Số hóa

Việt Nam sẽ ghi dấu ấn quan trọng trên bản đồ Internet thế giới

Việt Nam có trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình của thế giới là 46,64%.

Sáng 22/11, tại Hà Nội đã diễn ra buổi lễ kỷ niệm 20 năm ngày Internet Việt Nam. Sự kiện do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức.

Trong 20 năm phát triển vượt bậc của Internet, hàng tỷ người trên toàn thế giới đã cùng nhau xây dựng để biến Internet trở thành một nền tảng gắn kết mọi nguồn lực ở khắp các quốc gia để chia sẻ thông tin, kiến thức trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo Ngày Internet Việt Nam 2017.

Tại Việt Nam hiện nay có thể dễ dàng nhận thấy Internet đã len lỏi vào tất cả các ngõ ngách của cuộc sống, từ một người nông dân, một người công nhân, học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sĩ công nhân đều có thể tìm được thông tin trên Internet. Chính Internet đã làm thay đổi cuộc sống của chúng ta hiện nay.

Để có được sự phát triển mạnh mẽ của Internet tại Việt Nam ngày hôm nay, chúng ta cần ghi nhận sự phát triển vượt bậc của hạ tầng viễn thông, CNTT tại Việt Nam. Từ con số 0 của những năm đầu ở thập niên 90, Việt Nam đã trở thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm và tiếp tục phát triển lên 3G, 4G với hạ tầng viễn thông Internet hiện đại phủ rộng trên khắp lãnh thổ, từ thành thị đến nông thôn. Từ miền xuôi đến miền ngược, miền núi và hải đảo.

Theo số liệu thống kê không chính thức, Việt Nam có trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình của thế giới là 46,64%. Việt Nam nằm trong top các quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á. Có những nguồn số liệu cho thấy, Internet đã phủ sóng tới gần 70% dân số Việt Nam.

So sánh với hơn 31 triệu người của năm 2012, 17 triệu người của 10 năm trước hay 205.000 người trong thời đầu của Internet quay số qua mạng điện thoại di động, có thể nói Internet Việt Nam đã có những bước tiến thực sự ấn tượng.

Tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam ở tuần lễ cấp cao APEC 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra dự báo, đến năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia trong nhóm đứng đầu về số người sử dụng điện thoại di động. Đây cũng là tiền đề thuận lợi cho việc phát triển hệ sinh thái Internet ở Việt Nam.

Hiện nay, Chính phủ và Bộ TT&TT đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của CNTT, công nghiệp nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trên Internet, song hành cùng sự phát triển của các lĩnh vực như truyền thông, quảng cáo, trò chơi điện tử, thương mại điện tử….

Cùng với đó là sự thành công của các doanh nghiệp hạ tầng Internet Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, CMC, NetNam, chúng ta cũng đã có nhiều doanh nghiệp nội dung số lớn như VTC, VNG, VCCorp. Các doanh nghiệp này không chỉ có chỗ đứng vững vàng trong nước mà còn vươn ra cả thị trường khu vực cũng như quốc tế. Nhiều sản phẩm Internet do doanh nghiệp cá nhân trong nước phát triển đã tạo được tiếng vang ở tầm quốc tế.

Tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nội dung và dịch vụ GTGT trên nền tảng Internet đang phát triển rất mạnh. Nhiều công nghệ còn rất mới trên thế giới như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo… cũng được doanh nghiệp trong nước phát triển thành những sản phẩm hoàn thiện, có giá trị kinh tế cao.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: “Hàng trăm dịch vụ hành chính công đã được triển khai ở mức độ 3, mức độ 4 ở nhiều địa phương và bộ ngành. Nhiều bộ, ngành còn mở các tài khoản chính thức trên mạng xã hội để tương tác với người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của người sử dụng.”

“Đó là nền móng cho các ứng dụng Internet ở cấp độ cao hơn, phức tạp và quy mô lớn hơn như chính phủ điện tử, thành phố thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh và giáo dục thông minh.”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị làm thay đổi sâu sắc, tích cực đời sống xã hội và làm thay đổi cuộc sống của người dân Việt Nam, Internet cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Hiện nay lượng thông tin xấu độc xuất hiện trên Internet và mạng xã hội ngày càng nhiều. Đặc biệt là lượng thông tin giả, tin bịa đặt, xuyên tạc, chống phá chế độ, xúc phạm nhân phẩm cá nhân và tổ chức.

Ngoài ra các vấn nạn như tấn công mạng, mất an toàn thông tin, thư rác, mã độc, tống tiền đang nhằm vào mục tiêu là các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tại Việt Nam đang gia tăng cả về số lượng, quy mô và độ phức tạp.

Trong thời gian vừa qua Bộ TT&TT và các bộ ngành liên quan đã và đang thường xuyên, liên tục triển khai nhiều biện pháp để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như đã nêu trên.

Thế giới đang bước đến giai đoạn mà không một lĩnh vực, không một ngành nghề nào có thể tách rời khỏi CNTT và Internet. Đặc biệt là khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế số, ngưỡng cửa của cuộc Cách mạng Công Nghiệp 4.0.

Tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải hướng tới kết nối số, tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi không ngừng để theo kịp sự phát triển của công nghệ nếu không muốn bị tụt lại phía sau.

Để làm được điều này, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông Internet, nội dung số và ứng dụng GTGT trong nước một cách bền vững, thậm chí là đủ lớn mạnh để bước ra thế giới. Trong thời gian tới, chúng ta cần triển khai nhiều quyết sách và giải pháp để thức đẩy doanh nghiệp Việt Nam tự tin vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0

Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về CNTT và Internet, Bộ TT&TT khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp viễn thông, Internet, nội dung số và ứng dụng trên Internet của Việt Nam với mục tiêu cao nhất là hướng tới một thị trường Internet nội dung số bình đẳng và bền vững.

Điều này là tiền đề để trong những năm tới đây, chúng ta có thể tự hào ghi nhận nhiều hơn nữa các doanh nghiệp của Việt Nam tiến ra nước ngoài với thành công, ghi dấu ấn của Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới.

Tác giả: Trọng Đạt

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP