Giáo dục

Sinh viên chỉ ra thực trạng buồn về học tiếng Anh

Trâm Anh khẳng định nhiều cử nhân có trình độ ngoại ngữ thấp một phần do sức ỳ nặng và tư tưởng "đứng núi này trông núi nọ".

Trong tham luận trình bày trước Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam hôm 11/12, Nguyễn Trâm Anh, sinh viên năm hai ngành Giáo dục tiểu học của Đại học Vinh (Nghệ An), khẳng định ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công cho bất kỳ ai. Thế nhưng, năng lực ngoại ngữ của sinh viên hiện nay quá thấp.

Nữ sinh Đại học Vinh dẫn số liệu khảo sát từng được công bố, điểm bình quân sinh viên năm nhất dao động 220-245/900 điểm TOEIC. Với mức này, sinh viên cần khoảng 480 tiết để đạt được 450-500 điểm, mức mà rất nhiều doanh nghiệp coi là tối thiểu để chấp nhận hồ sơ xin việc.

Còn theo khảo sát của câu lạc bộ tiếng Anh thuộc Đại học Vinh, chỉ 48,3% sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu về tiếng Anh. "Vậy 51,7% còn lại không đạt yêu cầu làm sao có thể đạt hiệu quả trong công việc mà xã hội cần", Trâm Anh đặt câu hỏi.

Một thực trạng khác cũng phổ biến ở tất cả đại học, cao đẳng là trình độ, năng lực tiếng Anh của sinh viên không đồng đều, có sự khác biệt khá lớn.

Nguyễn Trâm Anh trình bày tham luận tại đại hội hôm 11/12. Ảnh: Trung ương Đoàn

Nhiều lý do khiến sinh viên không thể nâng cao trình độ tiếng Anh

Được học tiếng Anh từ bậc tiểu học cho tới khi lên đại học, chưa kể việc học thêm ở các trung tâm Anh ngữ, nhưng nhiều sinh viên khi xin việc không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng, khả năng giao tiếp tiếng Anh. Nữ sinh Đại học Vinh đưa ra bốn lý do cho thực trạng trên.

Thứ nhất, chương trình học ngoại ngữ quá nặng về ngữ pháp và văn phạm, trong khi việc luyện phản xạ và giao tiếp không được chú trọng. Sinh viên Việt Nam nắm chắc ngữ pháp tiếng Anh nhưng lại không thể biến chúng thành công cụ để giao tiếp được. "Ngữ pháp chỉ là nền tảng để luyện những kỹ năng khác như nghe, nói, đọc, viết giống như học đi đôi với hành", Trâm Anh nhận định.

Thứ hai, sự không đồng đều về năng lực sử dụng tiếng Anh giữa các sinh viên trong cùng lớp dẫn đến tình trạng sinh viên ở trình độ sơ cấp theo không kịp, còn ở trình độ cao hơn lại cảm thấy nhàm chán. Điều này gây khó khăn cho cả giảng viên và sinh viên trong quá trình dạy và học.

Thứ ba, sinh viên thiếu tự tin và không vượt qua được sức ỳ của bản thân. Theo Trâm Anh, đây chính là "hòn đá tảng" trong nhận thức của mỗi sinh viên. Nhiều bạn ngại nói vì sợ sai, sợ bị chê cười, dần dần trở nên khép mình trong các giờ học tiếng Anh. Nhiều bạn còn chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ.

Một số khác lại có tư tưởng "đứng núi này trông núi nọ", cảm thấy bản thân yếu môn tiếng Anh nên chuyển sang học ngôn ngữ khác "dễ hơn" mà không nhận thức được rằng không ngôn ngữ nào dễ học khi bản thân không chăm chỉ và không có phương pháp học phù hợp.

Cuối cùng, Trâm Anh cho rằng môi trường học tập cũng là nhân tố ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp tiếng Anh. Hiện sinh viên chỉ sử dụng tiếng Anh trong giờ học bắt buộc, còn hầu như bị bỏ quên trong các hoạt động khác. Trong khi việc học ngoại ngữ chỉ cần một thời gian không sử dụng là có thể bị quên.

Cần có sự thay đổi từ cả nhà trường, giảng viên và sinh viên

Thấu hiểu được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, Trâm Anh cho rằng sinh viên phải có ý thức tự nâng cao năng lực của bản thân, từ đó xây dựng động cơ, phương pháp học tập thích hợp.

Nhà trường cần nghiên cứu xem việc dạy và học ngoại ngữ là môn học chính, tăng số lượng tín chỉ; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, giao lưu giữa sinh viên trong, ngoài trường và với sinh viên quốc tế nếu có điều kiện. Giảng viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo cho sinh viên động lực học tập.

"Dạy và học với mục đích phục vụ cho công việc thực tế chứ không phải chỉ để thi cử và điểm số", Trâm Anh nhấn mạnh.

Nữ sinh này cũng cho rằng nhà trường cùng tổ chức Đoàn, hội các cấp cần tạo môi trường giao tiếp thường xuyên cho sinh viên, tránh để xảy ra việc kiến thức chỉ nằm lại trên bài thi, không sử dụng thực tế, như: tổ chức nhiều chương trình, nhiều cuộc thi liên quan đến ngoại ngữ, thành lập câu lạc bộ tiếng Anh...

Là sinh viên ngành Giáo dục tiểu học, Trâm Anh vẫn dành ba buổi một tuần tham gia lớp học ở câu lạc bộ của trường và dành thời gian tự học tiếng Anh. Em cho biết đang chú trọng phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, trau dồi khả năng đọc, viết văn bản tiếng Anh để bổ trợ cho ngành học và công việc trong tương lai.

Không có tiếng nước ngoài nào là ngôn ngữ thứ hai, thứ ba

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Hương Giang (Hải Phòng) về ý kiến công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Hiến pháp năm 2013 quy định ngôn ngữ chính của Việt Nam là tiếng Việt và các dân tộc ít người có quyền dùng ngôn ngữ của mình. Do vậy ngôn ngữ chính thức của Việt Nam là tiếng Việt, không có tiếng nước ngoài nào là ngôn ngữ thứ hai, thứ ba.

Phó thủ tướng cho rằng việc biết ngoại ngữ là rất quan trọng cho học tập và công việc, đặc biệt trong thời đại cách mạng 4.0. Tùy vào điều kiện, niềm đam mê, mỗi bạn trẻ có thể lựa chọn ngoại ngữ khác nhau chứ không chỉ là tiếng Anh.

Tác giả: Dương Tâm

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP