Thế giới

Vai trò chìa khóa của ASEAN trong giải quyết khủng hoảng Triều Tiên

Chưa bao giờ ASEAN lại trở nên đặc biệt hơn lúc này khi Triều Tiên được cho là chỉ tin tưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Theo Asia Times, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhiều năm qua vẫn giữ vững vai trò trung lập và không thường xuyên can dự vào những rắc rối phức tạp trong khu vực.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây đang cho thấy sự quyết tâm của 10 quốc gia thành viên trong việc chung sức giảm leo thang cùng cộng đồng quốc tế.

Khủng hoảng Triều Tiên là cơ hội để ASEAN tham gia nhiều hơn vào các vấn đề quốc tế.

Một mặt, ASEAN thể hiện sự đoàn kết trong việc kêu gọi CHDCND Triều Tiên kiềm chế chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân nguy hiểm, trong khi vẫn tránh thể hiện lập trường công khai với Bình Nhưỡng.

Mặt khác, nhóm các nước Đông Nam Á vẫn duy trì các kênh giao tiếp với tất cả các quốc gia liên quan, từ Seoul, Bình Nhưỡng, cho đến Bắc Kinh, Tokyo và Washington.

ASEAN được ủng hộ trong vai trò trung lập, một vị trí độc đáo để điều phối các nhân vật chính trong các hoạt động đối thoại và quản lý khủng hoảng.

Nhà nghiên cứu chính trị Richard Javad Heydarian từ đại học De La Salle, Manila cho rằng: trên thực tế, ASEAN là cây cầu ngoại giao cuối cùng giữa Bình Nhưỡng và phần còn lại của châu Á.

Vai trò hòa giải

Sự sụp đổ của đàm phán 6 bên năm 2009 đã để lại vai trò cho Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) như một cơ chế đa phương duy nhất mà các quan chức cấp cao từ Triều Tiên có thể tham gia đối thoại với các đại diện đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN tổ chức vào tháng 8 tại Manila, phái đoàn cao cấp Triều Tiên do Ngoại trưởng Ri Yong-Ho dẫn đầu đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Đông Nam Á và Trung Quốc.

Ông có cuộc đối thoại với Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano để thảo luận về vấn đề an ninh khu vực.

Nhà ngoại giao Triều Tiên cũng gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - người thân ái mô tả Bình Nhưỡng là “một đối tác đối thoại tốt” và khẳng định tiếp tục ủng hộ vai trò đối thoại và tìm kiếm giải pháp hòa bình các xung đột trong khu vực của ASEAN.

Trước đó, trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 4, Triều Tiên đã gửi một lời đề nghị chưa từng có đến Tổng thống Philippines –người đồng thời là Chủ tịch luân phiên ASEAN với mong muốn cung cấp “một đề nghị hợp lý” để giảm leo thang căng thẳng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên.

Đáp lại, ông Duterte kêu gọi các bên liên quan để thận trọng và tổ chức các cuộc nói chuyện với đối tác Mỹ và Trung Quốc để tìm kiếm giải pháp ngăn chặn xung đột quân sự.

Ngoại trưởng Ri Yong-Ho tại Diễn đàn Khu vực ASEAN.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng tìm đến ASEAN để tìm kiếm giải pháp kiềm chế Bình Nhưỡng. Theo hướng đó, Hàn Quốc đã tổ chức Hội nghị quốc tế về hợp tác ASEAN-Hàn Quốc vào cuối tháng 8, thu hút sự tham dự của các nhà ngoại giao cấp cao khắp trong khu vực.

Trong sự kiện này, Seoul kêu gọi các tổ chức khu vực nêu cao sáng kiến cho một giải pháp hòa bình đối với cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Từ đó đến nay, ASEAN đã nhiều lần bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” với các vụ thử tên lửa đạn đạo, bên cạnh việc tương tác với các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm gây áp lực lên Bình Nhưỡng.

Philippines đã đình chỉ một phần thương mại song phương với quốc gia Đông Bắc Á hồi đầu năm nay.

Trong khi Thái Lan và Malaysia đang chịu áp lực của Mỹ phải đóng cửa một số công ty được coi là bình phong của Triều Tiên đang có mặt trên đất nước họ.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Heydarian, các nước Đông Nam Á sẽ vẫn chủ trương ưu tiên đối thoại thay vì lựa chọn cách tiếp cận khắc nghiệt như những gì mà các cường quốc lớn yêu cầu.

Về cơ bản, hiệp hội ASEAN vẫn là một tổ chức thể hiện lập trường trung lập, không đứng về phe nào trong xung đột.

Nguyên tắc chủ đạo của ASEAN là “không can thiệp” và "tôn trọng triệt để chủ quyền quốc gia” mỗi nước.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tổ chức các quốc gia lớn nhất trong khu vực.

Theo Tổng thống Philippines, ASEAN đã nỗ lực không chỉ để xây dựng sự đồng thuận về các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông mà còn đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Myanmar.

Khủng hoảng bán đảo Triều Tiên là cơ hội để ASEAN tham gia sâu rộng hơn với cộng đồng quốc tế trong vai trò trung gian, xử lý các vấn đề toàn cầu.

Tác giả: Quốc Vinh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP