Xã hội

Quảng Trị: Những công trình nước tiền tỷ… không có nước!

Mặc dù được đầu tư xây dựng với số tiền hàng tỷ đồng, nhưng các công trình nước sạch chỉ sử dụng được một thời gian đã ngừng hoạt động, gây lãng phí. Trong khi đó, người dân đã bỏ tiền lắp đặt ống dẫn nước sạch đành ngậm ngùi tự xoay xở nguồn nước để sinh hoạt.

Công trình nước cạn khô, không hoạt động

Dù đang vào thời điểm mùa khô, nhưng cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt thường xuyên xảy ra với nhiều hộ dân tại thôn Lê Xá, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Loay hoay trong cảnh thiếu nước sạch, người dân nhìn các công trình nước tiền tỷ bỏ hoang mà chua chát.

Trong các năm 2006 và 2008, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị) đã đầu tư 2 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung dạng bơm dẫn cấp nước sạch cho thôn Lê Xá (xã Vĩnh Sơn).

Công trình nước sạch ngừng hoạt động nhiều năm nay tại xã Vĩnh Sơn

Mỗi công trình có kinh phí đầu tư xấp xỉ 2 tỉ đồng. Sau khi tổ chức các lớp tập huấn quản lý, vận hành duy tu, trung tâm giao lại cho UBND xã Vĩnh Sơn quản lý, vận hành.

Khi công trình hoàn thành, người dân đều vui mừng vì sẽ được sử dụng nguồn nước sạch. Các hộ dân đã nộp gần 1 triệu đồng để lắp đặt ống dẫn nước vào nhà, đồng hồ nước… Tuy nhiên, sử dụng được một thời gian thì các công trình này ngừng hoạt động.

Không có nước, đồng hồ và ống dẫn vào nhà dân cũng hoen gỉ theo

Ông Nguyễn Văn Hiền (thôn Lê Xá, xã Vĩnh Sơn) cho biết: “Khi mới vận hành, gia đình tôi nộp 1 triệu đồng để lắp đặt hệ thống dẫn nước. Thế nhưng, chưa sử dụng được bao lâu thì nước ngừng chảy. Từ đó, công trình cấp nước đã ngừng hoạt động từ 4-5 năm qua”.

Do thiếu nước sinh hoạt nên nhiều hộ dân phải tự nghĩ cách xoay xở nguồn nước. Những hộ có điều kiện thì thuê người khoan giếng để dùng, còn những hộ khác thì sử dụng giếng khơi, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh do không đảm bảo chất lượng.

Người dân bỏ tiền lắp đạt ống dẫn nước sạch nhưng được một thời gian thì nước ngừng chảy

“Gia đình tui sau đó phải bỏ thêm 4 triệu đồng để khoan giếng. Nhưng số ít may mắn có nước để sử dụng, còn có hộ khoan giếng nhưng không có nước. Tui phải mua thêm máy lọc nước để xử lý khi dùng ăn, uống”, ông Hiền cho hay.

Theo quan sát, cả hai công trình cấp nước tại thôn Lê Xá đều không hoạt động. Hệ thống đường ống đã bị hoen gỉ. Hai tháp nước là những khối bê tông cao vút, phơi giữa nắng mưa.

Hàng trăm hộ dân “khát” nước sạch

Ông Thân Trọng Dũng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, cho biết, cả hai công trình nước tại thôn Lê Xá do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị) đầu tư để cấp nước cho khoảng 274 hộ. Ban đầu, nước từ công trình này cũng được đấu nối về Trạm Y tế xã, UBND xã và 1 trường học.

“Lúc mới đưa vào sử dụng, người dân đóng tiền đối ứng để lắp đặt hệ thống dẫn nước, đồng hồ. Tuy nhiên, được vài năm thì các công trình này ngừng hoạt động. Một công trình có dấu hiệu bị bồi lấp, công trình còn lại do thiết bị vận hành bị hỏng”, ông Dũng nói.

Công trình được xây dựng hàng tỷ đồng bị lãng phí giữa vùng quê nghèo

Trước tình trạng này, cử tri đã nhiều lần kiến nghị lên xã, UBND xã cũng đề xuất lên trên nhưng chưa có phương án. Theo ông Dũng, năm 2017, phía Trung tâm đã ra kiểm tra nhưng cũng chưa có phương án gì. Trong khi đó, hàng trăm hộ dân thôn Lê Xá và một số hộ lân cận rơi vào tình trạng “khát” nước sạch.

“Trước đó, huyện có phân bổ nguồn vốn 230 triệu đồng để xây dựng công trình nước sạch. UBND xã dự kiến đưa vào khắc phục các công trình nước ở Lê Xá nhưng huyện không đồng ý với lý do không được bàn giao quản lý”, ông Dũng cho biết.

Hệ thống nước bị bỏ hoang nhiều năm, không vận hành

Ông Thân Trọng Dũng cho rằng, mấy năm nay vấn đề nước sạch rất cấp bách. Nhiều hộ dân phải sử dụng nước nhiễm phèn, nhiễm chì, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh.

Để giải quyết vấn đề nước sạch cho người dân, huyện Vĩnh Linh đã khảo sát, khoan và lắp đặt 5 giếng, 5 bể lọc tại 5 thôn: Nam Sơn, Phan Hiền, Huỳnh Xá hạ và 2 điểm trường Mầm non.

Ngoài 2 công trình tại xã Vĩnh Sơn, trên địa bàn huyện Vĩnh Linh còn có 3 công trình cấp nước tại xã Vĩnh Long, Vĩnh Thành, Vĩnh Hiền không hoạt động. Đáng chú ý, tại thôn Sa Nam (xã Vĩnh Long), từ năm 2010 Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Trị cũng đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt với kinh phí 2,5 tỉ đồng. Nhưng đến tháng 4/2014, công trình phải dừng hoạt động. Theo Sở NN-PTNT do hạn hán, nguồn nước suy giảm, các tuyến ống hư hỏng…

Gần 100 công trình cấp nước kém hiệu quả

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 202 công trình cấp nước nông thôn nhưng có đến 99 công trình trong tình trạng hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động. Cụ thể, tỉnh có 48 công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả, 51 công trình cấp nước không hoạt động.

Gần 100 công trình nước sạch tại Quảng Trị hoạt động kém hiệu quả

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng các công trình cấp nước tập trung nông thôn không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Phần lớn công trình được xây dựng từ năm 2002 trở về trước nên việc khảo sát, thiết kế chưa tính đến những ảnh hưởng làm giảm lưu lượng, trữ lượng nước mặt và nước ngầm, dẫn đến các công trình thiếu nguồn nước.

Các công trình cấp nước tự chảy ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông thường xuyên bị thiếu nước vào mùa khô, vào mùa mưa chất lượng sau xử lý cũng không đảm bảo do bị đục…

Sau khi công trình hoàn thành và bàn giao, các chủ đầu tư không thành lập Ban Quản lý công trình và không tổ chức các lớp tập huấn về công tác quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng; không xây dựng quy trình vận hành, khai thác. Thực tế này làm cho công trình nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng, ngừng hoạt động.

Tác giả: Đăng Đức

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP