Kinh tế

'Sức khỏe' ngành sản xuất Việt Nam tốt nhất trong 7 năm, dẫn đầu ASEAN

Chỉ số PMI của nền kinh tế sản xuất Việt Nam tăng mạnh trong tháng 11, đạt mức cao kỷ lục kể từ tháng 3/2011, đồng thời đứng đầu các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Theo bảng xếp hạng chỉ số Nhà quản trị mua hàng - PMI vừa được Nikkei và IHS Markit công bố sáng 3/12, chỉ số PMI của Việt Nam đã tăng mạnh lên 56,5 điểm trong tháng 11 so với 53,9 điểm vào tháng trước. Đây cũng là mức cao kỷ lục đối với ngành sản xuất Việt Nam trong 7 năm qua kể từ tháng 3/2011.

Chỉ số PMI tháng 11 của Việt Nam cũng dẫn đầu các nước Đông Nam Á. Trong khi nền sản xuất của Việt Nam có nhiều dấu hiệu lạc quan, tình hình chung của khu vực ASEAN được IHS Markit đánh giá chỉ tăng trưởng một cách khiêm tốn.

Ngoài Việt Nam, những nước có chỉ số PMI tăng trong tháng 11 là Philippines, Myanmar và Indonesia. Ngược lại, ngành sản xuất của Thái Lan, Malaysia, và Singapore đều chứng kiến sự sụt giảm chỉ số PMI.

Chỉ số PMI là một trong những thước đo quan trọng đối với “sức khỏe” của nền kinh tế sản xuất mỗi quốc gia và được đánh giá từ 5 tiêu chí gồm số lượng đơn đặt hàng mới, sản lượng, việc làm, thời gian giao hàng của nhà cung cấp và tồn kho các mặt hàng mua.

Theo IHS Markit, số lượng đơn đặt hàng mới của ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 11 tăng mạnh và kéo theo sự lạc quan của các doanh nghiệp dù năng lực sản xuất đang chịu những áp lực vì sự tăng trưởng lượng công việc tồn đọng. Để đáp ứng khối lượng công việc lớn hơn, các công ty sản xuất nhanh chóng tuyển thêm nhân viên, giúp tốc độ tạo việc làm mới đạt mức kỷ lục trong lịch sử.

Bên cạnh đó, số lượng đơn hàng mới tăng nhanh cũng khiến nhiều doanh nghiệp tăng lượng hàng tồn kho đáng kể đối với cả hàng hóa đầu vào và hàng thành phẩm. Động thái này đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất chuẩn bị cho khả năng tăng trưởng doanh thu trong các tháng tiếp theo.

“Nền kinh tế sản xuất Việt Nam tiếp tục thách thức những dấu hiệu gần đây về tốc độ tăng trưởng nhu cầu chậm lại của nhiều nơi trên thế giới trong tháng 11”, ông Andrew Harker, Phó Giám đốc IHS Markit, nhận định.

Tuy nhiên, IHS Markit cũng chỉ ra một điểm đáng lưu ý với ngành sản xuất Việt Nam khi giá nguyên vật liệu làm chi phí đầu vào tiếp tục tăng trong tháng 11 với mức cao nhất trong 3 tháng trở lại đây. Gánh nặng chi phí buộc các nhà sản xuất phải tăng giá bán hàng lần đầu tiên kể từ tháng 9.

Tác giả: Việt Đức

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: ngành sản xuất , asean , Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP