Tin địa phương

Thực hiện hiệu quả kết luận của chủ tọa kỳ họp

Tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII, chủ tọa kỳ họp đã kết luận, yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt các vấn thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT); y tế; đấu nối các dự án vào tuyến đường BOT (đường tránh Quốc lộ 1); tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc và bình ổn thị trường… Thực hiện kết luận của chủ tọa kỳ họp, UBND tỉnh đã chỉ đạo, phân công các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện với nhiều kết quả tích cực.

Về nhóm vấn đề về NN- PTNT, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, công tác chuẩn bị cho vụ đông-xuân được triển khai kịp thời, bảo đảm số lượng, chất lượng nguồn giống và vật tư nông nghiệp (VTNN). Các đơn vị đã cung ứng 1.900 tấn giống lúa, 35 tấn giống ngô, 150 tấn giống lạc. Hàng chục nghìn tấn phân bón các loại và thuốc bảo vệ thực được cung ứng, bảo đảm nhu cầu và giá cả ổn định.

Công tác thanh, kiểm tra, giám sát chất lượng VTNN; xử lý các cơ sở kinh doanh giống, VTNN không bảo đảm điều kiện, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc… được tăng cường. Việc kiểm tra, đánh giá, cân đối khả năng nguồn nước được chú trọng, công tác tưới tiêu bảo đảm, không xảy ra tình trạng thiếu nước hay ngập úng cục bộ, tạo tiền đề quan trọng mang lại kết quả khả quan trong vụ đông-xuân.

Về thực hiện dự án khôi phục khẩn cấp chống sạt lở bờ sông xã Đức Hóa (Tuyên Hóa), đây là dự án sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019, nguồn vốn này chỉ được phép giải ngân đến hết 31/12/2021. Đối với số vốn chưa giải ngân sau thời điểm 31/12/2021, Trung ương đã thu hồi theo quy định. Ngoài dự án trên thì còn một số dự án tương tự, quá thời hạn giải ngân theo quy định và Trung ương đã thu hồi vốn.

Để giải quyết vướng mắc trên, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các chủ đầu tư rà soát, tổng hợp các dự án tương tự như dự án trên để đề xuất phương án xử lý chung cho tất cả các dự án không giải ngân đúng hạn, bị thu hồi về ngân sách Trung ương và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về triển khai Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (GPT) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả GPT khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (Nghị định số 107), Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương, chủ rừng và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, nâng cao giá trị, chất lượng của rừng, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) một cách bền vững.

Sở NN-PTNT cũng đã ban hành các văn bản nhằm tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng; ngăn chặn mất rừng, suy thoái rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng. Nhiều giải pháp hiện đại được triển khai, như: Ứng dụng ảnh vệ tinh trong theo dõi, giám sát tài nguyên rừng...; theo dõi diễn biến rừng gắn với quản lý bảo vệ rừng tại gốc. Năm 2023, Quảng Bình có gần 549.572ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 68,7%, tăng 0,01% cùng kỳ, đứng thứ hai cả nước. Đây chính là tiềm năng và cơ hội khi tham gia vào thị trường carbon trong nước và quốc tế.

Cán bộ dân số tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với duy trì, bảo vệ rừng bền vững, Sở NN-PTNT tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các hoạt động trong thời gian tới để khai thác tiềm năng tạo tín chỉ carbon rừng và tham gia vào thị trường tín chỉ carbon rừng. Theo ước tính giai đoạn 2018-2025, với hơn 4,5 triệu tấn carbon rừng giảm phát thải so với giai đoạn 2005-2015, hiện Quảng Bình là 1 trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ tham gia triển khai thí điểm kết quả chuyển nhượng GPT và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả GPT khí nhà kính đối với toàn bộ diện tích rừng tự nhiên theo Nghị định số 107.

Thời gian tới, để khai thác hiệu quả tài nguyên rừng, tạo tín chỉ carbon và tham gia vào thị trường carbon rừng, nhằm mở rộng đối tượng rừng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm phát huy hơn nữa thế mạnh đối với rừng trồng. UBND tỉnh cũng đã kiến nghị với Bộ NN-PTNT để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 107; phê duyệt kế hoạch tài chính năm 2023 nguồn thu từ thỏa thuận chi trả GPT khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ.

Theo đó, năm 2023 đã thực hiện chi trả cho các đối tượng hưởng lợi số tiền 68 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch, số còn lại sẽ được đưa vào kế hoạch tài chính năm 2024 để tiếp tục chi trả. Bên cạnh đó, các hoạt động để chi trả GPT khí nhà kính theo Nghị định số 107 cũng được khẩn trương triển khai.

Đối với nhóm vấn đề về y tế, việc chi trả chế độ phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên dân số (CTVDS) đã được thực hiện đúng quy định, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ CTVDS. Ngày 24/4/2024, UBND tỉnh đã ban hành quyết định trích từ nguồn “Sự nghiệp y tế”, thuộc ngân sách tỉnh năm 2024 số tiền trên 1,335 tỷ đồng để Sở Y tế phân bổ cho các đơn vị chi trả bồi dưỡng CTVDS 5 tháng đầu năm 2022. Sở Y tế đã phân bổ kinh phí nêu trên cho các đối tượng thụ hưởng.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Y tế xây dựng nghị quyết quy định số lượng, mức bồi dưỡng đối với nhân viên y tế thôn, bản, tổ dân phố, hiện Sở Y tế đang xây dựng nghị quyết để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh.

Về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức (CC,VC) công tác tại các cơ sở y tế công lập, căn cứ các thông tư, nghị định liên quan, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định cấp kinh phí phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ công tác tại các cơ sở y tế công lập. Đối với các đơn vị chưa bảo đảm chi thường xuyên, cơ bản đã thực hiện việc cân đối kinh phí chi trả, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, Sở Y tế đã báo cáo nhu cầu và đề nghị ngân sách hỗ trợ để thực hiện phụ cấp ưu đãi nghề tăng thêm cho Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình và Bệnh viện đa khoa TP. Đồng Hới.

Về vướng mắc trong việc đấu nối của các dự án vào tuyến đường BOT (đường tránh Quốc lộ 1), hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số tuyến đường giao thông đã được đầu tư cơ bản hoàn thành, nhưng chưa được chấp thuận đấu nối vào tuyến đường BOT. Trong đó, nhiều dự án là các trục đường giao thông huyết mạch, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Nguyên nhân là do chưa có ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và nhà đầu tư BOT theo các quy định.

Đây là một trong những “nút thắt”, ảnh hưởng rất lớn phát triển KT-XH của tỉnh. UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo Sở GTVT làm việc với các cơ quan có liên quan để đề xuất giải pháp tháo gỡ. Kết quả, đối với các điểm đấu nối không kết nối trực tiếp vào dự án BOT, không liên quan đến nội dung đã ký kết trong hợp đồng dự án BOT (điểm đấu nối cầu Nhật Lệ 3) đã được Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam giải quyết. Đối với điểm đấu nối trục đường từ Cam Liên đến Ngư Thủy Bắc (Quốc lộ 9C) với đường BOT đã được Khu Quản lý đường bộ II cấp phép thi công.

Về các điểm đấu nối trực tiếp vào dự án BOT, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT báo cáo Thường trực Chính phủ về đề án xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông. Đề án đã đánh giá các vấn đề liên quan, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Bộ GTVT cũng đã kiến nghị và đề nghị Thường trực Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị xem xét, chỉ đạo.

Về tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc và việc bình ổn thị trường, Sở Công thương phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hiệu quả các vụ buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng thị trường biến động để tăng giá bất hợp pháp, đặc biệt đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Các đơn vị, địa phương liên quan cũng đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các hoạt động được triển khai đồng bộ trên các tuyến, tập trung những địa bàn trọng điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm ổn định thị trường và quyền lợi của nhân dân.

Trong tháng cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 160 vụ vi phạm, xử lý hành chính 134 vụ vi phạm, xử lý hình sự 12 vụ với tổng số tiền phạt, truy thu thuế, bán hàng tịch thu, trị giá tang vật, phương tiện trên 7 tỷ đồng. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương tăng cường phối hợp, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại để ổn định thị trường và kênh phân phối, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường.

Tác giả: Ngọc Mai

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP