Tin địa phương

Sau chuyến đò định mệnh 42 người chết: Hoa xương rồng đã nở

Vụ chìm đò bi thương đúng vào ngày 30 tết âm lịch năm 2009 làm 42 người chết ở Quảng Hải, Quảng Trạch, Quảng Bình đã tròn 10 năm.

Trên chuyến đò xuân rộn tiếng cười năm nào của trẻ em và những người mẹ sang bên kia sông sắm tết đã bị lật khi cách bờ vài chục mét… Có những bà mẹ mất đi để lại những đứa con vừa tròn tháng tuổi.

Để rồi, 10 năm qua nhiều người đàn ông nơi đây vẫn lặng lẽ “gà trống nuôi con”. Và những đứa trẻ mất mẹ khi miệng còn thơm mùi sữa nay đã lớn, hàng ngày đang rộn rã tiếng cười ở trường làng, sân bóng. Người làng Quảng Hải như những cây xương rồng vẫn luôn cứng cáp, vươn lên trên vùng chang chang cồn cát vượt qua bão lũ bủa vây.

Chuyện bi thương ở bến sông xưa

Sáng 30 tết năm 2009, tôi đang trên xe đò rời vùng cát Quảng Bình về quê ăn tết thì nhận được điện thoại từ tòa soạn: “Em đang ở đâu, về chỗ Quảng Hải, Quảng Trạch có vụ chìm đò làm hơn 40 người chết, thương tâm quá…”.

Xuống xe đò, tôi bắt xe ngược trở vào. Bên bờ sông Gianh đoạn qua Quảng Hải, không khí tang thương ôm trọn cả lòng sông. Người ta chỉ giao tiếp với nhau bằng nước mắt, tiếng khóc xé lòng, tết đến rồi nhưng chẳng ai còn buồn nhớ.

Hơn 7 giờ sáng, con đò vẫn thường đưa người làng Quảng Hải qua sông Gianh chật kín người. Vì đi chợ tết nên chủ yếu là phụ nữ và trẻ em theo mẹ. Hơn 80 người trên con đò nhỏ với tiếng cười, nói vang cả bến sông quê.

Nhưng khi con đò cách bờ khoảng vài chục mét thì tai nạn thương tâm xảy ra, đò bị lật, 42 người trên chuyến đò mãi mãi không còn được đón một cái tết nào nữa.

Cán bộ chiến sĩ nữ CSGT Quảng Bình thăm hỏi, tặng quà những phụ nữ khó khăn ở Quảng Hải trong ngày Phụ nữ Việt Nam.

Còn nhớ, cầm máy ảnh lên tác nghiệp, nhưng nước mắt nhiều đồng nghiệp của tôi ướt nhòa trước ống kính khi chứng kiến những cảnh: Thi thể người mẹ và đứa con gái 7 tuổi cứ nắm chặt lấy tay nhau. Những đồng tiền lẻ trôi nổi trên mặt sông của em bé nào đó mẹ cho để đi chợ mua quà tết. Những chiếc nón, bó rau, chiếc cặp sách, túi xách của người dân quê nổi lềnh bềnh trên bến sông đoạn đò chìm…

Chính quyền địa phương và người dân đã phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi để mua đủ số quan tài về chôn cất cho những người xấu số. Không ai muốn để các nạn nhân nằm trong nhà vắt qua năm mới. Quảng Hải không có tết, vùng cát Quảng Bình chìm buồn trong ngày tết. Câu chuyện bi thương đã tròn mười năm…

“Xương rồng” đã nở hoa

Khi cầm bút viết về những trường hợp gặp nghịch cảnh trong cuộc sống rồi vươn lên chiến thắng số phận, vượt qua khó khăn, tôi thường nghĩ đến những cây xương rồng mọc dọc dài theo triền cát ven biển miền Trung.

Nơi khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt, thiếu phù sa và nước ngọt nhưng những cây xương rồng vẫn mạnh mẽ vươn lên trong khô cằn hạn hán, hay lũ lụt triền miên.

Nhiều người ở Quảng Hải cũng như xương rồng vậy. Tôi về Quảng Hải cũng như đứa con của làng đi xa thỉnh thoảng mới về. Nói vậy là bởi vì 10 năm qua tôi đã hàng chục lần cùng đoàn thiện nguyện của Báo Công an nhân dân - Chuyên đề An ninh thế giới về Quảng Hải trao tặng quà cho bà con nơi đây sau mỗi lần bão lũ, hoặc tết nhất cận kề.

10 năm rồi, mỗi lần về làng tôi vẫn hỏi, vẫn tìm, động viên những đứa trẻ mất mẹ năm xưa và hạnh phúc khi thấy các em ngày một lớn lên trong vòng tay của người thân, của người làng.

Ông Cao Xuân Khâm và vợ là bà Cao Thị Lỡi đón chúng tôi bên câu chuyện xưa, chuyện nay có nước mắt, có mừng vui. Ở tuổi 84, ông Khâm đã đi gần trọn một kiếp người.

Chịu đựng, chứng kiến và vui buồn với câu chuyện của chính mình, của xóm làng, có điều kết thúc câu chuyện ông đều gửi gắm ở người nghe một sự lạc quan, tiến về phía trước chứ không dừng lại. Vợ chồng ông Khâm mất ba đứa con yêu trong vụ chìm đò 2009.

Sáng 30 tết, hai người con gái của ông là chị Hiền, chị Thủy rủ chị dâu Phạm Thị Mai sang sông đi sắm tết. Vợ chồng ông đang nấu bánh chưng thì nghe tiếng hét thất thanh của người làng về vụ chìm đò. Chị Hiền mất để lại cháu Trần Chí Kiên mới 13 tháng tuổi. Chị Thủy mất để lại 4 đứa con, đứa lớn còn đi học, đứa nhỏ còn bú mẹ. Chị Mai mất để lại cháu Cao Thị Bích Phượng mới tròn 10 tháng tuổi.

“Mất một lúc 3 đứa con, lúc đó tôi không có thời gian để mà khóc con nữa, còn hơn nửa ngày nữa là giao thừa qua năm mới. Tục lệ của làng xưa nay không ai để người chết trong nhà trước khi giao thừa đến. Cả buổi chiều tôi chạy lui chạy tới để lo ma chay cho ba đứa con. Đến một vài ngày sau nhìn các cháu khóc ngặt nghẽo đòi sữa mẹ tôi mới thấm được nỗi đau…”, ông Khâm nói vậy.

Ba đứa con mất đi để lại 6 đứa cháu mồ côi mẹ cho ông Khâm. Nhiều năm rồi vợ chồng ông Khâm vẫn nuôi cháu ngoại mồ côi Trần Chí Kiên. Cha mất khi mẹ cháu đang mang thai, sinh ra được 11 tháng tuổi thì mẹ lại chết trong vụ chìm đò, từ đó cháu Kiên trở thành trẻ mồ côi trong nhà ngoại.

Còn nhớ cách đây mấy năm mỗi lần thấy người lạ, Kiên cứ rúc đầu vào người bà ngoại rồi nhìn len lén thật thương lòng. Từ tình yêu thương của ông bà ngoại, giờ Kiên đã học lớp 6 trường làng. Mấy năm gần đây, ông bà nội của cháu xin đón cháu về nội, vợ chồng ông Khâm khóc vuốt đầu cháu rồi ông tự dặn lòng “lá rụng về cội” để cháu về Quảng Thuận với ông bà.

Ông Khâm chỉ cho chúng tôi căn nhà cửa im ỉm khóa gần bên, đó là nhà của người con gái ông mất trong vụ chìm đò. Chị Thủy mất để lại 4 đứa con, 3 năm sau thì chồng chị mất trong một vụ tai nạn giao thông. Bốn đứa con của chị lớn lên trong tình thương yêu của ông bà và người làng. Như những cây xương rồng, các em tựa lưng vào nhau khi bão tố tràn qua.

Từ mảnh ruộng, mảnh vườn của ba mạ để lại các em đã cày cuốc nuôi nấng nhau trưởng thành. Cậu bé út Cao Anh Hoàng mất mẹ khi miệng còn đói sữa nay đã học lớp 4… Hàng ngày, nhìn những đứa cháu lớn dần, đó là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất để vợ chồng ông Khâm vượt qua bao khó khăn chồng chất của một đời người…

Sau vụ chìm đò ở bến sông, Quảng Hải, nỗi đau bi thương đã làm gần 20 người đàn ông ở ngôi làng này bỗng dưng trở thành "gà trống nuôi con". Khi vợ mất, hàng ngày anh Lê Văn Thắm cùng rất nhiều người cha như anh Lâm, anh Chuẩn, anh Luận… ở Quảng Hải vẫn phải bồng những đứa con còn đỏ hỏn đi xin từng giọt sữa của người làng.

Từ ngày vợ mất, các anh vừa làm cha vừa làm mẹ để nuôi nấng các con ăn học. Anh Lâm từng kể với chúng tôi: "Có hôm khâu lại chiếc áo cho con chỗ bị sứt chỉ, tui loay hoay mãi, nhưng làm dần rồi cũng quen.

Mỗi lần làm việc gì đó trước đây vợ thường làm lại thấy thương đứt ruột". Đi chợ, nấu ăn, may vá… vốn dĩ là việc vợ thường làm, song ở Quảng Hải, đàn ông giờ còn phải gánh thêm thiên chức làm mẹ, vì vậy họ tảo tần, thức khuya dậy sớm hàng ngày.

Đã mười năm trôi qua, người chết đã thiệt phận, người sống vẫn phải sống. Song phải mất gần cả chục năm người Quảng Hải mới quen với suy nghĩ đó. Bởi đơn giản nỗi đau ập đến ngôi làng này là quá lớn, quá bi thương. Người Quảng Hải vẫn nói với nhau về vụ chìm đò, để rồi yêu thương nhau hơn. Họ san sẻ cho nhau từng hơi ấm qua mỗi việc làm, qua lời động viên khích lệ.

Sau vụ chìm đò làm 42 người chết ở Quảng Hải, nhiều người đàn ông nơi đây đã “gà trống nuôi con” để các cháu trưởng thành.


Cuộc sống là để thứ tha

Dọc theo con đường làng tôi tìm vô nhà anh Nguyễn Xuân Quý, anh Quý cùng anh trai Nguyễn Minh Mậu là 2 người lái chiếc đò bị lật làm 42 người chết năm nào.

Còn nhớ phiên tòa xét xử Quý và Mậu chật cứng người làng Quảng Hải. Họ đến phiên tòa không phải là để kể tội, để đòi bù đắp vật chất cho những người thân của họ đã mất sau vụ chìm đò. Họ đến để xin tòa, mong tòa giảm nhẹ hình phạt cho Quý và Mậu. Quý nhận 14 năm tù, Mậu 15 năm.

Ngày Quý và Mậu rời làng chịu án, con của họ cũng chỉ mới chập chững bước đi, hay vào lớp 1 lớp 2 trường làng. Trong xóm ngoài làng không một ai mảy may nói nặng, nói nhẹ với vợ con Quý và Mậu. Thậm chí, không chỉ dành cho gia đình 2 người lái đò sự thứ tha, người làng còn đùm bọc, giúp đỡ vợ con họ khi khó khăn, hoạn nạn.

Chính ông Khâm, người đã có 3 đứa con bị thiệt mạng trong chuyến đò xấu số đã chỉ tay đưa chúng tôi đến nhà Quý. Ông Khâm bảo: “Qúy vừa mới ra tù, hôm về làng sau khi trình diện ủy ban nó có đi khắp làng trên xóm dưới vô nhà mọi người hỏi thăm, xin lỗi. Tôi nói không quên được chuyện buồn, nhưng giờ con phải cố gắng sống tốt để bù đắp lại cho vợ con con, và đừng làm cái gì không hay để người làng phải buồn. Làng này giờ không ai trách con đâu, chuyện xảy ra có ai muốn bao giờ…”.

Ngày Quý rời làng chịu án, con gái đầu Nguyễn Thị Lan Anh mới học lớp 4, cháu sau Nguyễn Thị Hải Yến mới lững chững tập đi, giờ nhìn con cái đã lớn, chăm chỉ học hành, hiếu thảo với cha mẹ cũng động viên Qúy rất nhiều…

Những lần trước về Quảng Hải sau mỗi lần bão lũ để trao quà của cơ quan, tôi vẫn thường hỏi thăm, và đề nghị chính quyền xã đưa chị Cao Thị Lan và chị Cao Thị Lý vợ của anh Quý và Mậu vào diện ưu tiên nhận quà, bởi qua tìm hiểu tôi biết cuộc sống khó khăn của họ khi chồng ở tù chịu án, một mình các chị gồng gánh để nuôi những đứa con thơ dại.

Về Quảng Hải lần này gặp cháu Lan Anh, Hải Yến con anh Quý, cháu Anh Tuấn, Khánh Ly con anh Mậu đã lớn và các cháu đều học giỏi, chăm chỉ, thấy các cháu trưởng thành, niềm vui như lan đến sưởi ấm chúng tôi trong chiều đông ở Quảng Hải.

Tác giả: Dương Sông Lam

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP