Tin địa phương

Tiếp tục thực hiện lộ trình sáp nhập thôn, tổ dân phố

Tỉnh Quảng Bình đang tiếp tục sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố theo Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tiến hành sáp nhập, hợp nhất các thôn, tổ dân phố ở khu vực đồng bằng có quy mô dưới 100 hộ

Thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn; nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhưng lâu nay, nhiều nơi vẫn xem đó như một đơn vị hành chính, dẫn tới số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố ngày càng phình ra mà ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng được. Vì vậy, việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố là rất cần thiết và cần phải quyết tâm thực hiện.

Thực hiện chủ trương sáp nhập, hợp nhất thôn, tổ dân phố, từ năm 2015-2018, tỉnh Quảng Bình đã có 5/8 huyện, thị xã, thành phố với 91 thôn, tổ dân phố sáp nhập, hợp nhất, giảm 47 thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc sáp nhập thôn, tổ dân phố; công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chưa tích cực nên cử tri nhiều địa phương không đồng tình...

Để tiếp tục sắp xếp lại hệ thống thôn, tổ dân phố phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngày 30/7/2018, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công văn số 1245/UBND-NC về việc sáp nhập, hợp nhất thôn, tổ dân phố; chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách sau khi thôi nhiệm vụ do sáp nhập, hợp nhất thôn, tổ dân phố.

Cơ sở hạ tầng như đường giao thông, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, kiên cố tại hầu hết các xã, phường tại Quảng Bình.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan tham mưu sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động thôn, tổ dân phố theo hướng dẫn mới của Bộ Nội vụ; chính sách hỗ trợ đối với những người hoạt động không chuyên trách thôi đảm nhiệm chức danh sau khi sáp nhập, hợp nhất thôn, tổ dân phố; chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, thôn, tổ dân phố...

UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành sáp nhập, hợp nhất các thôn, tổ dân phố ở khu vực đồng bằng có quy mô dưới 100 hộ; xây dựng kế hoạch sáp nhập, hợp nhất đối với các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 50% theo tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ và các thôn, tổ dân phố đã được chia tách từ năm 2003 đến nay theo lộ trình thực hiện từ năm 2018 và cơ bản hoàn thành trong năm 2021. Ngoài ra, các địa phương chỉ đạo các xã, phường, thị trấn triển khai xây dựng đề án sáp nhập, hợp nhất thôn, tổ dân phố theo đúng tiến độ và quy định của UBND tỉnh.

Tác giả: Nhất Linh

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP