Thế giới

Triều Tiên: Em gái ông Kim Jong - un được vào bộ Chính trị

Việc ông Kim Jong-un đưa em gái Kim Yo-jong vào bộ Chính trị, cơ quan đầu não trong các vấn đề đường lối và chính sách của Triều Tiên được coi là động thái nhằm tiếp tục củng cố quyền lực.

Những thay đổi nhân sự quan trọng

Theo Reuters, tại hội nghị của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên hôm 7/10, một số thay đổi nhân sự trong đội ngũ lãnh đạo tại quốc gia bí ẩn đã được tiến hành.

Theo đó, Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un, được bầu làm ủy viên dự khuyết của bộ Chính trị, cơ quan đầu não trong các vấn đề đường lối và chính sách của Triều Tiên.

Việc bổ nhiệm cho thấy, bà Kim Yo-jong, 28 tuổi, đã được thế chỗ của người cô Kim Kyong-hui, từng là nhân vật quan trọng trong bộ máy chính quyền Triều Tiên khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il còn sống.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) cùng em gái Kim Yo-jong.

Bà Kim được cho là thân thiết với anh trai và từng đi học cùng ông ở Thụy Sĩ. Thae Yong-ho, cựu quan chức ngoại giao Triều Tiên tại Anh, người đào tẩu năm ngoái cho biết, bà Kim chịu trách nhiệm tổ chức tất cả sự kiện lớn ở Triều Tiên.

Michael Madden, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại trang web 38 North nhận định, việc ông Kim bổ nhiệm em gái được coi là động thái nhằm tiếp tục củng cố quyền lực.

Cũng trong đợt bổ nhiệm lần này, ông Kim Jong-sik và Ri Pyong-chol, hai trong số ba nhà khoa học đứng sau chương trình tên lửa của Triều Tiên, cũng được thăng chức.

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cũng được thăng tiến làm uỷ viên bộ Chính trị.

"Giờ có thể xác định một cách an toàn rằng, ông Ri là một trong những người ra quyết sách hàng đầu của Triều Tiên", chuyên gia Michael Madden phân tích.

"Kể cả khi ông có các cuộc họp không chính thức, hoặc cuộc họp không được ghi âm, ghi hình, những người đối thoại của ông Ri có thể yên tâm rằng đề xuất nào họ đưa ra cũng sẽ được chuyển trực tiếp đến tầng lớp lãnh đạo cấp cao", chuyên gia Michael Madden nhận định.

Vũ khí hạt nhân là công cụ “răn đe uy lực”

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố, vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng là "công cụ răn đe uy lực" giúp đảm bảo chủ quyền của nước này.

Tuyên bố này của ông Kim Jong-un được đưa ra vào hôm 7/10 và được truyền thông Triều Tiên dẫn lại vài giờ sau khi ông Trump khẳng định “chỉ một thứ” có thể giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Tuy ông Trump không nói rõ “có một thứ” là gì, nhưng ông đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ việc thương lượng với Triều Tiên và nhiều nhà quan sát cho rằng, rõ ràng ông đang nói về hành động quân sự.

Ông Kim Jong-un tuyên bố vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng là "công cụ răn đe uy lực".

Trong bài phát biểu tại hội nghị của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, một ngày trước khi Tổng thống Donald Trump khẳng định "chỉ một thứ" có thể đối phó với mối đe dọa từ Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un có nói về "tình hình quốc tế phức tạp".

Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là "công cụ răn đe uy lực giúp giữ vững hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên cũng như Đông Bắc Á", ông Kim Jong-un nhận định khi đề cập đến "mối đe dọa hạt nhân dai dẳng từ Mỹ".

Mới đây, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa qua không phận của Nhật, thử hạt nhân lần thứ 6 và khả năng nhanh chóng tiến tới mục tiêu phát triển tên lửa hạt nhân có thể tấn công đến đất liền của Mỹ.

Triều Tiên đang chuẩn bị thử tên lửa, một nghị sĩ Nga chia sẻ thông tin này sau chuyến thăm Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên nhận định tình hình hiện nay cho thấy chính sách "byungjin" của Bình Nhưỡng, tức phát triển song song vũ khí hạt nhân và kinh tế, là điều "hoàn toàn đúng đắn".

"Năm nay, nền kinh tế của đất nước đã phát triển dựa vào nội lực của bản thân, bất chấp các lệnh trừng phạt gia tăng", ông Kim Jong-un nhắc tới những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm buộc Bình Nhưỡng dừng chương trình hạt nhân và tên lửa.

Tác giả: Vũ Thu Hương

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP