Tin địa phương

Xã biên giới có trường, trạm khang trang nhưng chưa có điện lưới

Cái khó của việc phát triển kinh tế, văn hoá của bà con đồng bào Ma coong, Arem nơi xã biên Thượng Trạch , tỉnh Quảng Bình nằm ở việc thiếu đi điều kiện thiết yếu.

Điện, đường, trường, trạm là hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội ở mọi địa phương mà Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng đầu tư, nâng cấp. Ở xã vùng biên Thượng Trạch, huyện Bố của tỉnh Quảng Bình với 18 bản có gần 670 hộ dân, các công trình đường giao thông, trường học, trạm y tế đều có đủ nhưng do nằm khá biệt lập với các địa bàn khác nên nơi đây vẫn chưa có điện lưới quốc gia để sử dụng. Người dân chỉ được sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời một cách thiếu thốn và dè xẻn.

Những bản làng của xã biên Thượng Trạch đã ngày càng khang trang, nhưng việc không có điện lưới ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - văn hoá.

Bản làng nơi đây đêm đêm vẫn chìm trong bóng tối, học sinh không đủ ánh sáng học tập, máy móc phục vụ sản xuất không đủ điện để vận hành, công tác khám chữa bệnh gặp khó, trang thiết bị y tế vận hành cầm chừng bằng máy phát điện.

Đứng chân trên địa bàn miền núi đi lại khó khăn, cách xa trung tâm, người dân đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy, công tác chăm lo sức khỏe cho đồng bào còn gặp không ít khó khăn. Trước tình hình đó, Sở Y tế Quảng Bình cùng các đơn vị liên quan đã quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp Trạm Y tế xã Thượng Trạch nhằm phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, đáp ứng điều kiện làm việc cho cán bộ, nhân viên của trạm.

Dù cơ sở hạ tầng đã khang trang, các trang thiết bị phụ vụ khám, chữa bệnh đã được đầu tư nhưng còn một cái khó khi trạm phải sử dụng nguồn điện từ máy phát điện để duy trì hoạt động.

Trạm Y tế xã Thượng Trạch được đầu tư hạ tầng, trang thiết bị đầy đủ nhưng hoạt động chưa đạt hiệu quả cao nhất vì phụ thuộc vào nguồn điện từ máy phát.

Còn tại điểm Trường bản 61, xã Thượng Trạch, nơi được xây dựng khá khang trang, có nhà vệ sinh, gian bếp và trong lớp có đầy đủ bàn ghế. Trong tiết trời âm u giữa đại ngàn, cô giáo Đinh Thị Quyên đang phải mở mở toang hết các cửa sổ, cửa chính để giúp học sinh có đủ ánh sáng để học sinh học bài.

Cô giáo Quyên cho biết, ở bản chưa có điện lưới, chỉ có điện năng lượng mặt trời để sử dụng. Vào mùa nắng tiết kiệm thì tạm đủ dùng, nhưng thời gian này, tiết trời âm u, gần như ngày nào cũng thiếu điện. Ban đêm trời tối đen như mực, các cô ở lại trường thì thắp ngọn đèn dầu sáng lay lắt để sinh hoạt, soạn bài giảng.

Trong tiết trời âm u, giáo viên phải mở hết các cửa để đón ánh sáng cho học sinh học bài.

"Đang gặp khó khăn về điện, nơi đây không có điện. Ở đây các cô trò chỉ dùng bóng tích điện hoặc dùng bóng năng lượng mặt trời, vào mùa mưa thì không dùng được. Soạn bài cũng tranh thủ vào ban ngày hoặc lúc chạy đi sạc máy móc, đèn pin và tranh thủ soạn bài. Còn ban đêm thì không làm gì được nữa rồi", cô Quyên cho biết.

Đời sống của đồng bào Ma Coong và A Rem ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch chủ yếu dựa vào làm rẫy, chăn nuôi. Vì không có đủ điện để dùng nên mọi sinh hoạt nơi đây vẫn chủ yếu dựa vào sức người. Giếng đào, giếng khoan thì không có điện để chạy máy bơm lấy nước lên, máy móc xay xát không có, bà con vẫn giã gạo bằng chày như ngày xưa.

Để phát triển đời sống và văn hóa của địa phương này, vấn đề cấp thiết là cung cấp nguồn điện lưới.

Ông Trương Tấn Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết, trụ sở ủy ban, Trạm Y tế xã đang dùng máy phát điện để hoạt đông và đảm bảo công tác khám chữa bệnh. Điện phục vụ thắp sáng còn thiếu nên không thể sử dụng vào hỗ trợ sản xuất.

Vùng Thượng Trạch cũng có cột phát sóng điện thoại hoạt động nhờ máy phát điện, nhưng 1 ngày chỉ có sóng điện thoại vào 1 thời điểm nhất định. Cán bộ làm việc tại UBND xã cũng khổ sở vì không có điện lưới, internet rất yếu, nhiều lúc công văn điện tử cấp trên gửi về không thể xem được còn gửi đi thì phải đợi rất lâu.

"18 bản thì ở đó đều sử dụng điện năng lượng mặt trời, chủ yếu để thắp sáng chứ không dùng để sản xuất. Ví dụ nếu bà con muốn dùng để bơm nước hay dùng máy móc công suất cao thì không được. Điều này ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của xã và của bà con", ông Hưng cho biết.

Nắm bắt được những khó khăn và mong muốn của người dân nơi xã biên này, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã đồng ý cho kéo điện lưới quốc gia lên 2 xã biên giới Tân Trạch, Thượng Trạch, huyện Bố Trạch trong thời gian tới với tổng kinh phí gần 110 tỷ đồng. Đường điện lưới này sẽ được kéo xuyên qua Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng để đến với đồng bào Ma Coong, A- rem.

"Dự kiến, đường lưới điện sẽ được kéo đến trung tâm xã, 5 bản ở gần trung tâm sẽ có điện dùng trong 2-3 năm tới. Tuy nhiên, địa hình xã khó khăn, các bản nằm sâu trong rừng và cách khá xã nhau, như bản Tuộc, bản 61, bản Troi cách trung tâm hơn 20km. Để phủ điện đường toàn xã có lẽ phải mất thêm một thời gian dài", Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch cho biết.

Tác giả: Hùng Trần

Nguồn tin: suckhoedoisong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP