Tin địa phương

Ra khơi lỗ nặng, hàng trăm tàu cá ‘mắc cạn’ ở Quảng Bình

Hàng loạt tàu cá ở Quảng Bình nằm “mắc kẹt” trên bờ chờ bán giá rẻ để trả nợ vì đi biển gặp nhiều khó khăn.

Xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) được biết đến là địa phương có đường bờ biển kéo dài, nhiều người dân ven biển chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt cá xa bờ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, giá nguyên liệu tăng, hải sản rớt giá và thiếu nguồn lao động khiến hàng loạt tàu cá nằm trên bờ “chỏng chơ” không ai ngó ngàng.

Hàng trăm tàu cá ở Quảng Bình nằm “mắc kẹt” trên bờ chờ bán giá rẻ để trả nợ. (Ảnh LÊ NGỌC)

Đáng nói hơn, khi các tàu cá không hoạt động, neo đậu thời gian dài khiến thân tàu, máy móc, thiết bị hư hỏng nặng. Nếu muốn hoạt động trở lại ngư dân phải bỏ ra một khoản tiền lớn để sửa chữa, điều này càng khiến họ quyết định để tàu cá nằm bờ chờ bán với giá rẻ.

Anh Trần Văn Đạt (42 tuổi, trú tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch) cho biết, những năm trước đây, mỗi chuyến ra khơi tàu của anh đem về hơn 150 triệu đồng, trừ toàn bộ chi phí, mỗi thuyền viên bỏ túi hàng chục triệu đồng là chuyện thường.

"Hồi đó giá dầu rẻ, giá hải sản lại cao, ai nấy đều hào hứng ra khơi. Nhưng bây giờ thì ngược lại, mỗi chuyến vươn khơi bám biển lại nơm nớp vì sợ thua lỗ, chuyến gần nhất gia đình tôi lỗ hơn 60 triệu đồng sau 20 ngày đi biển.

Thời gian gần đây, tôi phải nhận thêm công việc xây dựng trong địa bàn để phụ thêm cho gia đình. Giờ gia đình tôi lâm vào cảnh thuyền bán không ai mua, lãi thì vẫn cứ trả cho ngân hàng", anh Đạt tâm sự.

Việc ngư dân đầu tư, vay mượn để mua tàu cá lên đến hàng tỷ đồng nhưng lại nằm bờ càng khiến người dân gặp cảnh túng quẫn. Ngoài ra, việc thiếu lao động đi biển cũng là một khó khăn mà các chủ tàu cá tại xã Cảnh Dương phải đối mặt.

Hiện nay, mỗi tàu cá ra khơi phải cần từ 10 đến 15 lao động, nhưng vì thu nhập thấp từ việc bán hải sản kéo theo lương lao động giảm nên nhiều người chuyển sang ngành nghề khác hoặc sang nước ngoài lao động.

Tàu cá không hoạt động, neo đậu với thời gian dài khiến thân tàu, máy móc, thiết bị hư hỏng nặng. (Ảnh LÊ NGỌC)

Để kiếm thêm thu nhập có tiền trả nợ, chồng của chị Lê Mỹ Hạnh (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch) sang Đài Loan hơn 1 năm nay. Tại đó, chồng chị phải làm những lao động chân tay như bốc vác, xếp hàng, vận chuyển đồ đạc,…

"Sau vài tháng làm ăn lỗ nặng, chồng em được người thân giới thiệu sang Đài Loan xuất khẩu lao động. Hiện gia đình chỉ biết trông chờ vào số tiền chồng gửi về để trả lãi ngân hàng và lo cho 3 mẹ con, không biết khi nào mới trả xong con tàu", chị Hạnh buồn bã nói.

Nghề đi biển bị chững lại cũng khiến các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá của xã như: xăng dầu, đá, sửa chữa tàu thuyền... bị “đóng băng”.

Ông Đồng Vinh Quang - Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho hay, trên địa bàn xã có 594 tàu đánh bắt xa bờ, 179 tàu có chiều dài 15m trở lên. Tuy nhiên, thời gian gần đây số lượng ngư dân đi biển đánh bắt hải sản giảm rõ rệt.

"Chi phí cho chuyến đi biển lớn, giá thành hải sản không ổn định khiến nhiều người chọn công việc khác hoặc đi nước ngoài, rao bán tàu với giá rẻ để muốn có cuộc sống ổn định hơn.

Sau khi nắm bắt được khó khăn của người dân, chính quyền địa phương đã kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn để tạo đầu ra cho người dân giúp họ có thêm thu nhập. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã đề xuất giảm lãi suất tại các ngân hàng để người dân có thêm tự tin tiếp tục vươn khơi bám biển", ông Quang thông tin.

Tác giả: LÊ NGỌC

Nguồn tin: Báo VTC

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP