Giáo dục

Trường học ở TP HCM vướng hàng loạt chuẩn cơ sở vật chất

Trước những vướng mắc, bất cập trong quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học, TP HCM kiến nghị được giao quyền chủ động khi xem xét, giải quyết các trường hợp cụ thể.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM vừa có báo cáo gửi Bộ GD-ĐT về tình thực hiện Thông tư 13/2020 của bộ liên quan tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết tính đến năm học 2023-2024, toàn TP có 2.737 cơ sở GD-ĐT. Trong đó, công lập là 1.481 đơn vị, ngoài công lập 1.256 đơn vị. Đồng thời, có 50.585 lớp từ mầm non đến trung học. TP hiện có 2.118.395 học sinh, học viên.

Trên địa bàn có 35 trường có vốn đầu tư nước ngoài, gồm 19 trường phổ thông có nhiều cấp học, 2 trường tiểu học và 14 trường mầm non.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, các tiêu chuẩn được quy định tại Thông tư 13/2020 khá rõ ràng, chi tiết. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn thì gặp không ít khó khăn, bất cập, đặc biệt là trong thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các công trình trường học. Bởi lẽ, TP HCM có đặc thù là khu đô thị trung tâm, quỹ đất giáo dục một số khu vực hạn hẹp.

TP HCM kiến nghị được giao quyền chủ động khi giải quyết các trường hợp cụ thể phù hợp đặc thù

Cụ thể, thông tư quy định trường mầm non có quy mô tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 20 nhóm, lớp. Nhưng thực tế, một số trường mầm non có hiện trạng cơ sở vật chất là nhà phố, công trình xây dựng sẵn có, mặt bằng thuê mướn... Nhiều điểm nhỏ hẹp nên không đủ số phòng để bố trí thành 9 nhóm, lớp.

Nhiều trường được thành lập trước khi ban hành Thông tư 13/2020 hoặc thay đổi quy mô do không tuyển sinh được... nên khó bảo đảm số nhóm, lớp theo quy định. Từ đó, gặp khó khăn khi đánh giá công tác kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia.

Có trường xây mới trên khu đất rộng, có thể bố trí được nhiều hơn số nhóm, lớp để phục vụ nhu cầu của địa bàn có dân cư đông nhưng lại không được vượt quá quy mô tối đa.

Bên cạnh đó, Thông tư 13/2020 quy định các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em cao không quá 3 tầng (đối với mầm non). Hạng mục công trình phục vụ trực tiếp dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục cao không quá 3 tầng (đối với tiểu học) và 4 tầng (đối với THCS và THPT). Trong khi đó, tại TP HCM, việc xây thêm tầng nhằm đáp ứng nhu cầu về khối phòng học, sân chơi, phụ trợ là rất cần thiết.

Ngoài ra, TP HCM đang ở giai đoạn giữa kỳ đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Nhiều dự án nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới trường học bị đình trệ, cần tháo gỡ. Nếu không, các địa phương buộc phải điều chỉnh vốn sang dự án khác, không đáp ứng nhu cầu nâng chất cơ sở giáo dục.

Vì vậy, Sở GD-ĐT TP HCM kiến nghị tháo gỡ các nội dung về quy mô nhóm, lớp; số tầng; diện tích đất bình quân tối thiểu/học sinh... Chẳng hạn, có thể quy định trường mầm non có quy mô tối thiểu 5 nhóm, lớp và tối đa 25 nhóm, lớp.

Sở cũng kiến nghị giữ nguyên quy mô số học sinh, thực hiện đầu tư nâng cao chất lượng, điều kiện cơ sở vật chất để đạt chuẩn theo quy định hiện hành đối với dự án có tính chất đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới...

Đồng thời, giao quyền chủ động cho TP HCM được xem xét, giải quyết trường hợp cụ thể để phù hợp với tính chất đặc thù khu đô thị trung tâm của TP HCM.

Tác giả: Đặng Trinh

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP