Giáo dục

Quy hoạch mạng lưới các trường Đại học, cao đẳng: Không thể chần chừ

Năm 2013, Chính phủ ban hành Quyết định số 37 về việc điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ), giai đoạn 2006-2020. Chỉ còn 3 năm nữa quyết định 37 hết hiệu lực, thế nhưng thực tế, nhiều nội dung của giáo dục ĐH đã đi “chệch” mục tiêu mà Quyết định này đưa ra.

Chỉ còn 3 năm nữa quyết định 37 về điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường Đại học, Cao đẳng sẽ hết hiệu lực. Ảnh: Như Ý.

Quá tải đại học

Theo Quyết định 37, đến năm 2020, cả nước có 460 trường ĐH, CĐ. Trong đó bao gồm 224 trường ĐH và 236 trường CĐ. Nhưng tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục ĐH, các trường sư phạm, Bộ GD&ĐT cho biết năm học vừa qua cả nước hiện có 235 trường ĐH, học viện (con số này chưa kể các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh). Như vậy, từ nay đến năm 2020, Việt Nam không thành lập, nâng cấp trường ĐH nào nữa thì vẫn vượt mục tiêu Quyết định 37 đề ra 9 trường ĐH.

Trong Quyết định 37 cũng nêu rõ, quy mô đào tạo của các trường ĐH, CĐ được xác định trên cơ sở đảm bảo các điều kiện, yếu tố ảnh hưởng chất lượng như số lượng, chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành, ký túc xá sinh viên, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, quản lý nhà trường..., đồng thời được cân đối phù hợp với đặc điểm của các trường, ngành nghề đào tạo, bậc đào tạo và năng lực quản lý để bảo đảm chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao. Quyết định cũng đưa ra định hướng quy mô đào tạo của các nhóm trường ĐH.

Cụ thể, hai ĐH Quốc gia khoảng 42.000 sinh viên, các trường ĐH trọng điểm khác khoảng 35.000 sinh viên. Các trường ĐH, học viện đào tạo các ngành kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, sư phạm và các lĩnh vực khác có gắn với kinh tế - kỹ thuật khoảng 15.000 sinh viên. Các trường ĐH, học viện đào tạo các ngành y tế, văn hóa, xã hội khoảng 8.000 sinh viên. Các trường ĐH, học viện đào tạo năng khiếu khoảng 5.000 sinh viên... Đến năm 2020, tổng quy mô đào tạo ĐH, CĐ đạt khoảng 2,2 triệu sinh viên. Thế nhưng đến năm học vừa qua, chỉ riêng quy mô đào tạo sinh viên ĐH đã đạt trên 1,7 triệu sinh viên, chưa kể quy mô đào tạo hệ CĐ thuộc Tổng cục dạy nghề.

Khoác danh đại học

Nói về tình hình phát triển của các trường ĐH hiện nay, GS. Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên thừa nhận Việt Nam đang có quá nhiều trường ĐH. Cơ sở vật chất nhiều trường thấp, trang thiết bị cho các phòng thực hành, thí nghiệm đối với các ngành đào tạo đòi hỏi công nghệ cao của Việt Nam cũng còn rất yếu kém. Đội ngũ cán bộ giảng viên trong các trường ĐH, đặc biệt là các trường mới mở, mới thành lập non yếu, thiếu nên chất lượng đào tạo thấp. Sinh viên của Việt Nam cũng tản mát, tuyển dụng không được, việc làm không có đã tạo nên bức tranh không như mong muốn của giáo dục ĐH Việt Nam.

“Nhiều trường không tuyển sinh được nhưng vẫn mang danh trường ĐH, và vẫn cứ để tồn tại như thế rồi đi làm đủ mọi thứ để sống” – GS. Đặng Kim Vui nói.

Tuy nhiên, theo GS Đặng Kim Vui, quy luật thị trường và sự phân hóa của xã hội, sẽ có một số trường bị loại tự nhiên. Một số trường chưa bị loại cố níu kéo tồn tại sẽ tạo ra sự tốn kém tiền của của xã hội. Bởi những trường này tìm đủ mọi cách để sống từ đào tạo ngắn hạn đến đào tạo nghề nên không xứng đáng với danh nghĩa một trường ĐH.

Trước thực trạng các trường ĐH phát triển quá nóng về số lượng cũng như tuyển sinh, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 46 quy định rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH, giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn 2030. Theo đó, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là rà soát quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006 - 2020 để xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn đến 2030.

Không quy hoạch sẽ chết

Theo ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, đây không phải là lần đầu tiên đưa ra chủ trương quy hoạch mạng lưới các trường ĐH. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước đã đưa ra và làm rất quyết liệt. Ngày đó, ĐH tư thục chưa có, số lượng trường ĐH công lập cũng không nhiều nhưng trường công đã vượt quá khả năng đầu tư của nhà nước. Tuy nhiên, dù có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và Phó thủ tướng lúc đó nhưng cũng không làm được. Nguyên nhân được ông Khuyến lý giải do Việt Nam có nếp nghĩ tách ra thì dễ, nhập vào thì khó nên chủ trương đã vấp phải phản ứng của các trường, không trường nào muốn sát nhập. “Nhưng cho đến nay, khi số lượng các trường đã phình ra nhiều, nếu không làm thì chết” – ông Lê Viết Khuyến nhấn mạnh. Chủ trương giao tự chủ cho các trường cũng là một giải pháp quy hoạch mạng lưới một cách tự nhiên. “Khi giao quyền tự chủ, các trường không tìm kiếm được nguồn tuyển sinh sẽ phải tự giải thể. Còn nếu có nguồn thu, trường sẽ vẫn còn hoạt động” – ông Khuyến nói.

Giải pháp mà ông Lê Viết Khuyến đưa ra là phải có quyết tâm cao của toàn hệ thống. “Nghị quyết 19 của Trung ương đã thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong việc quy hoạch sắp xếp mạng lưới các trường ĐH. Cùng với việc tinh giảm biên chế sẽ là điều kiện để thực hiện việc này. Nếu không tái cấu trúc, không quy hoạch lại mạng lưới thì sẽ không thể kiếm đâu ra nguồn tài chính đầu tư để nuôi bộ máy quá lớn như hiện nay” – ông Lê Viết Khuyến khuyến cáo.

Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 vừa qua cũng đưa ra nhiệm vụ đối với giáo dục ĐH: Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học. Sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục. Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đại học công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Các trường trong Quân đội, Công an chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng vũ trang.

Tác giả: NGHIÊM HUÊ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP