Quy mô mới, vị thế mới
Theo Đề án tóm tắt sắp xếp tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị do Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh cùng đề xuất, tỉnh Quảng Trị sau sắp xếp có diện tích hơn 12.700 km2, dân số trên 1,8 triệu người. Tỉnh mới thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, vị trí phía Bắc giáp Hà Tĩnh, phía Nam giáp TP. Huế, phía Tây giáp nước CHDCND Lào, phía Đông giáp biển. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Quảng Trị mới sẽ đặt tại vị trí TP. Đồng Hới hiện nay.
![]() |
Việc sáp nhập 2 tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị mở ra dư địa và không gian phát triển mới cho tỉnh Quảng Trị. |
Các chuyên gia đánh giá, với quy mô diện tích và dân số tăng lên, tỉnh Quảng Trị sau sáp nhập sẽ có quy mô tương đương với các địa phương trọng điểm miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An. Đây là điều kiện quan trọng để nâng cao vị thế địa phương trong các chiến lược phát triển vùng và quốc gia.
Bên cạnh đó, Quảng Trị sẽ có lợi thế cực lớn về “vị trí chiến lược” khi vừa nằm trên trục Bắc -Nam của đất nước, vừa sở hữu cửa ngõ quan trọng của hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối Việt Nam với Lào, Thái Lan và Myanmar. Như vậy, địa phương sẽ không chỉ là một phần của Bắc Trung Bộ, mà có thể vươn lên trở thành trung tâm kết nối tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang, việc hợp nhất hai tỉnh không chỉ là sự kiện hành chính mà là một cơ hội mang tính lịch sử để thiết lập lại không gian phát triển mới, mở rộng dư địa tăng trưởng, thúc đẩy liên kết vùng, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của hai địa phương có vị trí địa lý chiến lược, nhiều tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội, đặc biệt là cùng nằm trên các hành lang phát triển trọng điểm quốc gia và khu vực. Qua đó, mở ra dư địa phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng tầm vị thế của địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. |
Ông Phạm Hồ Hoàng Long - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư An Thành nhìn nhận, một trong những cơ hội lớn nhất của sáp nhập tỉnh đến từ việc tái cấu trúc không gian quy hoạch và phát triển kinh tế.
“Hai tỉnh trước đây có quy hoạch tương đối riêng rẽ, thiếu sự kết nối vùng. Sau khi sáp nhập, không gian phát triển sẽ không còn bị giới hạn bởi ranh giới hành chính, cho phép tái thiết kế các trục phát triển theo hướng gắn kết và hiệu quả hơn” - ông Long nhìn nhận.
Theo ông Long, sau sáp nhập tỉnh, trục Bắc -Nam tiếp tục đóng vai trò là “xương sống” với các hành lang đô thị, công nghiệp, dịch vụ ven quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt và cao tốc Bắc - Nam.
Trong khi đó, trục Đông - Tây sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn với hệ thống cửa khẩu quốc tế Cha Lo, La Lay và Lao Bảo, tạo ra hành lang thương mại - logistics xuyên biên giới thông qua các tuyến quốc lộ 12, quốc lộ 9, quốc lộ 15D và cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo (sắp sửa đầu tư). Đồng thời, các vùng ven biển và trung du có thể phát triển mô hình cụm ngành kinh tế như du lịch biển - sinh thái ở phía Đông, công nghiệp năng lượng - logistics ở phía Tây.
![]() |
Sau sáp nhập, Đồng Hới được nhận định trở thành trung tâm hành chính - dịch vụ - du lịch. |
“Thay vì phát triển dàn trải, tỉnh Quảng Trị mới có thể định hình mô hình “đa trung tâm” với vai trò phân vùng rõ ràng: Đồng Hới là trung tâm hành chính - dịch vụ - du lịch; Đông Hà là cực công nghiệp - logistics; Khe Sanh, Lao Bảo - các đô thị cửa khẩu và các đô thị cảng biển như Hòn La, Cửa Việt sẽ phát triển kinh tế biên mậu và thương mại quốc tế” - ông Long đề xuất.
Tận dụng thời cơ mới
KTS. Phạm Xuân Thành - Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Đầu tư Xây dựng Bình An nhìn nhận, tỉnh Quảng Trị sau sáp nhập sẽ có quy mô thị trường rộng hơn, tạo lợi thế cạnh tranh rõ rệt trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, dịch vụ và công nghiệp so với trước đây.
“Các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ quan tâm đến tính kết nối vùng và khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng liên quốc gia, đặc biệt là khi tỉnh mới có vị trí thuận lợi để đóng vai trò trung chuyển hàng hóa giữa Đông Bắc Thái Lan - Lào - Việt Nam - Trung Quốc” - KTS. Thành nhận định. |
Cũng theo KTS. Phạm Xuân Thành, để phát huy được các lợi thế mới, Quảng Trị cần nghiên cứu đề xuất các cơ chế đặc thù nhằm xây dựng các khu kinh tế tổng hợp ven biển, các cụm đô thị công nghiệp - dịch vụ gắn với logistics, các chính sách thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, startup đổi mới sáng tạo và kinh tế số...
KTS. Phạm Xuân Thành cho rằng, tỉnh mới sẽ bao phủ nhiều dạng địa hình biển, đồng bằng, trung du, miền núi với dân cư phân bố đa dạng. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế đa ngành, đa trung tâm nhưng đồng thời cũng đòi hỏi chính sách phân vùng và ưu tiên đầu tư rõ ràng.
"Việc tích hợp quy hoạch sẽ giúp xác định lại vai trò của từng vùng: Khu vực ven biển tập trung vào du lịch, năng lượng tái tạo, nuôi biển công nghệ cao. Vùng đồng bằng phát triển nông nghiệp sạch, công nghiệp nhẹ và đô thị. Vùng trung du - miền núi phát triển lâm nghiệp bền vững, kinh tế biên mậu và bảo tồn văn hóa - sinh thái” - KTS. Thành góp ý.
Ông Phạm Hồ Hoàng Long cho rằng, tỉnh Quảng Trị mới sẽ cần một lộ trình rõ ràng trong việc tổ chức lại bộ máy, tích hợp quy hoạch, phân bổ nguồn lực và xây dựng bản sắc mới cho địa phương. Sự thành công của quá trình này sẽ phụ thuộc vào cơ chế chính sách đủ linh hoạt, ưu tiên các chương trình đột phá. Sự đồng thuận xã hội, đặc biệt từ đội ngũ cán bộ và người dân. Tư duy quy hoạch mở, liên kết vùng và chú trọng các giá trị dài hạn.
“Sáp nhập Quảng Bình - Quảng Trị không đơn thuần là một thay đổi về địa giới hành chính, mà là cơ hội lịch sử để thiết kế lại không gian kinh tế Bắc Trung Bộ theo hướng tích hợp, hiện đại và bền vững. Với tầm nhìn chiến lược và cách tiếp cận lấy nhà đầu tư làm trung tâm, tỉnh mới hoàn toàn có thể vươn lên thành một cực tăng trưởng mới khu vực Bắc Trung Bộ, đóng vai trò then chốt trong mạng lưới kinh tế liên vùng và quốc tế trong tương lai” - ông Long nói./.
Tác giả: Ngọc Tân
Nguồn tin: thoibaotaichinhvietnam.vn