![]() |
Cầu treo này là lối đi duy nhất nối thôn Kim Tiến với các trục giao thông chính về trung tâm hành chính xã, nhưng đã hết hạn sử dụng. |
“Nín thở” qua sông mỗi ngày
Tại thôn Kim Tiến (xã Đồng Lê), cây cầu treo bắc qua sông Gianh là tuyến huyết mạch giao thông kết nối người dân với quốc lộ 15 về trung tâm xã. Cây cầu được xây dựng từ năm 2001, sửa chữa vào năm 2014, nhưng đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng; nhiều tấm ván mục nát, dây cáp gỉ sét, trụ giằng chống rung lắc có dấu hiệu xiêu vẹo. Mỗi lần qua cầu, người dân không khỏi thấp thỏm, lo sợ.
Ông Hoàng Minh Phương (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Kim Hóa cũ) cho biết: “Cả thôn chỉ có một lối ra, gần 200 học sinh mỗi ngày 4 lượt phải qua cầu để đến trường, nguy hiểm vô cùng. Phụ huynh phải thay nhau đưa đón, nhưng cũng chỉ biết cầu mong mọi chuyện bình an”.
Không chỉ ảnh hưởng đến học sinh, cây cầu còn là rào cản trong phát triển kinh tế vì là lối ra duy nhất nối các trục đường chính, nên mỗi khi thu hoạch keo, tràm hay tổ chức ma chay, việc vận chuyển người và hàng hóa đều phải đi qua cầu. Hơn nữa, mặt cầu hẹp, tải trọng hạn chế nên quá trình vận chuyển gặp nhiều khó khăn, tốn kém chi phí và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là vào mùa mưa lũ.
![]() |
Trụ giằng chống rung lắc hở hàm ếch, nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện qua cầu. |
Cũng theo ông Phương, thôn Kim Tiến từng có gần 200 hộ, vùng trọng điểm trồng lúa và rừng kinh tế của xã Kim Hóa cũ. Tuy nhiên, giao thương cách trở đã khiến nhiều hộ phải bỏ làng vào Nam lập nghiệp nên hiện chỉ còn 150 hộ với hơn 500 nhân khẩu.
Ông Nguyễn Văn Lưu (70 tuổi), thôn Kim Tiến nói thêm rằng: “Sống ở đây nhiều năm, lo nhất là mùa mưa lũ, bà con sợ lắm nên người dân mong mỏi cấp trên quan tâm xây dựng một cây cầu vững chãi để bà con đi lại an toàn, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần”.
Cầu quá niên hạn, vẫn phải “gồng mình” kéo dài tuổi thọ
Cùng tình cảnh trên, cầu treo nối từ tiểu khu 3 sang tiểu khu Đồng Tân (xã Đồng Lê) được xây dựng từ năm 1997 đến nay cũng đã hết niên hạn sử dụng. Hiện mặt cầu hẹp, ván mục, rung lắc mạnh. Người dân vẫn buộc phải liều mình qua lại để học tập, làm ăn và giao dịch hàng ngày.
Ông Phan Xuân Chiến, Trưởng tiểu khu Đồng Tân cho hay: “Cầu được huyện Tuyên Hóa cũ đưa vào danh mục đầu tư công nhưng do thiếu vốn nên chưa thể triển khai. Dù rất sợ, nhưng người dân không có lựa chọn nào khác. Việc giao thương, cứu chữa bệnh nhân, thậm chí sơ tán lũ lụt đều phụ thuộc vào cây cầu này”.
Hiện tiểu khu Đồng Tân có khoảng 170 hộ dân với gần 700 nhân khẩu, là khu vực phát triển nhanh về dân cư sinh sống, rất cần hạ tầng giao thông ổn định để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cầu treo hiện tại đã hết hạn sử dụng, nên việc đi lại, vận chuyển vật tư xây dựng gặp nhiều khó khăn, làm tăng chi phí đầu tư xây dựng nhà cửa của người dân. Đáng lo hơn là vào mùa mưa lũ, cầu yếu, nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực.
![]() |
Nhiều tấm ván trên cầu đã gãy, bong tróc, gây khó khăn cho người dân khi đi lại. |
Nỗi ám ảnh cầu phao mỗi khi mùa mưa lũ về
Nguy hiểm hơn là cây cầu phao nối đôi bờ sông Gianh từ xã Thuận Hóa (cũ) về trung tâm xã Đồng Lê hiện tại. Vào mùa mưa lũ, khi mực nước sông Gianh dâng cao, cầu phao buộc phải tháo dỡ, toàn khu vực gần như bị chia cắt hoàn toàn. Việc cấp cứu người bệnh, sơ tán dân hay ứng phó thiên tai đều trở nên vô cùng khó khăn, thậm chí có lúc rơi vào thế bị cô lập.
Dù chỉ là giải pháp tạm thời, cầu phao vẫn đang là lối đi duy nhất của người dân vùng này. Trong bối cảnh thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, tình trạng phụ thuộc vào cầu tạm càng trở nên nguy hiểm và không thể kéo dài.
Địa phương mong mỏi có cầu cứng thay thế
Ông Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Đồng Lê cho biết: Các cầu treo trên địa bàn được xây dựng từ lâu, hiện đã hết hạn sử dụng và không còn bảo đảm an toàn cho người dân và phương tiện lưu thông qua cầu. Tại các thôn thuộc xã Thuận Hóa (cũ), hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng chia cắt trong mùa lũ do cầu phao không thể hoạt động. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng một cây cầu kiên cố nối các thôn của xã Thuận Hóa (cũ) với trung tâm xã Đồng Lê mới là yêu cầu hết sức cấp bách nhưng vì nguồn lực địa phương có hạn, không thể bố trí nguồn vốn để xây dựng.
“Địa phương tha thiết đề nghị các cấp, các ngành quan tâm khảo sát thực tế, sớm đầu tư xây dựng cầu cứng thay thế các cầu treo, cầu phao bắc qua sông Gianh, nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt cho người dân, nhất là trong mùa mưa bão đang cận kề’, ông Dũng mong muốn.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: baophapluat.vn