Nhân ái

Thương bé 7 tháng tuổi khát sữa khi mẹ thoi thóp trên giường bệnh chờ chết

Hơn 7 tháng kể từ ngày con thơ chào đời cũng là quãng thời gian người mẹ rơi vào nguy nan bởi những biến chứng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Trong cảnh nghèo khốn, chị đang cố gắng giành giật từng hơi thở với thần chết để con nhỏ không phải chịu kiếp mồ côi.

Hạnh phúc đơn sơ

Trên giường khoa Nội thận, Bệnh viện Chợ Rẫy người phụ nữ trẻ chân tay teo tóp, gương mặt nhợt nhạt, phù nề. Chị đang thoi thóp theo từng nhịp của chiếc máy hỗ trợ hô hấp qua ống nội khí quản. Nghe tiếng gọi của chồng, đôi mắt thâm quầng của chị mệt mỏi mở ra, hai hàng nước chảy dài trong vô thức. Người bệnh đang bên lằn ranh sinh tử ấy là chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (30 tuổi, ngụ tại Bình Định).

Anh Nhớ, đau đớn cầm tay vợ trong sự bất lực

Nắm lấy bàn tay của vợ, anh Bùi Văn Nhớ nghẹn ngào: “Em ơi, cố gắng lên đừng bỏ anh và con…” Qua tâm sự của anh Nhớ, cuộc sống nhiều đau khổ của người mẹ trẻ khiến người nghe quặn lòng. “Em làm nghề phụ hồ, gần 4 năm trước ở quê (Bình Định - PV) ít việc nên nhóm thợ vào Nha Trang đi làm. Thời gian xây dựng căn nhà cho gia chủ, em để ý bên hàng xóm có người con gái dáng người mảnh mai nhưng gương mặt dễ thương, rất chăm chỉ với những công việc của gia đình nên tìm cách tiếp cận”.

Đôi chân teo tóp phải mở nhiều đường truyền nước, truyền dịch

Chàng trai lam lũ, nghèo khó sớm tìm được sự đồng điệu với cô gái thật thà nhiều bất hạnh. “Khi quen nhau vợ em chẳng giấu giếm gì cả, Ngọc cho em biết từ khi 12 tuổi, đã phải điều trị bệnh thận hư. Ngày ấy, Ngọc nói “em không muốn làm khổ anh vì biết em không khỏe mạnh, có thể trở thành gánh nặng của anh và gia đình” nhưng sự thật thà ấy càng khiến em trân trọng và yêu Ngọc nhiều hơn”.

Bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng sự nghèo khó đang ngăn cản sự sống của người bệnh

Gần 1 năm kể từ ngày quen biết, anh Nhớ nhiều lần di chuyển theo công trình qua địa bàn tỉnh khác nhưng tình yêu của họ ngày càng thắm thiết. Năm 2014, họ đã nên vợ thành chồng sau lễ cưới đơn sơ, chị Ngọc rời Nha Trang về Bình Định làm dâu. Gia đình chồng thuộc diện hộ nghèo ở địa phương, tài sản duy nhất bên nội để lại cho vợ chồng trẻ là 2 sào đất rừng trồng cây keo. “Vợ em vốn ốm yếu không làm được việc nặng nên ở nhà lo nội trợ, thu nhập từ phụ hồ và làm mướn của em cũng chỉ đủ để sống qua ngày. Dù vất vả, nghèo khó nhưng chúng em trân trọng, mãn nguyện với hạnh phúc có được”.

Bệnh tật vùi dập người mẹ, con thơ khát sữa

Tình trạng bệnh và sức khỏe không cho phép nên bác sĩ nói vợ chồng chị Ngọc khó có con. Gần 3 năm sau ngày cưới, bản năng của người phụ nữ với thiên chức làm mẹ khiến chị Ngọc khao khát có đứa con thơ làm bầu bạn. Hơn 1 năm trước, họ vỡ òa khi chị Ngọc có những biểu hiện thai nghén và được bác sĩ thăm khám, xác nhận tin vui.

Sau khi sinh con, người mẹ đã nhiều lần chết đi sống lại vì bạo bệnh

Nhưng cùng với niềm vui là sự lo lắng phập phồng: “Để con không bị ảnh hưởng thuốc điều trị bệnh thận, vợ em đã ngưng sử dụng thuốc. Em cố gắng làm việc kiếm thêm thu nhập, đưa vợ đi khám thai và theo dõi. Nhưng đến tháng thứ 7 của thai kỳ, nỗi lo của vợ chồng em trở thành sự thật. Vợ em bị phù toàn thân, sức yếu nên phải chuyển đến Bệnh viện Quy Nhơn, bác sĩ đề nghị chấm dứt thai kỳ để tránh nguy hiểm cho mẹ nhưng vợ em không đồng ý. Sau hơn 1 tháng được bác sĩ nỗ lực điều trị, vợ em xuất viện”.

Nhưng về nhà được ít hôm, tình trạng phù nề ở chị Ngọc tái phát nặng buộc phải nhập viện trở lại, nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn con. Các bác sĩ đã thực hiện cuộc mổ khẩn cứu sống bé trai nặng 2kg, người mẹ phải nằm hồi sức tích cực. Sau 10 ngày được chăm sóc, khi các chỉ số sinh hiệu dần ổn định, sản phụ được chuyển vào TPHCM.

Không còn người cho vay mượn, anh Nhớ đau đớn nhìn vợ chết mòn trên giường bệnh

Trao đổi với phóng viên, BS Nguyễn Ngọc Lan Anh, khoa Nội thận, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay: “Bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm thận trên nền bệnh lupus ban đỏ hệ thống, suy thận tiến triển nhanh, có bệnh vi mạch huyết khối, tán huyết miễn dịch. Từ cuối năm 2017 đến nay, bệnh nhân đã ra vào bệnh viện 4 lần. Đợt bệnh này, bệnh nhân xuất hiện viêm phổi nặng, suy hô hấp, suy tim phải thở máy”.

Nỗ lực của bác sĩ trong điều trị nội khoa tích cực kết hợp kháng sinh, chạy thận, thở máy, truyền máu… bước đầu giúp bệnh nhân qua được tình trạng suy tim, viêm phổi có cải thiện. Khi việc điều trị cho người mẹ trẻ diễn tiến khả quan thì cảnh khốn khó của gia đình đang trở thành bức tường vô hình ngăn cản chị tìm về với sự sống. Dù bệnh nhân có bảo hiểm y tế song quá trình điều trị tích cực có nhiều khoản nằm ngoài danh mục, gia đình phải tự chi trả. Nếu diễn tiến khả quan, bác sĩ dự kiến chị Ngọc cần điều trị tích cực thêm 3 tuần nữa, chi phí trung bình mỗi ngày tốn khoảng 3 triệu đồng.

Đứa con thơ khát sữa, thiếu tình mẫu tử là động lực để người mẹ bấu víu sự sống

Con mới sinh, vợ phải nằm viện điều trị liên tục, anh Nhớ không đi làm được nên không có bất kỳ khoản thu nhập nào. “Vợ em sinh con xong thì hôn mê nên không cho con bú được. Ngày bé mới chào đời, em mang bình sữa đi xin của những người vừa sinh con cùng ở bệnh viện nhưng không thể xin được sữa khi đưa con về nhà. Từ đó đến nay, con em chưa một lần được bú mẹ, bé uống sữa ngoài song em và gia đình không có tiền mua nên ai thương cho sữa gì dùng sữa đó, nếu thiếu thì ăn nước cơm, nước cháo qua bữa”.

Người chồng đau đớn gạt nước mắt: “Em và gia đình đã vay hơn 100 triệu, đến giờ không còn ai cho vay nữa. Vợ em mỗi lần tỉnh lại đều ôm hình con, khóc và năn nỉ xin bác sĩ cứu giúp. Em biết vợ đã nhiều lần chết đi sống lại, khao khát về với con là động lực giúp vợ em sống đến hôm nay. Nhưng giờ em chẳng còn đồng nào, làm sao em cứu được vợ đây?”

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Anh Bùi Văn Nhớ, khoa Nội thận, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM

Điện thoại: 0905373493

Hoặc: Thôn Thanh Tú, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định

Tác giả: Vân Sơn

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP