Tin địa phương

Sau sáp nhập, tỉnh này sở hữu 2 cảng biển, 2 sân bay, 3 cửa khẩu: Siêu cảng 14.000 tỷ đón tàu 100.000 tấn

Tỉnh mới này nằm ở Bắc Trung Bộ nước ta.

Những ngày giữa tháng 4/2025, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Quảng Trị sẽ hợp nhất với Quảng Bình, lấy tên gọi mới là tỉnh Quảng Trị, với trung tâm hành chính đặt tại thành phố Đồng Hới.

Sau khi sáp nhập, tỉnh Quảng Trị mới sẽ sở hữu mạng lưới giao thông hiện đại và đồng bộ. Hệ thống đường bộ bao gồm quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cùng với các tuyến quốc lộ quan trọng khác như quốc lộ 9, 12 và 15, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và xã hội.

Nhờ những điều kiện giao thông thuận lợi, khu vực Quảng Bình - Quảng Trị sở hữu tiềm năng trở thành trung tâm logistics và giao thương liên vùng cũng như quốc tế.

Không những thế, đến cuối năm 2026, tỉnh Quảng Trị mới còn sở hữu đầy đủ hệ thống cửa khẩu, cảng biển và sân bay hiện đại, bao gồm:

2 cảng biển lớn

Tỉnh Quảng Trị mới sẽ có 2 cảng biển lớn là Hòn La (thuộc Quảng Bình) và Mỹ Thủy (thuộc Quảng Trị).

Bến cảng tổng hợp quốc tế Hòn La - diện tích gần 40 ha, tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ - hiện đang được nâng cấp với kế hoạch xây dựng thêm 4 bến mới, nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm vào quý I/2026 và 6 triệu tấn/năm vào quý IV/2027.

Cảng Hòn La còn được quy hoạch hiện đại và đồng bộ, bao gồm các khu kho bãi, khu hậu cần và các công trình kỹ thuật tiên tiến. Với vị trí nằm trong vịnh Hòn La kín gió, được bảo vệ bởi đảo Hòn Cỏ và đảo Hòn La, cảng có độ sâu tự nhiên lý tưởng, đáp ứng tốt cho việc đón nhận tàu trọng tải lớn.

Cảng nước sâu Mỹ Thủy tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, đã bắt đầu được khởi công vào năm 2024 và dự kiến sẽ đưa vào vận hành giai đoạn 1 vào cuối năm 2025. Cảng Mỹ Thủy rộng tổng cộng 685 ha, gồm 10 bến, với tổng vốn hơn 14.230 tỷ đồng. Cảng này có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 100.000 tấn, mở ra cơ hội lớn cho vận tải hàng hải.

Ảnh minh họa do AI tạo.

Giai đoạn 3 của cảng dự kiến hoàn thành năm 2036. Tỉnh định hướng đến năm 2050, cảng nước sâu Mỹ Thủy sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và thế giới.

Điều đặc biệt của cảng Mỹ Thủy là cảng được xây dựng với mục tiêu "xanh hóa", áp dụng công nghệ hiện đại để giảm thiểu tác động môi trường, như hệ thống quản lý chất thải và giám sát ô nhiễm từ tàu thuyền.

Ngoài ra, cảng Mỹ Thủy tạo cơ hội việc làm cho hàng vạn lao động trực tiếp và gián tiếp trong các lĩnh vực như xây dựng, vận tải, logistics, và dịch vụ liên quan, góp phần cải thiện đời sống người dân địa phương.

Các cảng biển như Mỹ Thủy, Hòn La đều nằm gần tuyến đường biển quốc tế và liên kết trực tiếp với hệ thống cửa khẩu dọc theo hành lang kinh tế Đông - Tây. Đây là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy hoạt động giao thương hàng hóa giữa các quốc gia như Lào, Thái Lan, Myanmar và các vùng kinh tế lân cận.

2 sân bay

Trong tương lai, tỉnh Quảng Trị mới sẽ có 2 sân bay hiện đại. Sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) vừa được đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2 với tổng vốn hơn 1.750 tỷ đồng, nhằm tăng khả năng phục vụ lên 3 triệu lượt hành khách mỗi năm.

Phối cảnh Sân bay Đồng Hới. Nguồn: ACV

Cảng hàng không Quảng Trị khởi công vào năm 2024 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2026. Sân bay này đạt tiêu chuẩn 4C (cảng hàng không dân dụng kết hợp với hoạt động bay quân sự) và sân bay quân sự cấp II.

Cảng có thể khai thác máy bay Code E, với khả năng đáp ứng nhu cầu của 5 triệu hành khách và vận chuyển 25.500 tấn hàng hóa mỗi năm.

Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), máy bay Code E (mã E) để chỉ định máy bay có sải cánh từ 52 mét đến 65 mét. Ví dụ dòng máy bay Boeing 777 và 787, cũng như Airbus A330.

3 cửa khẩu quốc tế

Sau khi sáp nhập, tỉnh Quảng Trị mới sẽ sở hữu 3 cửa khẩu quốc tế quan trọng gồm: Cha Lo, La Lay và Lao Bảo.

Các cửa khẩu này đóng vai trò là trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ chiến lược, phục vụ khu vực Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông.

Việc tỉnh Quảng Trị mới sở hữu hệ thống giao thông, cảng biển, sân bay, cửa khẩu này sẽ mang lại những tiềm năng phát triển kinh tế và xã hội quan trọng, đồng thời tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho khu vực Bắc Trung Bộ nước ta.

Tác giả: Trang Ly

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP