Giáo dục

Sản phẩm nhân văn hỗ trợ người khiếm thị của chàng sinh viên Đà Nẵng

Với thiết bị này, người khiếm thị, nhất là những người vừa mới bắt đầu làm quen với bảng chữ nổi Braille có thể chủ động ghi nhớ bảng chữ, cảm nhận chữ, viết chữ và luyện phát âm mà không phải phụ thuộc vào giáo viên hay phụ huynh.

“Thiết bị hỗ trợ học chữ nổi cho người khiếm thị” là công trình sáng tạo đầy tính nhân văn của bạn Nguyễn Duy Hùng (Sinh viên lớp 13D1, khoa Kỹ thuật điện - Điện tử, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng)

“Trong một đợt tình nguyện tại trường THPT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, mình tình cờ chứng kiến những bạn học sinh khiếm thị đang học tập bằng bảng chữ nổi Braille (Hệ thống chữ nổi của người khiếm thị - PV). Với những bạn mới bắt đầu làm quen với bảng chữ này thì việc ghi nhớ và viết được tất cả các ký tự là một điều rất khó khăn. Bản thân là người học về kỹ thuật, mình nghĩ nên có một giải pháp để giúp các bạn học tập thuận lợi hơn”, Hùng chia sẻ về ý tưởng.

Nguyễn Duy Hùng với Thiết bị hỗ trợ học chữ nổi cho người khiếm thị. Ảnh: Đoàn Lê

Sau nhiều lần khảo sát, tương tác với các học sinh khiếm thị, Hùng đã cho ra đời thiết bị hoàn chỉnh với “trọn bộ” gồm 1 bảng điện tử giả lập, 1 cây bút, 1 module tự nổi chữ trên mặt thiết bị, 1 bàn phím tính toán gồm 16 phím ứng với các con số và phép tính. Kinh phí để làm ra một thiết bị vào khoảng 1,5 triệu đồng.

Thiết bị tích hợp 5 tính năng cơ bản gồm: Nhắc chữ - tập cảm nhận chữ, tập viết chữ nổi trên bảng điện tử giả lập, tính toán, giải trí, đồng hồ.

Với tính năng nhắc chữ - tập cảm nhận chữ, người học chỉ cần nói ra chữ cái ở micro, hệ thống sẽ nhận dạng giọng nói và tự động kích nổi các ký tự nổi trên mặt thiết bị để người dùng cảm nhận (sờ vào) và ghi nhớ.

Với tính năng tập viết chữ nổi, người học sẽ chấm bút xuống bảng viết điện tử. Khi bút tiếp xúc các lỗ nối với tiếp điểm trên bảng viết, tín hiệu sẽ truyền về bộ điều khiển và phát ra âm thanh tương ứng với chữ cái. Từ đó người học sẽ kiểm soát được lỗi chính tả và ghi nhớ chữ cái cho những lần viết sau.

Tính năng tính toán cho phép người học sử dụng một bàn phím được in sẵn các ký tự nổi. Người học chỉ cần sờ vào các phím để cảm nhận con số mình cần tính rồi nhấn phím để máy phát ra âm thanh tương ứng. Kết hợp các phép tính, cuối cùng nhấn phím dấu ( = ) và máy sẽ đọc kết quả. Đặc biệt, thiết bị có thể xử lý nhiều phép tính phức tạp có nhiều chữ số.

Ngoài ra, người học có thể xoay nút qua chế độ đồng hồ để nghe âm thanh thông báo giờ cụ thể, xoay nút qua chế độ giải trí để nghe nhạc và học chữ từ các bài hát được cài đặt sẵn trong máy.

Nguyễn Duy Hùng đang hướng dẫn một một người khiếm thị sử dụng thiết bị. Ảnh: NVCC

Theo Hùng, hiện nay có nhiều thiết bị hỗ trợ dành cho người khiếm thị nhưng đa số đều hướng đến đối tượng đã biết chữ nổi. Vì vậy mà một thiết bị dành cho người mới học chữ mà đặc biệt là trẻ em là mục đích mà Hùng hướng tới khi thực hiện ý tưởng.

Thiết bị đã được thử nghiệm tại trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP. Đà Nẵng) và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của thầy cô và học sinh tại đây. Hiện tại, Hùng vẫn đang ghi nhận các ý kiến đóng góp để tiếp tục cải tiến, hoàn thiện thiết bị này.

Sản phẩm đầy tính nhân văn của Nguyễn Duy Hùng đã đạt giải Nhất tại cuộc thi WEPICS 2017 do USAID & HEEAP và Trường Đại Học Arizona State (Hoa Kì) phối hợp tổ chức.

Tác giả: Đoàn Lê

Nguồn tin: Tạp chí khám phá

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP