Ông Đỗ Tuấn Đạt đã lái xe đi dọc đất nước để đưa hài cốt liệt sỹ về với thân nhân của họ |
8 lần thay xe để đi tìm đồng đội
Căn nhà cấp 4 của vợ chồng ông Đỗ Tuấn Đạt (SN 1948) và bà Nguyễn Thị Mão (SN 1952) nằm ở cuối ngõ 12 đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Trong căn nhà nhỏ này không có đồ đạc gì có giá trị lớn.
Bởi suốt 25 năm qua, họ đã dành phần lớn nguồn thu nhập, thậm chí là cắt dần từng phần đất của gia đình bán đi để lấy tiền cho ông Đạt thực hiện những "chuyến xe nghĩa tình" đi tìm kiếm, cất bốc, chở hài cốt liệt sĩ về với gia đình, thân nhân của họ.
Cả tâm sức và tiền bạc của vợ chồng ông Đạt đều dành cho việc tri ân, hỗ trợ thân nhân gia đình liệt sĩ. Đến nay, ông Đạt đã 8 lần đổi xe ô tô để làm công việc này.
"Mỗi chuyến đi vài vạn cây số là chuyện thường, xe nào chịu được. Chiếc xe thứ 8 đang đi, chúng tôi vay ngân hàng mua trả góp, hiện cũng đã đi được hơn 20 vạn cây số rồi. Từ khi làm công việc này, ước tính, tôi đã chạy hết khoảng 20 tỷ đồng tiền xăng, dầu. Số tiền này đều do vợ chồng tôi bỏ ra", ông Đạt chia sẻ.
Năm 1967, ông Đạt làm lái xe cho Công ty Vận tải hàng hóa Hà Nội. Giữa năm đó, ông xin nhập ngũ và được phân công về Trung đội hỏa lực của Đại đội 9, Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 5, Quân khu Trị Thiên.
2 năm sau, ông về Đại đội 69B, lái xe vận chuyển lương thực, vũ khí tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Năm 1971, khi đoàn xe của ông di chuyển đến đèo Bù Lạch (tỉnh Quảng Nam), chiếc xe của hai chiến sĩ Trần Văn Thiết và Đào Quang Bình bị dính mìn. Hai anh hy sinh tại chỗ.
Ông Đạt và đồng đội đã trực tiếp chôn cất đồng đội của mình và tiếp tục lên đường. Hòa bình lập lại, dựa vào thông tin ít ỏi về quê quán của 2 liệt sỹ, ông Đạt cùng đồng đội đã tìm về nhà của họ báo tin, sau đó hỗ trợ gia đình đưa hài cốt 2 liệt sỹ trở về.
"Khi xe của chúng tôi đưa hài cốt 2 liệt sỹ trở về, chứng kiến cảnh mẹ già ôm hài cốt con òa khóc sau nhiều năm chờ đợi, trong lòng chúng tôi lúc đó thấy rất day dứt vì những năm tháng trong quân đội, chính tay tôi đã trực tiếp chôn cất hàng chục đồng đội nhưng chưa có điều kiện để đưa hết họ về nhà", ông Đạt kể.
Vợ chồng ông Đỗ Tuấn Đạt và bà Nguyễn Thị Mão |
"Ai còn, ai mất nhớ đưa nhau về"
Năm 1976, ông Đạt ra quân, cùng vợ phát triển kinh tế gia đình và cùng nhau chăm sóc 5 người con. Khi đó, ông Đạt làm nghề lái xe, còn bà Mão làm kế toán tại một cơ quan nhà nước.
Năm 1999, khi 5 người con của vợ chồng ông Đạt, bà Mão đều đã trưởng thành, có công việc, nhà cửa ổn định, người cựu chiến binh đã bàn với vợ mua ô tô để đi dọc đất nước tìm hài cốt liệt sỹ, thực hiện lời hứa năm xưa "Ai còn, ai mất nhớ đưa nhau về". Ý định này của ông Đạt lúc đó không được vợ con ủng hộ.
Những năm ở chiến trường, cái chết cận kề, trong một lần dừng chân ăn cơm, chúng tôi đã hứa với nhau rằng, nếu có ai trong những người ngồi đây không may nằm xuống thì những người còn sống nhất định phải đưa người chết về với gia đình. Bao nhiêu năm qua, chưa một ngày nào tôi quên đi lời hứa đó. Từ năm 1999 đến nay, tôi và đồng đội đã đưa tổng cộng hơn 400 liệt sỹ về với gia đình, chủ yếu các hài cốt liệt sỹ được tìm thấy ở Tây Ninh, Cà Mau, Bình Phước, Quảng Bình, Quảng Trị. Chuyến đi tìm đồng đội xa nhất là ở bên Lào…”. Cựu chiến binh Đỗ Tuấn Đạt |
Những năm đầu do chưa có kinh nghiệm, cùng với đó là cảnh quan thay đổi, gây khó khăn trong việc tìm kiếm. Không ít lần ông Đạt lái xe hàng nghìn cây số, cùng thân nhân gia đình liệt sỹ băng rừng, lội suối vào chiến trường xưa tìm hài cốt nhưng lại phải về tay trắng.
Bên cạnh đó là nhiều trường hợp thông tin khắc trên bịa mộ lệch với giấy chứng tử cũng cản trở quá trình đón liệt sỹ về. Đó là lý do trong giai đoạn 1999-2010, ông chỉ tìm kiếm và đưa được 11 liệt sĩ về với gia đình.
Sau giai đoạn này, ông Đạt vận động bạn bè là doanh nhân, cựu chiến binh thành lập Câu lạc bộ "Nghĩa tình đồng đội tại Hà Nội". Nhờ sự giúp sức của các cộng sự cùng hệ thống người báo tin khắp 63 tỉnh, thành, việc tìm kiếm, kết nối của ông Đạt dễ dàng hơn.
"Mỗi năm, trung bình tôi tìm kiếm được hàng chục hài cốt liệt sỹ đưa về cho gia đình họ. Năm 2020, tôi tìm được 15 hài cốt liệt sỹ, năm 2021 tìm được 17 hài cốt liệt sỹ, năm 2022 tìm được 11 hài cốt liệt sỹ, năm 2023 tìm được 21 hài cốt liệt sỹ. Từ đầu năm 2024 đến nay, tôi mới đưa được 5 liệt sỹ về với gia đình, do năm nay mẹ và con trai tôi mất…", ông Đạt nói.
"Không có vợ, chắc tôi không giữ được lời hứa năm xưa"
Trong câu chuyện của cựu chiến binh Đỗ Tuấn Đạt thì bà Nguyễn Thị Mão luôn là "hậu phương" vững chắc. Bao năm qua, mỗi lần ông Đạt đi tìm đồng đội là bấy nhiêu lần bà Mão chủ động lo việc nhà, dạy bảo con cháu, đồng thời sát cánh, chung tay lo tài chính, thuốc thang chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ chồng không chút nề hà.
"Bán 5 miếng đất được gần 30 tỷ đồng bà ấy chẳng tiêu xài, mua sắm gì mà cứ rút dần đưa tôi để tôi đi tìm hài cốt liệt sỹ. Nếu không có sự đồng lòng của vợ chắc tôi không thể giữ được lời hứa với đồng đội năm xưa…", ông Đạt tâm sự.
Làm công việc này phải có “3T, 1Q” mới làm tốt được. “3T” là phải có “tâm”, có “tầm” và có “tiền”, còn “1Q” là “quỹ” thời gian. Dù không trực tiếp đồng hành cùng chồng nhưng tôi luôn ủng hộ, đảm nhận việc nhà, lo kinh tế để chồng yên tâm”. Bà Nguyễn Thị Mão |
Năm tháng trôi qua, hiện ông Đạt đã 76 tuổi, bị bệnh tiểu đường, di chứng liệt nhẹ bàn chân phải. Còn bà Mão cũng đã 73 tuổi, sức yếu. Nhưng hễ gia đình thân nhân liệt sỹ tìm đến nhờ hỗ trợ, bà lại gom góp để ông yên tâm lên đường.
Suốt 25 năm làm việc nghĩa tình, ông Đạt tự hào chưa từng làm phiền gia đình, thân nhân liệt sỹ dù chỉ một bữa cơm. Mọi chi phí đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi dọc đường đều là tiền nhà mang đi.
Sau này có một phần là tiền quỹ anh em đồng đội tự đóng góp; gần đây có Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam hỗ trợ sát sao hơn, nhưng chủ yếu là để có thêm kinh phí tặng cho gia đình thân nhân liệt sĩ vì nhiều gia đình vẫn còn khó khăn.
Những năm gần đây, nhiều người khuyên ông Đạt nên dừng công việc này lại vì tuổi đã cao, hãy để cho lớp trẻ tiếp bước nhưng ông khẳng định "sẽ tiếp tục tìm hài cốt liệt sỹ đến khi không thể đi".
Tác giả: Văn Long - Trường Hùng
Nguồn tin: phunuvietnam.vn