm tới màng trinh thì đúng là không thấy có dấu hiệu bị xâm hại. Khi đó những gia đình có bé trai có khi còn bị tố ngược lại về hành vi vu khống".

Đưa ra quan điểm về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em nam, bà Nhung mong muốn xã hội, các cơ quan chức năng cùng quan tâm và đưa ra phương hướng giải quyết vấn đề này.

Tác giả bài viết: Yến Nhi

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP