Thế giới

Trump gánh trách nhiệm làm rõ phi hạt nhân hoá khi gặp Kim Jong-un

Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là mục tiêu cấp bách mà Tổng thống Mỹ cần đạt được trong cuộc gặp lãnh đạo Triều Tiên sắp tới.

Người dân Seoul theo dõi tin tức về lãnh đạo Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ trên truyền hình. Ảnh: AP.

Sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tổ chức thành công cuộc họp lịch sử hôm 27/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh sự kiện, cho rằng "những điều tốt đẹp đang diễn ra".

"Ông Trump đã chúc mừng Hàn Quốc và Triều Tiên khi hai bên nhất trí sẽ sớm ký hiệp ước hoà bình, vì thế có thể ông sẽ cảm thấy áp lực trong việc có cuộc gặp tốt đẹp với ông Kim Jong-un và thúc đẩy tiến triển dựa trên thành tựu ngoại giao của Hàn Quốc", ông Eric Gomez, nhà phân tích tại Viện Cato, Mỹ, trao đổi với VnExpress.

Theo ông Gomez, trong khi cuộc họp giữa lãnh đạo Hàn - Triều hôm 27/4 tập trung nhiều hơn về việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa hai miền và tương đối "nhẹ" về chi tiết, thì với Mỹ, việc phi hạt nhân hoá của Triều Tiên là điều quan trọng hơn. Bình Nhưỡng cũng chưa công khai tuyên bố định nghĩa của họ về phi hạt nhân là như thế nào.

Ông Kim Jong-un ngày 21/4 tuyên bố sẽ dừng các cuộc thử tên lửa và hạt nhân trong cuộc họp với đảng cầm quyền, khẳng định nước này sẽ tập trung vào phát triển kinh tế. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng động thái này của ông Kim chưa hẳn đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ các chương trình vũ khí.

Tổng thống Mỹ ngày 27/4 nhấn mạnh Washington sẽ duy trì các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng, khẳng định Mỹ sẽ không lặp lại sai lầm của các chính quyền trước đây, áp lực tối đa sẽ tiếp tục cho đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa.

Ông Trump hôm qua cho biết cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên sẽ diễn ra trong 3-4 tuần tới. Chuyên gia Gomez cho rằng do ông Trump là người khó đoán nên không có gì bảo đảm cuộc họp sẽ diễn ra suôn sẻ. Hai vấn đề cấp bách chính sẽ là phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên và lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng.

"Nhiệm vụ quan trọng nhất của ông Trump và ông Kim là làm rõ hơn khái niệm phi hạt nhân hoá của Triều Tiên", ông Gomez nói.

Tỏ ra lạc quan hơn về động thái của lãnh đạo Kim Jong-un, bà Jenny Town, Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn, cho rằng cuộc họp với ông Moon cho thấy thông điệp nhất quán của ông Kim rằng phi hạt nhân hoá là điều khả thi. Vấn đề đó được hai bên nêu lên trong văn bản, hai nhà lãnh đạo đều ký.

Việc khái niệm phi hạt nhân hoá không được nêu rõ ràng trong tuyên bố chung Hàn - Triều cũng giúp không làm xuất hiện các chi tiết đe doạ làm đổ vỡ thảo luận sắp tới giữa Mỹ và Triều Tiên. Cuộc họp của lãnh đạo Hàn - Triều cũng giúp Mỹ trong việc tính toán con đường thực tế và thực chất để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hoá và xem xét nghiêm túc hơn về điều Triều Tiên muốn có để đổi lại.

Theo bà Town, việc ông Kim tuyên bố dừng thử hạt nhân trước khi gặp ông Moon khiến Mỹ và các bên liên quan trông đợi và "giữ đà" thương lượng với Triều Tiên.

"Tuy nhiên điểm cốt lõi của chương trình hạt nhân thì Triều Tiên sẽ giữ lại lâu hơn, vừa đảm bảo không bị 'hớ', vừa để các bên dần xây dựng lòng tin", bà Town đánh giá.

Hàn - Triều còn nhiều khó khăn phía trước

Nhà phân tích Gomez rất hào hứng sau cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Triều Tiên hôm 27/4, nhận định nó suôn sẻ và không phải là điều đáng ngạc nhiên. Ông Moon từng là chánh văn phòng Tổng thống của cố Tổng thống Roh Moo-hyun, người từng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều năm 2007, và ông Moon hiểu rất rõ về mong muốn của mình trong tăng cường ngoại giao với Triều Tiên.

Mặc dù vậy, ông Gomez vẫn thận trọng về các kết quả đạt được giữa hai miền. Các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều từng diễn ra trước đây cũng đưa ra các tuyên bố tương tự về việc cùng hợp tác hướng tới hoà bình, nhưng chúng lại không được biến thành hành động thực tế.

"Tôi không nghĩ một nỗ lực hoà bình mới phải chịu kết cục thất bại tương tự, nhưng điều quan trọng là mọi người cần hiểu rằng vẫn có rất nhiều nỗ lực ngoại giao khó khăn phía trước của cả hai miền", ông Gomez cảnh báo.

Đồng tình với ý kiến này, bà Jenny Town cho rằng Hàn - Triều vẫn còn nhiều điều phải làm, nhưng thiện chí và sự nhiệt tình mà ông Kim và ông Moon thể hiện đã giúp xây dựng đà cho các thảo luận với ông Trump. Bà Town đánh giá ông Moon và ông Kim dường như rất hợp nhau, tuyên bố chung mà họ nhất trí cũng đưa ra nhiều cam kết mà ông Moon đã nêu lên trước cuộc gặp.

Tiến sĩ Nam Sung-wook, Đại học Hàn Quốc, nhận định không khí cuộc họp của lãnh đạo Hàn - Triều tuyệt vời khi cả hai đều cùng chung mong muốn hoà giải. Ông Nam đặc biệt ấn tượng về hình ảnh mà lãnh đạo Triều Tiên thể hiện trước 3000 phóng viên trong nước và quốc tế.

"Ông Kim toát lên thần thái của một người yêu chuộng hoà bình và là một lãnh đạo trẻ tao nhã ở Đông Á", ông Nam nói.

Tác giả: Khánh Lynh

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: phi hạt nhân hoá , Trump

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP